Ngày 27 tháng 11 năm 2023, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và văn bản chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2024. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Luật được xây dựng nhằm quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác và sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững trên lãnh thổ Việt Nam. Luật này bao gồm 10 chương và 86 điều, với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Luật Tài nguyên nước đặt ra mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước, đảm bảo nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ môi trường. Các nội dung xây dựng Luật tập trung vào 4 nhóm:
– Đảm bảo an ninh nguồn nước
– Xã hộ hóa nghành nước
– Kinh tế tài nguyên nước
– Bảo về tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác
- Luật mới nhấn mạnh việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm. Nhà nước sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác nguồn nước, cũng như miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm. Đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em và các đối tượng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã cập nhật các quy định bị nghiêm cấm nhằm bảo vệ tài nguyên nước:
+ Phân vùng chức năng nguồn nước: xác định chức năng của nguồn nước để đưa ra các giải pháp bảo vệ và phục hồi, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
+ Bảo vệ chất lượng nước sinh hoạt: cấm các hành vi xả thải vào nguồn nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái phép. Bộ Xây dựng được giao chủ trì xây dựng danh mục các công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng, đồng thời phối hợp với Bộ Công an để đảm bảo an ninh cho các công trình này.
+ Phục hồi nguồn nước: Luật nhấn mạnh việc phục hồi các "dòng sông chết", quy định rõ các kế hoạch, chương trình phục hồi và yêu cầu bố trí nguồn lực để thực hiện.
+ Danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp: quy định cụ thể về danh mục này nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng đô thị và tăng khả năng tích trữ nước.
- Luật bổ sung nhiều quy định để quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước:
+ Quy định chung về khai thác: thống nhất quy trình đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước, đồng thời phân công rõ trách nhiệm cho các bộ ngành và địa phương. Chịu sự quản lý, giám sát, điều hoà, phân phối của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước
+ Sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả: Khuyến khích các phương án tái sử dụng nước, đặc biệt là ở các khu vực thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước.
+ Giám sát tài nguyên nước: Thực hiện quan trắc, giám sát tài nguyên nước một cách liên tục, kết nối dữ liệu tự động để nâng cao hiệu quả quản lý.
- Luật Tài nguyên nước năm 2023 khuyến khích xã hội hóa trong các lĩnh vực:
+ Phục hồi và phát triển nguồn nước: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào việc phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt.
+ Xây dựng công trình tích trữ: Khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho việc tích trữ và điều hòa nước, nhằm ứng phó với tình trạng hạn hán và ngập lụt.
- Luật mới rút ngắn thời hạn của một số loại giấy phép khai thác tài nguyên nước, cụ thể
+ Giấy phép nước mặt: Tối đa 10 năm, tối thiểu 5 năm, có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần 5 năm.
+ Giấy phép nước dưới đất: Tối đa 5 năm, tối thiểu 3 năm, gia hạn nhiều lần, mỗi lần 3 năm.
+ Mục tiêu: Đưa ra các quy định rõ ràng hơn, đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước.
- Để quản lý tốt hơn nguồn nước, luật yêu cầu kê khai việc khoan giếng:
+ Kê khai bắt buộc: Hộ gia đình khai thác nước dưới đất cho mục đích sinh hoạt phải kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ ngày 01/7/2026.
+ Quản lý mực nước: Đặc biệt chú ý đến các khu vực có mực nước đã bị suy giảm quá mức, nhằm bảo vệ tài nguyên nước.
Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên nước một cách hiệu quả. Luật đã xây dựng một khung pháp lý mạnh mẽ và toàn diện nhằm bảo vệ, phát triển và quản lý tài nguyên nước một cách bền vững. Với các quy định mới, luật này không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách trong việc quản lý tài nguyên nước mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực khó khăn. Điều này không chỉ có lợi cho cộng đồng mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho quốc gia.