Thực trạng ô nhiễm nhựa và thực thi EPR giảm thiểu rác thải nhựa!

Thứ 4, 27/07/2022, 15:23 GMT+7

Việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, từ đó Việt Nam nằm vào số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất thế giới và là quốc gia có số lượng chất xả thải ra biển nhiều thứ 4 thế giới.

Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần nhưng số lượng được xử lý là rất ít. Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11%-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Rác thải nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đe dọa các loài sinh vật mà còn làm suy giảm nền kinh tế. Mặc dù Việt nam vẫn chưa có con số chính thức về chi phí phải bỏ ra để xử lý rác thải nhựa. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế cao hơn ít nhất 10 lần so với giá thị trường của nhựa nguyên sinh và cách tiếp cận hiện nay để giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa đang gặp thất bại.

Theo báo cáo “Nhựa: chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế” năm 2021 của WWF thì chi phí xã hội, môi trường và nền kinh tế đối với nhựa được sản xuất trong năm 2019 là 3.700 tỷ USD, cao hơn GDP của Ấn Độ. Nếu không có hành động cấp thiết nào được triển khai, các khoản chi phí này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2040, tương đương với 85% chi tiêu toàn cầu cho y tế trong năm 2018, cao hơn GDP của Đức, Canada và Úc năm 2019 cộng lại. Báo cáo của WWF cũng cho thấy, các quốc gia đang “vô tình” sa lầy vào một hệ thống sản xuất, tiêu dùng và xử lý nhựa gây ra vô số tác động tiêu cực đến con người và môi trường. Chi phí xã hội có thể định lượng được của nhựa hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Giảm thiểu rác thải nhựa

Thực  thi EPR giảm thiểu rác thải nhựa

Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014), các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Luật Bảo vệ môi trường 2020… làm cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra nguyên tắc cơ bản yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP với các chương về quản lý chất thải, Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Theo đó, các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể: Đóng góp tài chính cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Hoặc tự tổ chức hệ thống tái chế cho các sản phẩm và bao bì của mình. Trong trường hợp này, công việc có thể được thực hiện bởi chính công ty hoặc xử lý bởi một công ty dịch vụ được chứng nhận. Để đảm bảo tuân thủ pháp luật, nhà sản xuất sẽ phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế hàng năm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc áp dụng EPR sẽ giúp tỷ lệ thu hồi và tái chế riêng rẽ đối với chất thải bao bì cao hơn (nhựa, giấy, bìa cứng, thủy tinh, kim loại); Góp phần vào việc thiết kế bao bì thân thiện với môi trường hơn và giảm dùng quá nhiều bao bì. Đồng thời, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên thông qua việc tái chế, tái sử dụng để bảo tồn nguồn nguyên liệu thô và hệ sinh thái tự nhiên.

Xem thêm

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)!

EPR - Hướng dẫn đăng ký kế hoạch, báo cáo tái chế và kê khai đóng góp tài chính vào quỹ bảo vệ môi trường!

EPR - Năm loại hình được hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải!

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc