3235/QĐ-UBND

  • Số hiệu: 3235/QĐ-UBND
  • Ngày ban hành: 26/11/2021
  • Trạng thái: Còn hiệu lực

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3235/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 26 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THU GOM, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 /4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến 2025, tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường;

Căn cứ Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa;

Căn cứ Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ ý kiến tham gia của các thành viên UBND tỉnh và thống nhất của Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 3707/STNMT-QLMT ngày 19/11/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

(Có Đề án chi tiết ban hành kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng kế hoạch, chủ trì đôn đốc triển khai thực hiện; báo cáo định kỳ, đột xuất và tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

2. Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung được giao trong Đề án chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các nội dung được phân công đảm bảo theo lộ trình của Đề án.

3. Giao UBND các huyện, thành phố:

a) Tham mưu Huyện ủy, Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án ở cấp huyện và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp xã xong trước tháng 01/2022, với thành phần Ban chỉ đạo theo Đề án được phê duyệt để tập trung tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án này;

b) Xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các nội dung, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cấp huyện và chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc cấp xã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm cấp xã theo nội dung Đề án được phê duyệt.

c) Báo cáo định kỳ, đột xuất về Sở Tài nguyên và Môi trường theo yêu cầu để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định. 

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh:

a) Chỉ đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động thiết thực để huy động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; chủ trì phát động và duy trì các phong trào thu gom rác thải và vệ sinh môi trường; xây dựng khu dân cư, tuyến đường tự quản về vệ sinh môi trường; xây dựng, hình thành tuyến phố, tuyến đường, tổ dân phố, khu dân cư, tự quản, văn minh “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”; xây dựng và phát triển các phong trào tự quản bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện nghiên cứu, lựa chọn nội dung và xây dựng, triển khai Kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các nội dung khác của Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

ĐỀ ÁN

THU GOM, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3235/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

PHẦN I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ THỰC TIỄN

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia. Sau gần 25 năm tái lập tỉnh, kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, thu ngân sách luôn ở mức cao hơn so với bình quân chung cả nước.

Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ môi trường trong những năm qua luôn được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và đã đạt được nhiều kết quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên công tác bảo vệ môi trường vẫn còn còn nhiều tồn tại, bất cập, nhất là về công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Theo thống kê, hiện nay lượng rác thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày, trong đó ở khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom đã đạt trên 75% ở khu vực nông thôn và trên 95% ở khu vực đô thị. Tuy nhiên phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp thông thường (chiếm khoảng 75%) và đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã, cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư (chiếm khoảng 25%), hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động hiện nay chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường. Ngoài ra, trong nhiều năm qua, việc triển khai các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo quy hoạch còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra do hầu hết chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ về địa điểm của nhân dân ở vùng dự án.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đến năm 2025 là tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng quy chuẩn môi trường đạt 97% ở khu vực đô thị và 80% ở khu vực nông thôn; tỷ lệ bãi chôn lấp rác thải được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đạt trên 95%. Đây là những chỉ tiêu cơ bản và việc phấn đấu để đạt được mục tiêu trên là rất khó khăn, đòi hỏi phải có những nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện. Do đó, việc ban hành “Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”là yêu cầu hết sức cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc do rác thải gây ra, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

- Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ môi trường.

- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án ”Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025”.

- Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.

- Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

- Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.

- Quyết định số 3435/QĐ-UBND ngày 21/12/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Đề án Nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 1448/QĐ-UBND ngày 18/06/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Đề án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 theo hướng phát triển bền vững nâng cao chất lượng tăng trưởng;

- Chương trình hành động số 09/CTHĐ-UBND ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

PHẦN II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về cơ chế liên quan đến quản lý chất thải rắn trên địa bàn như: Quyết định số 55/2017/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 15/6/2017 về việc quy định giá một số dịch vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 26/3/2019 bổ sung, sửa đổi mức giá đối với một số dịch vụ tại quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 15/6/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc quy định giá một số dịch vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 1764/QĐ-CT ngày 10/07/2013 về việc phê duyệt và ban hành mức chi phí tạm thời xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt quy mô cấp xã (lò đốt NFi) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 3421/2019/QĐ-UBND ngày 28/10/2016 về việc ban hành mức giá tạm thời xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 2793/QĐ-UBND ngày 08/11/2018 ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 26/02/2019 ban hành quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất và giá cho thuê cơ sở hạ tầng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục ‑ đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Các sở, ngành đã phối hợp ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai các cơ chế hỗ trợ về hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải như: Hướng dẫn liên ngành số 835/HDLN-STNMT-STC-KBNN ngày 15/8/2012 về trình tự, thủ tục và quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn giai đoạn 2012-2015; Hướng dẫn liên ngành số 2575/HD-LN ngày 10/10/2016 hướng dẫn một số nội dung quy định về một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

II. CÔNG TÁC QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN

Giai đoạn 2014-2020, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tại Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 11/03/2014 (điều chỉnh bổ sung tại Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 15/01/2015 và Quyết định số 778/QĐ-UBND ngày 10/3/2016). Theo Đồ án quy hoạch được phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ hình thành 05 khu xử lý chất thải rắn tập trung quy mô liên huyện gồm: xây dựng các cơ sở xử lý rác thải bằng công nghệ đốt tại các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch (quy mô mỗi cơ sở khoảng 500 tấn/ngày), huyện Vĩnh Tường (quy mô 300 tấn/ngày). Riêng khu vực thành phố Phúc Yên, xây dựng 01 cơ sở xử lý rác bằng công nghệ sản xuất phân compost. Đồng thời sẽ hình thành được 274 điểm tập kết rác thải và đầu tư được 56 lò đốt rác công suất nhỏ quy mô cấp xã.

Kết quả, đến nay mới triển khai xây dựng được 01 cơ sở xử lý tập trung tại thị trấn Hợp Hòa - huyện Tam Dương sử dụng công nghệ đốt thu hồi nhiệt, tổng công suất xử lý theo thiết kế 150 tấn/ngày chia làm 02 giai đoạn, mỗi giai đoạn là 75 tấn/ngày (thực tế hiện nay cơ sở này đang hoạt động và chỉ đạt công suất xử lý khoảng 75 tấn/ngày). Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 02 dự án xây dựng cơ sở xử lý rác tập trung gồm: Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch của Công ty Cổ phần đầu tư ITC Hà Nội, công suất thiết kế 270 tấn/ngày đêm (sử dụng công nghệ đốt) và dự án Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc của Công ty TNHH MTV Xử lý môi trường Trung Nguyên, công suất thiết kế 50 tấn/ngày đêm (sử dụng kết hợp công nghệ đốt, tái chế nhựa và sản xuất phân compost). Cả 02 dự án này đang thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Về triển khai các điểm tập kết và lò đốt rác quy mô cấp xã, đến nay toàn tỉnh có khoảng 232 bãi chôn lấp rác tạm thời với tổng diện tích khoảng 31,2 ha; đầu tư lắp đặt được 37 lò đốt rác ở các xã, thị trấn. Tuy nhiên, hầu hết các bãi chôn lấp, lò đốt rác thải đều đã quá tải, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh chưa triển khai xây dựng được các điểm tập kết, trung chuyển rác thải để phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác từ các địa phương đến các cơ sở xử lý.

III. THỰC TRẠNG THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT

1. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải

Theo kết quả điều tra, khảo sát, tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày, trong đó ở khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày. Trong đó:

a) Đối với khu vực đô thị (Thành phố Vĩnh Yên và Thành phố Phúc Yên): Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu cung cấp dịch vụ. Hiện nay, Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên và Công ty Cổ phần Môi trường và công trình đô thị Phúc Yên đang thực hiện cung cấp dịch thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên. Tỷ lệ rác được thu gom đạt trên 95% và tần suất thu gom 1 ngày/lần (thu gom hàng ngày) để vận chuyển về nơi xử lý.

b) Đối với khu vực nông thôn: Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được thực hiện thông qua hợp đồng thuê khoán cho hợp tác xã hoặc các tổ đội vệ sinh môi trường. Nhìn chung, mạng lưới thu gom rác thải đã được hình thành và cơ bản đã bao phủ đến hầu hết khu trung tâm hành chính và các khu dân cư tập trung của các xã, thị trấn. Tỷ lệ rác thải được thu gom đạt trên 75%, tần suất trung bình khoảng 3 ngày/lần. Một số ít khu dân cư thưa thớt ở các xã vùng núi tần suất thấp hơn hoặc thực hiện theo hình thức tự xử lý bằng hố chôn lấp tại gia đình.

c) Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp: Thực hiện theo hợp đồng dịch vụ với các đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh hoặc các tỉnh lân cận, tần suất trung bình khoảng 2 ngày/lần.

2. Công tác xử lý rác thải

Rác thải sinh hoạt hiện nay phần lớn được chôn lấp tạm thời hoặc đổ thành bãi lộ thiên, phần còn lại được xử lý bằng các lò đốt quy mô nhỏ, không đảm bảo hợp vệ sinh.

a) Công tác xử lý rác thải ở đô thị:

Ở khu vực thành phố Vĩnh Yên, rác thải được thu gom, chôn lấp tại khu vực cạnh núi Bông, phường Khai Quang. Khu vực này nằm trong vùng quy hoạch phát triển đô thị và không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định. Ở khu vực thành phố Phúc Yên, do đến nay vẫn chưa bố trí được địa điểm xử lý nên phải tổ chức vận chuyển rác đến các địa bàn khác để xử lý.

b) Xử lý rác thải ở khu vực nông thôn: Hầu hết mỗi xã, thị trấn hiện nay có trung bình từ 1-2 bãi rác thải để xử lý cho toàn xã, thậm chí có địa phương hình thành bãi rác theo từng thôn, khu dân cư. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 232 bãi rác tạm với tổng diện tích khoảng 31,2 ha. Ngoài ra, trong thời gian qua ngân sách tỉnh và một số doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt 37 lò đốt rác quy mô cấp xã (34 lò từ nguồn ngân sách, 3 lò từ nguồn vốn của doanh nghiệp) và 01 nhà máy đốt rác thải tập trung (công suất đốt khoảng 75 tấn/ngày đêm) tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương.

Nhìn chung, việc đầu tư lò đốt nhỏ chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt, đến nay, hầu hết các lò đốt đều đã xuống cấp, công nghệ thô sơ, lạc hậu và không đáp ứng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đối với nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, nhìn chung hoạt động của cơ sở này còn thiếu ổn định, công suất xử lý chưa đạt mục tiêu 150 tấn/ngày đã đề ra.

3. Năng lực thu gom, vận chuyển rác thải

a) Đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 34 doanh nghiệp, 117 hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường tham gia cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Trong đó, có 09 doanh nghiệp, 117 hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường trực tiếp thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho các địa phương (trực tiếp hợp đồng với UBNDthành phố, các xã, thị trấn). Còn lại 25 doanh nghiệp thuộc địa bàn các tỉnh lân cận có giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải (gồm rác công nghiệp, y tế, nguy hại và rác thải sinh hoạt) cho hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

b) Phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải:

Phương tiện thu gom, vận chuyển rác hiện nay rất đa dạng, ở khu vực đô thị như thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và một số thị trấn, trung tâm huyện lỵ, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ chủ yếu sử dụng xe tải, xe ép rác chuyên dụng, còn lại ở các xã nông thôn chủ yếu là xe đẩy tay, xe ba gác, xe cải tiến hoặc xe tự chế có gắn động cơ, xe tải cỡ nhỏ,... Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 15 xe ép rác (loại từ 2,5 đến 7 tấn); 15 xe ô tô (loại từ 1,5 đến 2,5 tấn); khoảng 1.225 xe đẩy tay và các phương tiện thô sơ khác.

c) Lao động tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải

Thống kê có khoảng 2.100 người trực tiếp tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Trong đó, chủ yếu ở các Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên (khoảng 500 người), Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Phúc Yên (khoảng 300 người). Các doanh nghiệp thu gom có từ 5-10 người; còn lại các hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường ở các xã, thị trấn có số lao động từ 10 - 15 người tùy từng địa phương, đơn vị.

d) Thu nhập của người thu gom rác

Nhìn chung thu nhập của người thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn thấp so với mặt bằng chung hiện nay, nhất là ở các hợp tác xã hoặc tổ vệ sinh môi trường. Ở các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, thu nhập trung bình của người lao động hiện khoảng từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng và đã được chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp theo quy định.

Ở các hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, trung bình, mỗi hợp tác xã hoặc tổ vệ sinh môi trường có từ 8-15 người, thực hiện thu gom cho một xã trung bình có từ 1.500 - 2000 hộ dân, mỗi thôn, khu dân cư được giao cho một người trực tiếp thu gom, vận chuyển. Với mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải theo quy định của tỉnh hiện nay từ 2000 - 3.000 đồng/người/tháng (tối đa khoảng 20.000/hộ/tháng, ở khu vực đô thị là 3.000 đồng/người/tháng; ở khu vực nông thôn là 2.000 đồng/người/tháng), theo tính toán nếu thu đủ mỗi năm cũng chỉ được khoảng 216 triệu đồng/xã. Song thực tế việc thu phí gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu thu được đối với những hộ kinh doanh, dịch vụ ở những trục đường chính, khu trung tâm, còn lại hầu hết các hộ đều chây ì, không chịu đóng.

Nguồn hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động này được lấy từ nguồn sự nghiệp môi trường phân bổ hàng năm cho các địa phương theo Nghị quyết của HĐND tỉnh (năm 2021 là 445 - 495 triệu đồng/xã). Tuy nhiên việc bố trí kinh phí cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong tổng số kinh phí sự nghiệp môi trường được cấp hàng năm lại tùy thuộc vào mỗi địa phương, nơi cao, nơi thấp, không có định mức cụ thể (theo tính toán, chi phí cho công tác tuyên truyền, hội nghị, tập huấn, giải quyết đơn thư, khiếu nại,.. về môi trường trên 01 xã từ được sử dụng từ nguồn sự nghiệp môi trường chỉ khoảng 50 triệu đồng/năm; như vậy nếu sử dụng đúng, đủ mục đích thì định mức cho thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phải chiếm khoảng 90% kinh phí sự nghiệp môi trường của cấp xã. Tuy nhiên thực tế do không có quy định về định mức nên nhiều xã đã dành tỷ lệ kinh phí cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác rất thấp dẫn đến chi trả cho các HTX, Tổ dịch vụ vệ sinh môi trường thấp và không thông qua đấu thầu, đặt hàng kéo theo chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường thấp).

Chi phí cho hoạt động của hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường bao gồm tiền lương, mua bổ sung, sửa chữa dụng cụ, phương tiện thu gom, bảo hộ lao động, xăng dầu, chi phí quản lý,…nên thu nhập thực tế của người thu gom rác chỉ khoảng từ 1-2 triệu đồng/người/tháng. Do khó khăn nên các đơn vị thu gom phải chọn giải pháp tình thế, chờ đống rác đủ một chuyến xe thì mới bốc đi. Những nơi có điều kiện thì thu gom 3 ngày/lần, nơi không có điều kiện thì 4-5 ngày/lần, thậm chí khoảng 1 tuần/lần. Vì vậy, nhiều địa phương đã có hợp tác xã, tổ đội thu gom rác thải nhưng tình trạng rác thải chất đống ven đường, gần các điểm công cộng gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan môi trường vẫn diễn ra phổ biến.

4. Kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải

Kinh phí dành cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chủ yếu từ 02 nguồn: (1) từ nguồn ngân sách nhà nước; (2) từ nguồn thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải.

(1) Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước: Hiện chưa có cơ chế hỗ trợ riêng cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải mà chủ yếu được lấy từ trong tổng nguồn chi sự nghiệp môi trường được phân bổ cho các địa phương theo các Nghị quyết số 53/2016/NQ-HĐND ; Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016; Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020; Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh (nguồn kinh phí này bao gồm chi cho công tác quản lý nhà nước như kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường; hoạt động tập huấn, tuyên truyền; hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; hoạt động sơ kết, tổng kết; hỗ trợ hoạt động đoàn thể về vệ sinh môi trường của địa phương,...). Do không có định mức cụ thể nên việc cân đối, sử dụng nguồn kinh phí này cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn rất bất cập, tùy theo quyết định của từng địa phương. Một số nơi không thực hiện hợp đồng, thanh toán trên cơ sở định mức, đơn giá, khối lượng rác thải phát sinh cụ thể cũng như tỷ lệ thu được từ nguồn thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn.Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở các địa phương khác nhau, địa phương nào quan tâm dành phần phần nhiều mức phân bổ hàng năm từ nguồn sự nghiệp môi trường cho hoạt động thu hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải thì chất lượng công tác quản lý rác thải ở địa phương ấy được được tốt hơn.

(2) Đối với nguồn từ thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải: Theo Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 15/6/2017 của UBND tỉnh, mức thu ở khu vực đô thị là 3.000 đồng/người/tháng, ở khu vực nông thôn là 2.000 đồng/người/tháng (mức thu tối đa đối với hộ gia đình là 20.000 đồng/hộ/tháng); các đối tượng khác, mức giá áp dụng theo các bậc, mức khác nhau tùy thuộc vào quy mô, tính chất, loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, mức giá này còn thấp, trong khi việc thu còn rất khó khăn, nên không đủ để trang trải chi phí hoạt động.Vì vậy, một số địa phương ở Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Lập Thạch, Yên Lạc… đã tổ chức thu khoảng 5.000 đồng/người/tháng hoặc trên mức 20.000/hộ/tháng. Xuất phát từ thực tế này, hiện nay Sở Tài chính đang nghiên cứu việc tăng mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt để tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp. 

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những kết quả đạt được

Công tác quản lý rác thải đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể như:

- Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở một số địa phương đối công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đã có sự chuyển biến, trong đó đã ban hành một số Nghị quyết chuyên đề, công tác chỉ đạo, quy hoạch, bố trí địa điểm, quỹ đất để phục vụ cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Một số địa phương đã hình thành và duy trì được thường xuyên, hiệu quả các phong trào về bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý rác thải như huyện Vĩnh Tường, toàn tỉnh đã hình thành 832 câu lạc bộ bảo vệ môi trường do hội Cựu chiến binh quản lý,…

- Mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải đã được hình thành, bao phủ hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và ngày càng thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp có năng lực về quản lý, trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển góp phần nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Đây là cơ sở quan trọng cho việc hình thành hệ thống thu gom, vận chuyển - xử lý đồng bộ theo mục tiêu đề ra.

- Một số cơ chế, chính sách về quản lý rác thải đã được ban hành, góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý rác thải ở các địa phương.

- Đã thu hút và triển khai được một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý rác thải tập trung tại các huyện Tam Dương, Lập Thạch và một số địa bàn khác làm cơ sở để hình thành dịch vụ xử lý rác thải ở các địa phương.

2. Những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý rác thải còn có một số hạn chế, bất cập sau:

- Tỷ lệ rác được xử lý hợp vệ sinh còn rất thấp, tình trạng tập kết, đổ thải rác thải gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến. Hầu hết các bãi rác, lò đốt rác thải hiện đã quá tải, xuống cấp, công nghệ lạc hậu,... gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó việc mở rộng, cải tạo còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, do người dân phản đối hoặc không còn phù hợp với quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Việc triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung còn chậm. Đến nay mới chỉ có nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương đi vào hoạt động, song công suất xử lý còn thấp, chưa đạt mục tiêu đã đề ra.

- Đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải hiện không còn phù hợp, mức thu thấp, trong khi hiện nay chưa có cơ chế và nguồn hỗ trợ riêng cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

- Hoạt động của các hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường còn nhiều khó khăn, do nguồn thu hạn chế; thu nhập của người thu gom rác còn thấp, điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại nhưng chưa có chế độ hỗ trợ phù hợp.

3. Nguyên nhân

a. Nguyên nhân chủ quan

- Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa thường xuyên, quyết liệt. Quản lý rác thải chưa thực sự được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và trở thành một tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Hầu hết các xã, thị trấn chưa thực hiện phân công, giao trách nhiệm và kiểm điểm việc giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải của từng thôn, xóm, tổ dân phố.

- Công tác nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý rác thải, nhất là quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm cho cấp huyện, cấp xã còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

- Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa thường xuyên, liên tục, chưa thực sự thiết thực và đạt hiệu quả thực tế. Nhận thức, ý thức của người dân về công tác thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế, thói quen “Sạch nhà ‑ Bẩn ngõ”, chây ì không đóng tiền dịch vụ vệ sinh môi trường còn phổ biến.

- Công tác quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy xử lý rác thải còn nhiều bất cập, chưachủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đồng bộ với quy hoạch đất đaicho nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

- Tổ chức cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, nhất là ở các hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường. Đến nay còn thiếu cơ chế quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với cấp huyện, cấp xã còn chưa thường xuyên, quyết liệt, cụ thể; chưa kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc để xảy ra tình trạng yếu kém về quản lý rác thải gây ô nhiễm môi trường.

b. Nguyên nhân khách quan

- Thông tin về thực trạng một số dự án nhà máy xử lý rác thải ở các địa phương trong nước đã tạo tâm lý lo ngại, phản đối của người dân đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên dịa bàn tỉnh.

- Quy định về khoảng cách an toàn môi trường đối với cơ sở xử lý rác thải còn chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với tỉnh có diện tích nhỏ, quy mật độ dân cư cao như Vĩnh Phúc. Cơ chế chính sách pháp luật về thu hút đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là về đơn giá xử lý còn thấp, chưa phù hợp thực tiễn.

- Quy định pháp luật về quản lý rác thải sinh hoạt còn chồng chéo, chưa có sự phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể; việc ban hành các văn bản hướng dẫn theo chỉ đạo của Chính phủ và Luật Bảo vệ môi trường còn chậm (như hướng về đấu thầu dịch vụ công ích về vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; hướng dẫn về cải tạo phục hồi bãi chôn lấp rác thải; hướng dẫn, định hướng về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế;…).

- Chưa có công nghệ xử lý rác thải hoàn chỉnh, đảm bảo phù hợp với đặc điểm rác thải của Việt Nam và Quy chuẩn hiện hành về bảo vệ môi trường (đến nay chưa có hướng dẫn, định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt để các địa phương nghiên cứu, lựa chọn triển khai các dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung).

PHẦN III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH

Ước tính lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay khoảng 920 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2025 khối lượng phát sinh khoảng 980 tấn/ngày[1]. Cùng với sự hình thành phát triển các đô thị, khu, cụm công nghiệp và khu dân cư mới, sự gia tăng, dịch chuyển cơ học về dân số trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao dẫn tới lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, áp lực lên hệ thống thu gom, xử lý rác sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với những vùng trung tâm phát triển đô thị, công nghiệp, vùng lõi nằm trong quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CÁC NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Quan điểm:

- Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thảilà trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để tăng cường đầu tư cho hoạt động này. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phải được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp, đặc biệt là trách nhiệm của cấp xã. Xác định rõ đây là một trong những tiêu chí để đánh giá khả năng lãnh chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp.

- Quản lý rác thải sinh hoạt phải từng bước hướng đến đảm bảo theo nguyên tắc: Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động này; đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

- Từng bước triển khai thực hiện việc tổ chức phân loại rác tại nguồn thải (tại hộ gia đình) theo hướng tổ chức triển khai thực hiện trước ở những địa phương xử lý rác thải bằng công nghệ đốt và tiến tới sẽ thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh kể từ ngày 31/12/2024 theo đúng quy định tại khoản 7, Điều 79 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

2. Mục tiêu và các nội dung, nhiệm vụ thực hiện:

2.1. Giai đoạn 2021-2025

Mục tiêu tổng quát:

Phấn đấu trong giai đoạn này thực hiện thu gom triệt để và từng bước xử lý triệt để rác thải sinh hoạt tręn địa bŕn tỉnh.

- Từng bước hình thành hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã, làm cơ sở cho việc xã hội hóa toàn bộ hoạt động này trong giai đoạn 2025-2030. 

Mục tiêu và lộ trình cụ thể:

a) Năm 2021

* Mục tiêu:

- Duy trì tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt 95% ở khu vực đô thị; ở khu vực nông thôn đạt 75%.

- Hoàn thành các văn bản quy định cụ thể về quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

* Các nội dung, nhiệm vụ:

Ban hành các quy định cụ thể về công tác quản lý rác thải trong đó có các nội dung về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý rác thải, quy định về quản lý các hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn.

-Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương lên 150 tấn/ngày đêm (hiện nay nhà máy đang thực hiện cải tạo theo cam kết với UBND tỉnh).

- Điều chỉnh mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế.

- Điều chỉnh, bổ sung mức chi cụ thể cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải từ nguồn sự nghiệp môi trường của cấp xã theo hướng tối thiểu đạt 80% tổng kinh phí được cấp hàng năm.

- Điều chỉnh tăng định mức phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho cấp huyện, cấp xã để đảm bảo đáp ứng kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

- Rà soát, cập nhật các vị trí, địa điểm đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt vào các quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021-2025 cấp tỉnh và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện (phù hợp với năm thực hiện các thủ tục về đất đai của dự án). 

b) Năm 2022:

* Mục tiêu:

- Duy trì tỷ lệ thu gom, xử lý rác đô thị đạt 95%; ở khu vực nông thôn được nâng lên đạt 80%.

- Hình thành dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý đồng bộ tại các địa bàn thành phố Vĩnh Yên; huyện Tam Dương, Tam Đảo.

* Các nội dung, nhiệm vụ:

- Xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải trên địa bàn huyện Tam Dương, Tam Đảo và Thành phố Vĩnh Yên. Trong đó đối với thành phố Vĩnh Yên tiếp tục sử dụng mạng lưới điểm tập kết hiện có tại khu vực nội thị và sẽ điều chỉnh cho phù hợp, chỉ xây dựng một số điểm tập kết mới tại xã Định Trung và xã Thanh Trù.  

