Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước 2023, có hiệu lực từ 01/07/2024. Đây được đánh giá là một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn” và bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Với 468/472 (94,74%) phiếu đồng thuận, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 gồm 10 Chương, 86 Điều được ban hành kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước (TNN), đảm bảo an ninh TNN quốc gia. Bốn (04) nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm:
(1) Bảo đảm an ninh nguồn nước;
(2) Xã hội hóa ngành nước;
(3) Kinh tế tài nguyên nước;
(4) Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.
Lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Bộ TN&MT chụp ảnh lưu niệm khi Luật Tài nguyên nước năm 2023 được thông qua (Ảnh: Bộ TN&MT)
1. Cấm lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép
Tại Điều 8 Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
- Lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục.
- Khai thác trái phép bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, trong hành lang bảo vệ nguồn nước.
- Phá hoại các công trình điều tiết, trữ nước.
- Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước.
- Xây dựng hồ chứa, đập, công trình khai thác, sử dụng nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.
2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi “sông chết”
Điều 4 Luật Tài nguyên nước năm 2023 nêu rõ, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản; bảo vệ, phát triển tài nguyên nước; phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.
Tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, miễn, giảm thuế, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo điểm 4 Điều 34 Luật Tài nguyên nước năm 2023.
3. Chính sách ưu đãi với dự án cấp nước cho vùng sâu, vùng xa
Khoản 2 Điều 4 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định, Nhà nước ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn khan hiếm nước ngọt; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và những người dễ bị tổn thương khác.
Các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án kể trên sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, miễn, giảm thuế, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo khoản 2 Điều 73 Luật Tài nguyên nước năm 2023.
4. Chính sách sử dụng nước tuần hoàn
Theo khoản 1 Điều 58 Luật Tài nguyên nước, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải thực hiện các biện pháp để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả như cải tiến, hợp lý hóa quy trình sử dụng nước; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước.
Điều 59 Luật mới nhấn mạnh, Nhà nước khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải ngay trong giai đoạn xây dựng dự án.
Khoản 1 Điều 60 Luật Tài nguyên nước 2023 còn ghi nhận, tổ chức, cá nhân đầu tư sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước còn được vay vốn ưu đãi và miễn, giảm thuế theo pháp luật về thuế.
6. Nuôi trồng thuỷ sản trên biển phải đăng ký khai thác tài nguyên nước
Để tăng cường quản lý đối với hoạt động khai thác tài nguyên nước, khoản 4 Điều 54 Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định lại các trường hợp phải đăng ký khai thác tài nguyên nước bao gồm:
- Khai thác nguồn nước dưới đất quy mô nhỏ để sử dụng cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng; phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh;
- Khai thác nước biển để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản trên đất liền với quy mô vừa;
- Khai thác nguồn nước mặt để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô vừa;
- Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng tại moong hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản;
- Công trình ngăn sông, suối, kênh, rạch có quy mô vừa và nhỏ với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, tạo cảnh quan.
7. 6 trường hợp không cần kê khai, đăng ký, có giấy phép khai thác nước
Khoản 2 Điều 54 Luật Tài nguyên nước ghi nhận 06 trường hợp không phải kê khai, đăng ký, không phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước bao gồm:
- Khai thác nguồn nước để sử dụng cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng;
- Khai thác nước biển để sử dụng cho sản xuất muối hoặc khai thác nước biển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên biển, đảo;
- Khai thác nguồn nước để sử dụng cho mục đích phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh;
- Khai thác nguồn nước để sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnh do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật;
- Khai thác nước biển để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản trên đất liền với quy mô nhỏ;
- Khai thác nguồn nước mặt để sử dụng cho hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng; phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh với quy mô nhỏ.
8. Các trường hợp được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác nước
So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật mới đã bổ sung thêm các trường hợp tổ chức, cá nhân được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác nước tại Điều 69. Cụ thể như sau:
a. Trường hợp khai thác tài nguyên nước không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bao gồm:
- Khai thác nước biển;
- Khai thác nước mặt, nước dưới đất thuộc trường hợp phải đăng ký;
- Khai thác nước mặt, nước dưới đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 54 như: sinh hoạt hộ gia đình; sử dụng cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng; sản xuất muối; mục đích phòng cháy, chữa cháy,…
b. Trường hợp miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bao gồm:
- Công trình khai thác, sử dụng nước phải cắt, giảm lượng nước khai thác, sử dụng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
- Khai thác nước để cấp nước sinh hoạt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng người nghèo, phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng, xâm nhập mặn, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn;
- Khai thác, sử dụng tuần hoàn, tái sử dụng nước;
- Công trình hồ chứa có bổ sung nhiệm vụ kèm theo việc điều chỉnh, bổ sung dung tích phòng lũ cho hạ du so với nhiệm vụ của công trình hồ chứa đã được phê duyệt;
- Công trình khai thác tài nguyên nước đã được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh theo Bảo lãnh Chính phủ.
Xem đầy đủ nội dung Luật Tài nguyên nước 2023 tại đây
Nguồn: Môi Trường Á Châu tổng hợp