Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)!

Thứ 5, 07/04/2022, 09:51 GMT+7

Chúng ta nghe nhiều về Trách nhiệm xã hội, Trách nhiệm môi trường, Trách nhiệm với người tiêu dùng của nhà sản xuất, nhưng một thuật ngữ gần đây được nhắc đến là “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)”. Khái niệm này có nội hàm hẹp hơn Trách nhiệm môi trường. Vậy EPR là gì và nó được quy định cụ thể trong các văn bản nào? Lộ trình thực hiện của quy định này ra sao? Và tính sẵn sàng đón nhận của doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

Chi tiết văn bản tóm tắt xem thêm tại đây

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là gì?

Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) là cách tiếp cận của chính sách Môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.

EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ. Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.

Mục tiêu EPR (tại sao là EPR?)

EPR sẽ dẫn dắt nhà sản xuất nội hóa chi phí quản lý chất thải vào trong chi phí sản phẩm. Quá trình này sẽ thúc đấy nhà sản xuất tìm cách giảm lượng rác thải ra môi trường và tăng khả năng tái chế và tái sử dụng các bao bì đóng gói. Đặc biệt, với trách nhiệm mở rộng này, nhà sản xuất sẽ thay đổi tư duy về chuỗi sản xuất - tiêu dùng.

Là một chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc Người gây ô nhiễm phải trả tiền, EPR yêu cầu các Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về tác động tới môi trường mà sản phẩm của họ sẽ gây ra trong suốt chuỗi cung ứng, từ giai đoạn thiết kế đến thải bỏ. Với cách tiếp cận này, EPR được chứng minh là có hiệu quả trong: 

Chia sẻ gánh nặng tài chính và/ hoặc một phần trách nhiệm quản lý chất thải rắn từ chính quyền địa phương và người nộp thuế nói chung sang cho Nhà sản xuất; 

Thúc đẩy cải tiến sản phẩm theo hướng tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các dạng nguyên liệu độc hại, khó tái chế, tối ưu hoá thiết kế thuận tiện cho việc thu gom, phân loại, tháo dỡ và tái chế… (thiết kế vì môi trường); 

Giúp tiết kiệm tài nguyên thông qua giảm chất thải, tăng tái chế (kinh tế tuần hoàn); Tạo ra các cơ hội kinh tế trong suốt các giai đoạn khác nhau của vòng đời sản phẩm, đặc biệt là ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường trong quản lý và xử lý chất thải.

Epr

Ảnh minh họa

Ai là nhà sản xuất?

Nguyên tắc hàng đầu của EPR là tìm ra các bên có khả năng ảnh hưởng hiệu quả nhất đến sự thay đổi theo hướng cải tiến sản phẩm và hệ thống sản phẩm. Do đó, Nhà sản xuất được định nghĩa là người có quyền kiểm soát cao nhất đối với việc lựa chọn vật liệu và thiết kế của sản phẩm. Kinh nghiệm quốc tế khuyến nghị Nhà sản xuất hay người có nghĩa vụ thường bao gồm: 

(1) Chủ sở hữu thương hiệu; 

(2) Nhà nhập khẩu đầu tiên; 

(3) Người đóng gói bao bì (fillers) thay vì chính công ty sản xuất chính bao bì; 

(4) Đơn vị cung cấp nền tảng thương mại điện tử và có thể là các công ty chuyển phát bưu kiện (như đơn vị giao hàng và dịch vụ bưu chính) trong trường hợp thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Ngoài ra, trong một số trường hợp tại một số quốc gia, các đơn vị bán lẻ sử dụng bao gói bọc bên ngoài các sản phẩm bán ra (còn gọi là bao bì thứ hai) cũng có thể được coi là nhà sản xuất. 

 EPR được vận hành như thế nào?

Hệ thống EPR cho phép nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm của mình hoặc bằng cách cung cấp các nguồn tài chính cần thiết và/ hoặc bắt đầu tiếp quản một số khía cạnh vận hành trong quy trình quản lý chất thải rắn từ các đô thị. Trách nhiệm có thể là tự nguyện hoặc bắt buộc; Hệ thống EPR có thể được thực hiện riêng lẻ hoặc theo nhóm/ tập thể. 