- Phê duyệt giá dịch vụ xử lý rác thải của Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương làm cơ sở để các địa phương ký kết hợp đồng xử lý.

- Phê duyệt kế hoạch điều tiết thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và tổ chức đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Tam Dương, Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên. 

- Đặt hàng dịch vụ xử lý rác thải đối với địa bàn huyện Tam Dương, Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên.

- Đôn đốc, hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thành việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch và khu xử lý rác thải tập trung tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc xong trước tháng 12/2022; vận hành chạy thử xong trước tháng 6/2023.

- Cải tạo các bãi rác hiện có nhằm duy trì, đảm bảo khả năng xử lý rác thải trong thời gian xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung.

- Phát hành sổ tay hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn. Thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc và thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo.

- Quy hoạch vị trí địa điểm, giải phóng mặt bằng và phê duyệt chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung ở các địa phương còn lại.

- Cải tạo phục hồi môi trường 40 bãi chôn lấp bãi rác của huyện Tam Dương, Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên.

c) Năm 2023:

* Mục tiêu:

- Nâng tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý ở đô thị đạt 96%, ở khu vực nông thôn đạt 83%.

- Hình thành dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý đồng bộ tại địa các huyện huyện Yên Lạc, Lập Thạch và Sông Lô.

* Các nội dung, nhiệm vụ:

- Xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải trên địa bàn các huyện huyện Yên Lạc, Lập Thạch và Sông Lô.

- Vận hành và phê duyệt giá xử lý rác thải của nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch và khu xử lý rác thải tập trung tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc.

- Tổ chức đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Phúc Yên.

- Đặt hàng dịch vụ xử lý rác thải trên địa bàn huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Phúc Yên.

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại tại nguồn trên phạm vi địa bàn các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Phúc Yên.

- Tiếp tục thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường 100 bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn huyện Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Lập Thạch và Sông Lô.

d) Năm 2024

* Mục tiêu:

- Nâng tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý ở khu vực nông thôn đạt 86%, ở khu vực đô thị được duy trì đạt 96%.

- Hình thành dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý đồng bộ tại địa các huyện huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Phúc Yên.

* Các nội dung, nhiệm vụ:

- Xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải trên địa bàn các huyện huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên.

- Hoàn thành nhà máy xử lý rác thải tập trung tại huyện Vĩnh Tường;

- Nâng cấp khu xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Hợp Hòa, huyện tam Dương lên 500 tấn/ngày;

- Phê duyệt giá xử lý rác thải của nhà máy xử lý rác thải tập trung tại huyện Vĩnh Tường;

- Phê duyệt kế hoạch điều tiết thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh và tổ chức đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn các huyện còn lại gồm: Vĩnh Tường, Bình Xuyên. 

- Đặt hàng dịch vụ xử lý rác thải trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên.

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại tại nguồn trên phạm vi địa bàn các huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên.

- Tiếp tục thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường 70 bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Phúc Yên.

e) Năm 2025

* Mục tiêu:

- Hoàn thành hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ trên toàn tỉnh. Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý rác đạt 97% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn. Trong đó:

+ Tần suất thu gom rác thải ở đô thị và khu vực nông thôn đồng bằng là 01 ngày/lần.

+ Tần suất thu gom rác thải ở khu vực còn lại là 02 ngày/lần.

- 95% bãi chôn lấp rác thải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường được tái sử dụng vào các mục đích khác.

* Các nội dung, nhiệm vụ:

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành các điểm tập kết trung chuyển rác thải và các nhà máy xử lý rác thải.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải và hoạt động nghiệm thu, thanh toán kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh.

- Kiểm tra, đánh giá tình trạng môi trường các bãi chôn lấp rác tạm đã được cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.

- Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

2.2. Định hướng đến năm 2030:

- Toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý tại các cơ sở xử lý tập trung.

- Hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường và tái sử dụng 100% diện tích đất chôn lấp rác tạm hiện nay.

- Hoạt động thu gom, xử lý rác thải trở thành một dịch vụ công ích thiết yếu của xã hội, có vai trò quan trọng như hoạt động cung cấp điện, nước sạch. Trong đó, nguồn thu từ giá dịch vụ phải đảm bảo cân đối với chi phí hoạt động của đơn vị cung cấp dịch vụ theo nguyên tắc thị trường và nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

- Thói quen phân loại rác, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ trở thành một giáo lý trong giáo dục, giúp phát triển nhận thức, hình thành nhân cách và lòng yêu mến đối với môi trường xung quanh ở những thế hệ trẻ.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về tổ chức

Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, thành phần gồm:

a) Ở cấp tỉnh:

+ Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban;

+ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Phó Trưởng ban thường trực.

+ Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lãnh đạo các Sở Xây dựng, Tài chính - Phó Trưởng ban.

+ Lãnh đạo các sở, ban, ngành khác - Thành viên.

b) Ở cấp huyện:

+ Bí thư các huyện, thành phố - Trưởng ban

+ Chủ tịch UBND các huyện, thành phố - Phó Trưởng ban thường trực.

+ Chủ tịch Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố - Phó Trưởng ban.

+ Các đồng chí trong cấp ủy - Thành viên.

(Ban Chỉ đạo cấp huyện phân công nhiệm vụ cho mỗi thành viên của Ban Chỉ đạo phụ trách một hoặc nhiều xã, phường, thị trấn tùy thuộc vào tình hình thực tế ở địa phương).

c) Ở cấp xã:

+ Bí thư các xã, phường, thị trấn - Trưởng ban

+ Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn - Phó Trưởng ban thường trực.

+ Chủ tịch Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn - Phó trưởng ban.

+ Các đồng chí trong cấp ủy - Thành viên.

(Ban Chỉ đạo cấp xã phân công nhiệm vụ cho mỗi thành viên của Ban Chỉ đạo phụ trách một hoặc nhiều thôn, tổ dân phố, khu dân cư, tuyến đường,.. tùy thuộc vào tình hình thực tế ở địa phương).

2. Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức

- Tổ chức tuyên truyền phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn thông qua việc cung cấp các tài liệu, sổ tay hướng dẫn và tổ chức hướng dẫn trực tiếp trong các mô hình thí điểm.

- Thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở; Đài Phát thanh ‑ Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, tạo thay đổi ý thức của người dân trong việc tự phân loại, tái sử dụng rác thải,đổ rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định.

- Công khai danh sách tổ chức, cá nhân và các phương tiện được phép tham gia vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và những trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên các phương tiện truyền thông, Cổng thông tin điện tử.

- Tổ chức phát động và duy trì các phong trào hàng tuần, tháng ra quân thu gom rác thải và vệ sinh môi trường ở tất cả các tuyến đường phố, đường làng, ngõ xóm và khu dân cư trên địa bàn tỉnh; phân loại rác thải tại nguồn, nói không với túi nilon và rác thải nhựa.

- Huy động sự tham gia, vào cuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thu gom, phân loại rác thải, xây dựng tuyến phố, tuyến đường, tổ dân phố, khu dân cư, tự quản, văn minh “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.

3. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Xây dựng và ban hành cơ chế hỗ trợ chi phí sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm phân composte, sản phẩm tái chế khác từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn; hỗ trợ về giá đối với túi, bao bì, thùng chứa phục vụ hoạt động phân loại, thu gom rác thải tại nguồn.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX vệ sinh môi trường được vay vốn từ quỹ BVMT tỉnh để triển khai các hoạt động về thu gom, vận chuyển, phân loại, tái chế rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

- Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tuyển dụng lao động cho các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung;

- Ban hành giá dịch vụ chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải làm cơ sở để các cơ quan nhà nước tổ chức đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ, thanh toán chi phí cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn.

- Điều chỉnh mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế. Điều chỉnh tăng định mức phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho cấp huyện, cấp xã và bổ sung quy định rõ về mức chi cụ thể từ nguồn sự nghiệp môi trường của cấp huyện, cấp xã cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

4. Giải pháp về khoa học, kỹ thuật

- Xác định thời gian, điểm, tuyến lộ trình mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại từng huyện, xã, thị trấn đảm bảo thống nhất, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý lộ trình của các phương tiện tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

- Áp dụng công nghệ số và chuyển đổi hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải bằng hình thức phù hợp thực tiễn và quy định pháp luật hiện hành nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện của đơn vị cung cấp dịch vụ;

- Ban hành hướng dẫn kỹ thuật xử lý ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải; ban hành quy trình kỹ thuật vận hành điểm tập kết rác thải trên địa bàn tỉnh.

- Ứng dụng các công nghệ mới, ưu tiên sử dụng các công nghệ có thể thu hồi, tái sử dụng lại các thành phần hữu ích trong chất thải và thân thiện với môi trường.

