EPR - Năm loại hình được hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải!

Thứ 4, 15/06/2022, 03:09 GMT+7

Ngày 3/6/2022, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Hội thảo được tổ chức theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các bộ, ngành, Sở TN&MT, hiệp hội, nhà sản xuất, nhập khẩu…

Cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đóng góp tài chính

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra nhiều quy định mới về trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đến cuối vòng đời của sản phẩm là tái chế và xử lý chất thải.

Đối với trách nhiệm tái chế, doanh nghiệp phải tự mình tổ chức tái chế một số sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động tái chế. Đối với trách nhiệm xử lý chất thải, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm, bao bì phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải.

Theo dự thảo Thông tư, nguồn tài chính hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý chất thải gồm: Nguồn thu từ nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì; Nguồn thu từ nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải; Các khoản thu từ nhà sản xuất, nhập khẩu khắc phục hành vi vi phạm hành chính quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải; Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tại hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, nguồn tài chính đóng góp từ nhà sản xuất, nhập khẩu là nguồn tài chính bổ sung quan trọng bên cạnh ngân sách địa phương để góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt vốn rất búc xúc hiện nay. Nguồn tài chính này không chỉ tạo ra cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp tái chế mà còn giúp giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

hỗ trợ tái chế xử lý chất thải

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT

Hơn nữa, nguồn tài chính này không phải là thuế, phí nên không đưa vào ngân sách mà sẽ được sử dụng hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế, xử lý chất thải dựa trên nguyên tắc quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích.

Cũng theo ông Phan Tuấn Hùng, để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

5 loại hình được hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, có 5 loại hình được hỗ trợ, trong đó, 2 loại hỗ trợ hoạt động tái chế và 3 loại hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải.

Cụ thể, 2 loại hỗ trợ tái chế chính gồm: hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế theo khối lượng tái chế và  hỗ trợ tổ chức, cá nhân có các hoạt động phân loại, thu gom sản phẩm, bao bì cho mục đích tái chế. Mức hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tái chế được xác định theo khối lượng sản phẩm, bao bì được tái chế; mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân có hoạt động phân loại, thu gom sản phẩm, bao bì được xác định theo khối lượng sản phẩm, bao bì được phân loại, thu gom.

hỗ trợ tái chế xử lý chất thải 

Toàn cảnh hội thảo

Ngoài ra, 3 loại hình được hỗ trợ tài chính để xử lý chất thải gồm: hỗ trợ chủ đầu tư dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt;  hỗ trợ chủ dự án ứng dụng sáng chế về xử lý chất thải rắn sinh hoạt được nhà nước bảo hộ; hỗ trợ tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp có các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, bao gồm bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Mức hỗ trợ tài chính tùy thuộc vào từng đối tượng, địa bàn và hoạt động cụ thể.

Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện, hồ sơ, quy trình hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tái chế, xử lý chất thải, kèm theo các cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính do nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Theo dự kiến, Thông tư này sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành cuối năm 2022.

Nguồn: Cổng thông tin bộ TN&MT

Ý kiến bạn đọc