Các hệ thống EPR trên toàn thế giới có xu hướng tuân theo một số phương pháp tiếp cận: gồm hình thành một Tổ chức thực hiện trách nhiệm của Nhà sản xuất (Producer Responsibility Organization – PRO) (duy nhất theo ngành hàng hoặc nhiều PRO trong cùng ngành hàng và cạnh tranh với nhau), hình thành Quỹ do Chính phủ quản lý và vận hành, tín chỉ giao dịch bên cạnh việc các tổ chức tự thực hiện. Ngoài ra, Nhà sản xuất có thể thực hiện trách nhiệm độc lập. Tuy nhiên, mô hình vận hành EPR với sự hình thành PRO là phổ biến nhất với nhiều ưu điểm trong việc chuyên môn hoá các hoạt động cũng như tối ưu hoá các chi phí. 

 Tổ Công tác EPR 

Tổ công tác EPR được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập vào ngày 16/03/2020 với tư cách là một Nhóm làm việc đa bên tự nguyện với sự tham gia của các nhà sản xuất, nhà tái chế, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ liên quan nhằm tăng cường đối thoại và phối hợp các nguồn lực để hỗ trợ thực hiện EPR tại Việt Nam. 

Tổ công tác ban đầu bao gồm phần lớn đại diện của ngành bao bì, và đang tiếp tục mở rộng với các đại diện từ các nhóm ngành hàng tương ứng với các ngành hàng thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách EPR. Tổ công tác EPR gồm đại diện của các nhóm ngành hàng và Nhóm chuyên gia tư vấn và hỗ trợ hoạt động. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN Việt Nam) là cơ quan điều phối hoạt động của Nhóm chuyên gia và hỗ trợ cho hoạt động của Tổ công tác EPR. 

Điều kiện tham gia và quyền lợi khi tham gia Tổ công tác EPR Tổ công tác là cơ chế tự nguyện dành cho: 

(1) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; (2) Có nguyện vọng và hoạt động thúc đẩy thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm, bao bì. 

Quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia Tổ công tác EPR

Về quyền lợi: 

(1) Được cập nhật thông tin và tham gia các nghiên cứu, đối thoại, góp ý trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về EPR; 

(2) Được đề xuất, tham gia thực hiện, quyết định chiến lược, kế hoạch hoạt động hàng năm và 05 năm của Tổ công tác EPR; 

(3) Được cử thành viên tham gia các Nhóm chuyên gia tư vấn hoặc hỗ trợ cho hoạt động của Tổ công tác EPR; 

(4) Được đề cử, ứng cử và bầu chọn Trưởng nhóm công tác của từng ngành hàng tương ứng; (5) Được hỗ trợ thông tin và hướng dẫn trong việc thực hiện EPR; 

(6) Được kết nối với các bên liên quan, chia sẻ các ý tưởng, sáng kiến trong việc xây dựng và thực hiện EPR ở Việt Nam; 

(7) Được ghi nhận và vinh danh kết quả đóng góp cho quá trình xây dựng và thực hiện EPR tại Việt Nam; 

Về nghĩa vụ: 

(1) Đăng ký tham gia Tổ công tác và có quyết định cử 01 đại diện tham gia; 

(2) Tham gia đầy đủ và có trách nhiệm đối với các hoạt động chung của Tổ công tác; (3) Cung cấp và chia sẻ thông tin cho quá trình xây dựng và thực thi EPR tại Việt Nam. 
 

EPR được quy định cụ thể trong những văn bản nào?

Năm 2005, Luật BVMT Việt Nam đã quy định về trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ cho các nhà sản xuất đối với một số loại hình sản phẩm (điều 67, khoản 1). Năm 2013, điều Luật này được cụ thể hóa trong Quyết định số 50/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Năm 2017, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 34 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Thông tư số 34/2017/ TT-BTNMT thực tế mới chỉ quy định chi tiết Khoản 13 Điều 5 và Khoản 1 Điều 9 của Quyết định số 16/2015/QĐ- TTg. Còn các hướng dẫn khác có liên quan, đặc biệt là tỷ lệ phải thu hồi, tái chế hoặc xử lý của doanh nghiệp sản xuất thì không được quy định cụ thể.

Năm 2020, Luật BVMT số 72/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), trong đó đã quy định chi tiết hơn, và đồng bộ hóa hệ thống thúc đẩy EPR tại Việt Nam. Các Điều 54, quy định về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và Điều 55, Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.

Theo Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT thực hiện khảo sát với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) về mức độ sẵn sàng thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cho thấy, số doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải theo quy định tại Điều 54, 55 là 93,55%. Đây chính là điểm thuận lợi khi triển khai áp dụng Điều 54, 55 của Luật BVMT đối với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đại đa số các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng trách nhiệm BVMT trong hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng. Nói cách khác, việc thực hiện EPR được nhìn nhận như một hình thức để doanh nghiệp thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội tích cực của mình.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Ý kiến bạn đọc