5. Giải pháp quản lý nhà nước

- Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất quá trình tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, đảm bảo quá trình cung ứng dịch vụ được thực hiện theo các quy định hiện hành.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở xử lý rác thải tập trung. Kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm trong hoạt động tiếp nhận, xử lý rác thải tại từng cơ sở xử lý.

- Định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong việc nghiệm thu, thanh toán kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

6. Giải pháp về xã hội hóa

- Bổ sung các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức thí điểm và tiến tới giao trách nhiệm quản lý, vận hành các điểm tập kết, trung chuyển rác thải cho các đơn vị trúng thầu hoặc được đặt hàng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn từng huyện, thành phố.

V. KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Trên cơ sở tính toán lượng rác phát thải theo quy mô dân số, tỷ lệ thu gom, xử lý theo lộ trình, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra và khả năng cân đối ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025, khái toán kinh phí thực hiện Đề án như sau:

1. Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án khoảng: 2.138,3  tỷ đồng. Trong đó:

- Xây dựng các điểm tập kết trung chuyển: 87,12 tỷ đồng.

- Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải: 1.414,5 tỷ đồng (bao gồm hỗ trợ từ ngân sách và từ thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải).

- Cải tạo phục hồi môi trường các bãi rác cũ: 152,8 tỷ đồng.

- Công tác tuyên truyền, tập huấn, mô hình: 24,0 tỷ đồng.

2. Phân kỳ đầu tư:

- Năm 2022 khoảng: 335,8 tỷ đồng.

- Năm 2023 khoảng: 435,3 tỷ đồng.

- Năm 2024 khoảng: 942,2 tỷ đồng.

- Năm 2025 khoảng: 425 tỷ đồng.

3. Phân theo nguồn

a) Nguồn ngân sách nhà nước: 1.472,8 tỷ đồng, trong đó:

- Nguồn sự nghiệp môi trường khoảng: 1.232,9 tỷ đồng:

+ Năm 2022 khoảng: 268,1 tỷ đồng.

+ Năm 2023 khoảng: 293,8 tỷ đồng.

+ Năm 2024 khoảng: 313,5 tỷ đồng.

+ Năm 2025 khoảng: 357,6 tỷ đồng.

- Nguồn đầu tư phát triển khoảng 239,9 tỷ đồng. Trong đó:

+ Năm 2022 khoảng: 39,9 tỷ đồng.

+ Năm 2023 khoảng: 90,9 tỷ đồng.

+ Năm 2024 khoảng: 109,7 tỷ đồng.

b) Nguồn xã hội hóa khoảng: 665,5 tỷ đồng, trong đó:

- Xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung: 460 tỷ đồng;

- Thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải: 205,5 tỷ đồng

(Chi tiết theo các Phụ lục kèm theo)

PHẦN IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiên cứu quán triệt, chỉ đạo ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Đề án, trong đó tập trung vào các nội dung cụ thể sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Là cơ quan đầu mối, tham mưu xây dựng kế hoạch và đôn đốc, báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình triển khai các nội dung của Đề án. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Đề án xong trước ngày 30/12/2023; tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án xong trước ngày 30/12/2025.

- Hướng dẫn nội dung tuyên truyền và chủ trì phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí và các cơ quan liên quan... tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường hàng năm trên theo định hướng, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan.

- Chủ trì biên soạn các tài liệu: Sổ tay hướng dẫn thu gom, phân loại, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải tại nguồn. Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật xử lý ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải; quy trình kỹ thuật vận hành các điểm tập kết, trung chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh xong trước 03/2022.

- Chủ trì tham mưu xây dựng quy định cụ thể về quản lý rác thải trong đó có các nội dung về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý rác thải, quy định về quản lý các hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn xong trước 31/12/2021.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch điều tiết, phân bổ thu gom, vận chuyển rác thải từ các huyện, thành phố về các cơ sở xử lý đảm bảo phù hợp với quy mô công suất, khả năng tiếp nhận của từng cơ sở xử lý theo từng thời kỳ nhất định.

- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung mức chi cụ thể cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải từ nguồn sự nghiệp môi trường của cấp xã theo hướng tối thiểu đạt 80% tổng kinh phí được cấp hàng năm xong trước 02/2022.

- Chủ trì hướng dẫn quản lý chất thải rắn xây dựng phát sinh từ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cập nhật những quy định mới về quản lý rác thải trên địa bàn tỉnh vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025.

- Chủ trì, xây dựng và tham mưu ban hành cơ chế hỗ trợ chi phí sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm phân composte, sản phẩm tái chế khác từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn; hỗ trợ về giá đối với túi, bao bì, thùng chứa phục vụ hoạt động phân loại, thu gom rác thải tại nguồn.

- Chủ trì phối hợp với UBND các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc thí điểm mô hình phân loại, giảm thiểu rác tại nguồn tại thị trấn Hợp Hòa, xã Tam Hồng và thị trấn Tam Đảo theo lộ trình trong Đề án.

- Chủ trì rà soát, cập nhật các vị trí, địa điểm đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt vào kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021-2025 cấp tỉnh (phù hợp với năm thực hiện các thủ tục về đất đai của dự án). 

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương.

2. Sở Xây dựng

- Chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan hướng dẫn xây dựng điểm tập kết, trung chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành giá dịch vụ chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải để làm cơ sở tổ chức đấu thầu hoặc đặt hàng/giao nhiệm vụ; ký hợp đồng và thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt xong trước 01/2022.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung địa điểm nhà máy xử lý rác thải tập trung và các khu xử lý rác tập trung khác tại các huyện, thành phố để tích hợp vào quy hoạch tỉnh xong trước 5/2022.

- Hướng dẫn chủ đầu tư của các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh thực hiện các thủ tục về xây dựng theo quy định pháp luật.

- Phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các điểm tập kết, trung chuyển rác thải thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn từng huyện, thành phố xong trước 01/2022.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì tham mưu điều chỉnh tăng định mức phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm cho cấp huyện, cấp xã xong trước 31/12/2021.

- Chủ trì, hướng dẫn việc thanh, quyết toán kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý, rác thải và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trước ngày 31/01/2022.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu bố trí nguồn sự nghiệp môi trường trong dự toán ngân sách hàng năm để bảo đảm thực hiện các nội dung khác của Đề án.

- Chủ trì nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp với thực tiễn và tình hình thực tế hiện nay xong trước 12/2021.

- Thẩm định trình UBND tỉnh ban hành giá dịch vụ chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải để làm cơ sở tổ chức đấu thầu hoặc đặt hàng/giao nhiệm vụ; ký hợp đồng và thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định phương án giá dịch vụ xử lý rác thải của các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt tập trung làm cơ sở để đặt hàng dịch vụ xử lý trên địa bàn tỉnh theo lộ trình trong Đề án.

- Chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với việc sử dụng ngân sách sự nghiệp môi trường của cấp huyện, cấp xã theo quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan lồng ghép vào quy hoạch tỉnh và rà soát bổ sung các dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung tại các huyện, thành phố vào danh mục dự án xúc tiến đầu tư hàng năm, phù hợp với lộ trình nội dung, nhiệm vụ trong Đề án.

- Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh phương án, hình thức đầu tư (kêu gọi lựa chọn nhà đầu tư mới hay mở rộng nâng công suất để đảm bảo đạt công suất xử lý 500 tấn/ngày) đối với khu xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương xong trước 01/2022.

- Giám sát hoạt động đầu tư và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hình thức xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư đối với các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung tại các huyện, thành phố.  

- Chủ trì hướng dẫn quy trình, thủ tục giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh xong trước 31/12/2021

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư công cho các dự án đầu tư xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải; cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật, phù hợp với lộ trình từng năm trong đề án.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì việc thu vớt, xử lý rác thải trên các sông, hồ, kênh, mương thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý. Có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị trực thuộc chủ động lập dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức ký hợp đồng dịch vụ thu vớt, xử lý rác thải trên các sông, hồ, kênh, mương thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, cập nhật những quy định mới về quản lý rác thải trên địa bàn tỉnh vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Đồng thời lồng ghép nội dung quản lý rác thải vào các chương trình tuyên truyền, tập huấn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

6. Ban Quản lý các khu công nghiệp

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung quản lý rác thải trong Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định về quản lý rác thải do UBND tỉnh ban hành..

- Chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải tại các khu công nghiệp của các chủ đầu tư và kinh doanh hạ tàng khu công nghiệp.

7. Sở Công Thương

- Chủ trì thí điểm các mô hình “ Siêu thị không sử dụng túi nilon” và “Chợ không sử dụng túi nilon” và các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa và vệ sinh môi trường tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống,...

- Nghiên cứu tham mưu xây dựng Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có cập nhật, lồng ghép nội dung về quản lý rác thải phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

- Tham mưu nghiên cứu cơ chế hỗ trợ sản xuất, sử dụng các sản phẩm thay thế túi nilon khó phân hủy.

8. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định công nghệ, giám sát chặt chẽ việc áp dụng công nghệ, thiết bị của các dự án đầu tư xây dựng nhà xử lý rác thải tập trung theo cam kết của các Nhà đầu tư.

- Chủ trì hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải; khắc phục ô nhiễm môi trường.

9. Sở Tư pháp

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định chặt chẽ nội dung quy định về quản lý rác thải trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo việc ban hành tuân thủ đúng quy trình, thủ tục và đúng thẩm quyền theo luật định.

- Phối hợp tham gia rà soát, xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường; phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Thực hiện lồng ghép nội dung quy định về quản lý rác thải vào các chương trình tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật hàng năm.

10. Sở Y tế

Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh cập nhật và tổ chức thực hiện quản lý rác thải theo quy định về quản lý rác thải của tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

11. Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Chỉ đạo lồng ghép, cập nhật nội dung quy định về quản lý rác thải vào các hoạt độngdạy và học, chương trình ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề.

- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về phân loại rác thải,thu gom rác thải, vệ sinh môi trường cho các nhóm đối tượng khác nhau là học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục đào tạo, trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chỉ đạo rà soát, cập nhật, lổng ghép nội dung quản lý rác thải vào quy chế quản lý các khu di tích, khu du lịch trên đại bàn tỉnh. Phổ biến, tuyên truyền các nội dung về giữ gìn về sinh môi trường bằng các hình ảnh trực quan như pa-nô, áp phíchbiểu trưng thông điệp giữ gìn vệ sinh môi trường tại các địa điểm du lịch trọng điểm của tỉnh (Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải), các cửa ngõ ra vào tỉnh, trung tâm các huyện, thành phố.

13. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025” đã được phê duyệt tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo Cổng thông tin điện tử tỉnh cập nhật, đăng tải các quy định về quản lý rác thải; Chủ trì xây dựng chuyên mục, chuyên trang về bảo vệ môi trường trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Thiết lập tài khoản mạng xã hội để tương tác, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường. Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường công bố công khai danh mục các đơn vị, cá nhân được phép tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì nghiên cứu triển khai phương án ứng dụng công nghệ thông tin (để quản lý, giám sát lộ trình xe thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh.

14. Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường, công an cấp huyện, cấp xã tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn từng huyện, thành phố, từng xã, phường, thị trấn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong công tác quản lý rác thải trên địa bàn.

15. Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật, đưa tin về các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về quản lý rác thải;

- Nghiên cứu xây dựng các chương trình chuyên đề về thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn. Đưa tin về các mô hình hiệu quả, các phong trào hoặc địa phương điển hình tiên tiến trong công tác quản lý rác thải. Xây dựng và duy trì thường xuyên các chuyên mục, chuyên trang về bảo vệ môi trường trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Đài PTTH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc.

16. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc

- Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện đúng, đầy đủ quy định chính sách và pháp luật của Nhà nước;

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX dịch vụ vệ sinh môi trường được tham gia các chương trình thăm quan, học tập kinh nghiệm của các HTX trong và ngoài tỉnh có kinh nghiệm, cách làm hay trong hoạt động trong thu gom, vận chuyển xử lý rác thải và vệ sinh môi trường.

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan theo dõi, đề xuất khen thưởng đối với các HTX, xã viên HTX dịch vụ vệ sinh môi trường có thành tích trong thu gom, vận chuyển xử lý rác thải và vệ sinh môi trường trên địa bàn.

17. Các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn

- Chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến và vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị gương mẫu, đi đầu trong việc phân loại rác thải, để rác thải đúng nơi quy định ở cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú.

- Tiếp tục duy trì thường xuyên các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường cơ quan, đơn vị, xây dựng cơ quan, đơn vị xanh ‑ sạch ‑ đẹp và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan triển khai các nội dung khác của Đề án.

18. UBND cấp huyện, cấp xã

a) Trách nhiệm của UBND cấp huyện

- Tham mưu Huyện ủy, Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án ở cấp huyện và chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp xã xong trước tháng 01/2022.  Thành phần, cơ cấu của Ban Chỉ đạo phải đảm bảo theo yêu cầu tại điểm 1, mục III, Phần III của Đề án này. 

- Xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các nội dung, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm trong Đề án này. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm trong nội dung Đề án.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn trên địa bàn quản lý theo lộ trình từng năm trong Đề án.

- Chủ trì rà soát, cập nhật các vị trí, địa điểm đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt, điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt vào các quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; chủ động lựa chọn địa điểm, nhà đầu tư để triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn để xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương.

- Chỉ đạo tăng thời lượng và tần suất tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý rác thải và vệ sinh môi trường trên hệ thống phát thanh - truyền hình cấp huyện và hệ thống đài truyền thanh cấp xã với tần suất tối thiểu là 3 lần/tuần; chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi, sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn đến từng điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ dân phố, hộ gia đình.

- Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng, lồng ghép nội dung quản lý rác thải và vệ sinh môi trường trong hương ước, quy ước của địa phương; lồng ghép tiêu chí giữ gìn vệ sinh môi trường trong bình xét công nhận gia đình văn hóa, bình chọn các thôn, khu phố, khu dân cư, đơn vị văn hóa.

- Rà soát, lựa chọn địa điểm, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bố trí vốn để triển khai xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải; cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn do cấp huyện quản lý theo quy định hiện hành.

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

- Tổ chức đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ/đặt hàng đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải từ các điểm tập kết, trung chuyển trên địa bàn về nhà máy xử lý tập trung. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, thanh toán kinh phí thu gom, vận chuyển rác thải cho các đơn vị trúng thầu hoặc được giao nhiệm vụ/đặt hàng cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo quy định.

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý rác thải của cấp xã; việc tổ chức thu, chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt của cấp xã từ các nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được cấp hàng năm, nguồn thu gia dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải và các nguồn khác theo quy định.

b) Trách nhiệm của UBND cấp xã

- Thường xuyền tổ chức tuyên truyền, nâng cáo nhận thức về thu gom, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường trên hệ thống phát thanh với tần suất tối thiểu là 3 lần/tuần; tuyên truyền theo từng điểm sinh hoạt cộng đồng như trung tâm văn hóa xã, phường, thị trấn; các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.

- Thực hiện đấu thầu dịch vụ hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải từ các thôn, xóm đến điểm tập kết; hoặc hợp đồng dịch vụ, thu gom, vận chuyển xử lý rác thải trên địa bàn (đối với các địa phương chưa thực hiện xử lý tại nhà máy xử lý rác tập trung).

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong các khu dân cý và việc xử lý tại các bãi chôn lấp thuộc địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo các thôn, xóm, khu dân cư, tổ dân phố giữ gìn vệ sinh đường phố, thường xuyên tổ chức hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trên các ao hồ, kênh , mương, sông, suối thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn.

- Thông báo cụ thể thời gian, lịch trình thu gom, vận chuyển rác thải tại các thôn, xóm, khu dân cư phù hợp đặc điểm của từng địa phương.

19Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh:

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu lựa chọn nội dung và xây dựng, triển khai Kế hoạch “tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” phù hợp với mục tiêu trọng tâm của Đề án.

- Chỉ đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực để huy động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; chủ trì phát động và duy trì các phong trào thu gom rác thải và vệ sinh môi trường; xây dựng khu dân cư, tuyến đường tự quản về vệ sinh môi trường; xây dựng, hình thành tuyến phố, tuyến đường, tổ dân phố, khu dân cư, tự quản, văn minh “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”; xây dựng và phát triển các phong trào tự quản bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

- Chủ động xây dựng nhiệm vụ triển khai các nội dung về bảo vệ môi trường theo Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2021-2025 và các nội dung về tuyên truyền trong Đề án này.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

PHỤ LỤC 1. TỔNG HỢP KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

ĐVT: Triệu đồng

STT

Nội dung

Kinh phí theo phân kỳ

Phân nguồn

2022

2023

2024

2025

Chi thường xuyên

Chi đầu tư phát triển

Xã hội hóa

Tổng cộng

A

TỔNG KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN (I+II+III+IV+V)

335.783

435.284

942.204

425.058

1.438.426

239.902

460.000

2.138.328

I

XÂY DỰNG ĐIỂM TẬP KẾT TRUNG CHUYỂN RÁC THẢI

17.280

30.960

38.880

 

 

87.120

 

87.120

II

CHI PHÍ THU GOM, VẬN CHUYỂN RÁC THẢI

216.241

240.243

265.007

305.023

1.026.514

 

 

1.026.514

1

Kinh phí thu gom trong khu dân cư đến điểm tập kết/bãi xử lý

134.830

138.661

142.637

146.765

562.892

 

 

 

2

Kinh phí vận chuyển rác đến địa điểm xử lý tập trung

81.411

101.582

122.370

158.258

463.622

 

 

 

III

CHI PHÍ XỬ LÝ RÁC

73.507

97.519

100.836

116.080

387.941

 

 

387.941

1

Xử lý chôn lấp hoặc đốt tại lò cấp xã

34.579

27.816

14.324

0

76.719

 

 

 

2

Chi phí xử lý rác thải tại nhà máy xử lý tập trung

38.928

69.703

86.512

116.080

311.223

 

 

 

IV

CẢI TẠO PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG BÃI RÁC CŨ (suất đầu tư 4,9 tỷ/ha)

22.050

59.907

70.826

0

0

152.782

 

152.782

1

Năm 2022

22.050

 

 

 

 

22.050

 

 

2

Năm 2023

 

59.907

 

 

 

59.907

 

 

3

Năm 2024

 

 

70.826

 

 

70.826

 

 

4

Năm 2025

 

 

 

 

 

 

 

 

V

TUYÊN TRUYỀN, TẬP HUẤN, MÔ HÌNH

6.705

6.655

6.655

3.955

23.970

 

 

23.970

B

SỐ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ GIÁ DỊCH VỤ THU GOM, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT

28.399

50.597

59.030

67.463

 

 

205.490 

205.490

C

XÂY DỰNG NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC TẬP TRUNG

 

 

460.000

 

 

 

460.000

460.000

D

KINH PHÍ HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (A-B-C)

307.383

435.284

423.173

357.595

1.232.936

239.902

 

1.472.838

 

PHỤ LỤC 2. KHỐI LƯỢNG, KHÁI TOÁN KINH PHÍ THEO TỪNG HUYỆN, THÀNH PHỐ
(Không bao gồm kinh phí tuyên truyền hàng năm)

ĐVT: Triệu đồng

STT

Địa bàn

Xây dựng điểm tập kết, trung chuyển[2]

Kinh phí thu gom, vận chuyển (triệu đồng)

Kinh phí xử lý (triệu đồng)

Tổng giai đoạn 2022-2025

Khối lượng (điểm)

KP

2022

2023

2024

2025

Cộng

2022

2023

2024

2025

Cộng

2022

2023

2024

2025

1

TP. Vĩnh Yên

4

 

 

 

1.440

70.816

74.356

78.074

81.978

305.224

17.016

17.867

18.760

19.698

73.342

380.007

2

TP. Phúc Yên

 

 

4

 

1.440

43.555

45.732

48.019

50.420

187.726

7.270

22.807

15.932

16.728

62.737

251.903

3

Bình Xuyên

 

 

26

 

9.360

12.623

12.771

12.918

27.069

65.381

6.833

6.886

6.939

11.312

31.970

106.712

4

Tam Dương

26

 

 

 

9.360

18.196

18.363

18.598

18.834

73.992

8.508

8.557

8.667

8.777

34.509

117.861

5

Tam Đảo

18

 

 

 

6.480

24.742

24.947

25.118

25.290

100.096

13.404

13.513

13.593

13.673

54.183

160.759

6

Vĩnh Tường

 

 

56

 

20.160

15.529

15.729

15.928

34.239

81.425

7.088

7.305

7.385

15.956

37.733

139.317

7

Yên Lạc

 

34

 

 

12.240

13.299

20.691

28.269

28.626

90.885

5.661

8.256

11.813

11.963

37.693

140.819

8

Lập Thạch

 

40

 

 

14.400

10.185

16.110

22.183

22.463

70.941

4.503

7.182

10.337

10.468

32.490

117.831

9

Sông Lô

 

34

 

 

12.240

7.297

11.544

15.899

16.104

50.844

3.223

5.146

7.409

7.505

23.284

86.368

 

Cộng
(tính theo năm):

48

108

86

 

87.120

216.241

240.243

265.007

305.023

1.026.514

73.507

97.519

100.836

116.080

387.941

1.501.576

 

PHỤ LỤC 3. DỰ KIẾN SỐ LƯỢNG ĐIỂM TẬP KẾT, TRUNG CHUYỂN RÁC THẢI[3]

STT

Địa bàn

Số khu vực

Số điểm tập kết (điểm)

Đô thị

Nông thôn

1

TP. Vĩnh Yên

7

2

4

2

TP. Phúc Yên

8

2

4

3

Bình Xuyên

5

8

26

4

Tam Dương

1

12

26

5

Tam Đảo

3

6

18

6

Vĩnh Tường

3

25

56

7

Yên Lạc

1

16

34

8

Lập Thạch

2

18

40

9

Sông Lô

1

16

34

 

Tổng

31

105

242

 

PHỤ LỤC 4. DỰ KIẾN KHỐI LƯỢNG RÁC THẢI ĐƯỢC THU GOM, XỬ LÝ THEO ĐỊA BÀN

STT

Địa bàn

Dân số (2020)

Khối lượng rác thải phát sinh (tấn/ngày)

Khối lượng thu gom, xử lý theo tỷ lệ
hàng năm
 (tấn/năm)

Đô thị

Nông thôn

Tổng cộng

2022

2023

2024

2025

1

TP. Vĩnh Yên

100.244

20.961

121.205

113

 45.990

 48.290

 50.704

 53.239

2

TP. Phúc Yên

83.642

24.698

108.340

102

 39.055

 41.008

 43.058

 45.211

3

Bình Xuyên

72.470

62.357

134.827

110

 29.539

 29.884

 30.228

 30.573

4

Tam Dương

11.266

104.874

116.140

84

 22.831

 23.128

 23.424

 23.721

5

Tam Đảo

20.537

63.930

84.467

68

 36.306

 36.522

 36.738

 36.954

6

Vĩnh Tường

29.080

179.846

208.926

153

 41.521

 42.055

 42.589

 43.123

7

Yên Lạc

15.559

142.689

158.248

114

 31.119

 31.524

 31.928

 32.332

8

Lập Thạch

14.590

123.635

138.225

101

 27.233

 27.586

 27.939

 28.292

9

Sông Lô

3.593

97.261

100.854

72

 19.510

 19.767

 20.025

 20.283

 

Tổng

350.981

820.251

1.171.232

916

293.104

299.764

306.633

313.728

 

PHỤ LỤC 5. DỰ KIẾN PHÂN BỔ RÁC VỀ CƠ SỞ XỬ LÝ

STT

Địa bàn

Khối lượng rác trung bình (tấn/ngày)

Nhà máy Hợp Hòa

Nhà máy Xuân Hòa

Khu xử lý Tam Hồng

Nhà máy rác Vĩnh Tường

Công suất: 150 tấn/ngày

Công suất: 270 tấn/ngày

Công suất: 120 tấn/ngày

Công suất: 500 tấn/ngày

1

TP. Vĩnh Yên

113

Từ năm 2022

 

 

 

2

TP. Phúc Yên

102

 

Từ T6/2023

 

 

3

Bình Xuyên

110

 

 

 

Từ năm 2025

4

Tam Dương

84

Từ năm 2022

 

 

 

5

Tam Đảo

68

Từ năm 2022

 

 

 

6

Vĩnh Tường

153

 

 

 

Từ năm 2025

7

Yên Lạc

114

 

 

Từ T6/2023

 

8

Lập Thạch

101

 

Từ T6/2023

 

 

9

Sông Lô

72

 

Từ T6/2023

 

 

 

PHỤ LỤC 6. DỰ KIẾN KINH PHÍ THU GOM RÁC THẢI TỪ CÁC THÔN, XÓM, KHU DÂN CƯ ĐẾN BÃI CHÔN LẤP/ ĐIỂM TẬP KẾT TRUNG CHUYỂN

ĐVT: Triệu đồng

STT

Đơn vị

Khối lượng rác ngày (tấn/ngày)

Khối lượng rác năm (tấn/năm)

Kinh phí (triệu đồng)

Ghi chú

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng giai đoạn 2022-2025

1

Thành phố Vĩnh Yên

113

45.990

31.273

32.837

34.479

36.203

134.791

Đơn giá theo QĐ 2249/QĐ-UBND ngày 14/8/2017

2

Thành phố Phúc Yên

102

39.055

26.557

27.885

29.280

30.744

114.466

3

Huyện Bình Xuyên

110

29.539

12.623

12.771

12.918

13.065

51.378

Áp giá QĐ 2793/QĐ-UBND ngày 08/11/2018

4

Huyện Tam Dương

84

22.831

8.539

8.650

8.761

8.872

34.821

5

Huyện Tam Đảo

68

36.306

9.527

9.608

9.689

9.770

38.594

6

Huyện Vĩnh Tường

153

41.521

15.529

15.729

15.928

16.128

63.314

7

Huyện Yên Lạc

114

31.119

13.299

13.472

13.644

13.817

54.232

8

Huyện Lập Thạch

101

27.233

10.185

10.317

10.449

10.581

41.533

9

Huyện Sông Lô

72

19.510

7.297

7.393

7.489

7.586

29.765

 

Cộng (năm)

916

293.104

134.830

138.661

142.637

146.765

562.892

 

 

PHỤ LỤC 7. DỰ KIẾN KINH PHÍ XỬ LÝ RÁC BẰNG CHÔN LẤP

ĐVT: Triệu đồng

STT

Đơn vị

Khối lượng rác ngày (tấn/ngày)

Khối lượng rác năm (tấn/năm)

Kinh phí (triệu đồng)

Ghi chú

2022

2023

2024

2025

Tổng giai đoạn 2022-2025

1

Thành phố Vĩnh Yên

113

45.990

 

 

 

 

 

Đơn giá theo QĐ 2249/QĐ-UBND ngày 14/8/2017

2

Thành phố Phúc Yên

102

39.055

7.270

7.634

 

 

14.904

3

Huyện Bình Xuyên

110

29.539

1.808

1.861

1.914

 

5.583

Đơn giá theo QĐ 2793/QĐ-UBND ngày 08/11/2018

4

Huyện Tam Dương

84

22.831

 

 

 

 

 

5

Huyện Tam Đảo

68

36.306

 

 

 

 

 

6

Huyện Vĩnh Tường

153

41.521

4.577

4.385

4.465

 

13.427

7

Huyện Yên Lạc

114

31.119

2.895

2.424

 

 

5.319

8

Huyện Lập Thạch

101

27.233

3.297

2.079

 

 

5.375

9

Huyện Sông Lô

72

19.510

2.366

1.489

 

 

3.856

 

Cộng (năm)

916

293.104

22.214

19.872

6.379

 

48.464

 

 

PHỤ LỤC 8. DỰ KIẾN KINH PHÍ VẬN CHUYỂN RÁC THẢI SINH HOẠT TỪ CÁC ĐIỂM TẬP KẾT, TRUNG CHUYỂN VỀ KHU XỬ LÝ TẬP TRUNG

(Không bao gồm thu gom, vận chuyển từ các khu dân cư về điểm trung chuyển)

ĐVT: Triệu đồng

STT

Đơn vị

Khối lượng rác ngày (tấn/ngày)

Khối lượng rác năm (tấn/năm)

Kinh phí (triệu đồng)

Ghi chú

2022

2023

2024

2025

Tổng giai đoạn 2022-2025

 

1

Thành phố Vĩnh Yên

113

45.990

39.542

41.520

43.596

45.775

170.433

Đơn giá theo QĐ 2249/QĐ-UBND ngày 14/8/2017

2

Thành phố Phúc Yên

102

39.055

16.997

17.847

18.739

19.676

73.260

3

Huyện Bình Xuyên

110

29.539

 

 

 

14.004

14.004

Đơn giá theo QĐ 2793/QĐ-UBND ngày 08/11/2018

4

Huyện Tam Dương

84

22.831

9.657

9.713

9.838

9.962

39.171

5

Huyện Tam Đảo

68

36.306

15.214

15.339

15.429

15.520

61.502

6

Huyện Vĩnh Tường

153

41.521

 

 

 

18.111

18.111

7

Huyện Yên Lạc

114

31.119

 

7.220

14.624

14.809

36.653

8

Huyện Lập Thạch

101

27.233

 

5.793

11.734

11.882

29.409

9

Huyện Sông Lô

72

19.510

 

4.151

8.410

8.518

21.079

 

Cộng (năm)

916

293.104

81.411

101.582

122.370

158.258

463.622

 

 

PHỤ LỤC 9. DỰ KIẾN KINH PHÍ XỬ LÝ RÁC TẠI CÁC CƠ SỞ TẬP TRUNG

ĐVT: Triệu đồng

STT

Đơn vị

Khối lượng rác ngày (tấn/ngày

Khối lượng rác năm (tấn/năm)

Đơn giá (đồng)

Kinh phí (triệu đồng)

Ghi chú

2022

2023

2024

2025

Tổng giai đoạn 2022-2025

1

Thành phố Vĩnh Yên

113

45.990

370.000

17.016

17.867

18.760

19.698

73.342

Đơn giá theo QĐ 3421/QĐ-UBND ngày 28/10/2016

2

Thành phố Phúc Yên

102

39.055

370.000

 

15.173

15.932

16.728

47.832

3

Huyện Bình Xuyên

110

29.539

370.000

 

 

 

11.312

11.312

4

Huyện Tam Dương

84

22.831

370.000

8.508

8.557

8.667

8.777

34.509

5

Huyện Tam Đảo

68

36.306

370.000

13.404

13.513

13.593

13.673

54.183

6

Huyện Vĩnh Tường

153

41.521

370.000

 

 

 

15.956

15.956

7

Huyện Yên Lạc

114

31.119

370.000

 

5.832

11.813

11.963

29.608

8

Huyện Lập Thạch

101

27.233

370.000

 

5.103

10.337

10.468

25.909

9

Huyện Sông Lô

72

19.510

370.000

 

3.657

7.409

7.505

18.571

 

Cộng (năm)

916

293.104

 

38.928

69.703

86.512

116.080

311.223

 

 

PHỤ LỤC 10. KINH PHÍ HỖ TRỢ LÒ ĐỐT RÁC NĂM 2022

STT

Tên huyện

Số người dân được thu gom rác (N)

Hệ số xả rác của 1 người/ ngày đêm (K)

Khối lượng rác(Kg/ ngày) (M)

KL rác được thu gom và đốt/ngày (75% với khu vực nông thôn, 95% với khu vực đô thị) (L)

KL rác tính theo công suất lò đốt không vượt (4.000 kg/ ngày) (H)

Số tháng hoạt đông trong năm 2016 (T)

Tổng khối lượng rác được thu gom và đốt (tấn/năm) (G)

Đơn giá đốt
 (nghìn đồng/ tấn)

Thành tiền
(triệu đồng)

Ghi chú

N

K

M=N*K

L=M*75%(hoặc 95%)

H

T

G=H*T*30/1000

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11=9*10

12

I

Tam Đảo

 

 

 

 

 

 

 

 

324

 

3

Đại Đình

 

 

 

 

4.000

12

1.440

225,3

324

 

II

Tam Dương

 

 

 

 

 

 

 

 

942

 

1

TT Hợp Hòa

10.926

0,7

7.648

4.748

4.748

12

1.709

370,0

632

Lò xã hội hóa

2

Hợp Thịnh

7.270

0,7

5.089

3.817

3.817

12

1.374

225,3

310

 

III

Huyện Yên Lạc

 

 

 

 

 

 

12.291

 

2.766

 

1

TT Yên Lạc

15.072

0,7

10.550

10.023

4.000

12

1.440

225,3

324

 

2

Xã Liên Châu

8.756

0,7

6.129

4.597

4.000

12

1.440

225,3

324

 

3

Xã Yên Đồng

12.509

0,7

8.756

6.567

4.000

12

1.440

225,3

324

 

4

Xã Nguyệt Đức

7.850

0,7

5.495

4.121

4.000

12

1.440

225,3

324

 

5

Xã Tam Hồng

15.807

0,7

11.065

8.299

4.000

12

1.440

225,3

324

 

6

Xã Hồng Phương

4.082

0,7

2.857

2.143

2.143

12

771

225,3

174

 

7

Xã Đồng Văn

12.697

0,7

8.888

6.666

4.000

12

1.440

225,3

324

 

8

Xã Đại Tự

10.256

0,7

7.179

5.384

4.000

12

1.440

225,3

324

 

9

Xã Yên Phương

9.299

0,7

6.509

4.882

4.000

12

1.440

225,3

324

 

IV

Huyện Vĩnh Tường

 

 

 

 

 

 

11.150

 

2.511

 

1

Xã Cao Đại

6.056

0,7

4.239

3.179

3.179

12

1.145

225,3

258

 

2

Xã Tuân Chính

6.678

0,7

4.675

3.506

3.506

12

1.262

225,3

284

 

3

Xã Ngũ Kiên

8.734

0,7

6.114

4.585

4.000

12

1.440

225,3

324

 

4

Đại Đồng

10.987

0,7

7.691

5.768

4.000

12

1.440

225,3

324

 

5

TTVĩnh Tường

6.175

0,7

4.323

4.106

4.000

12

1.440

225,3

324

 

6

TT Thổ Tang

17.196

0,7

12.037

11.435

4.000

12

1.440

225,3

324

 

7

Xã Bồ Sao

3.934

0,7

2.754

2.065

2.065

12

744

225,3

168

 

8

Xã Lý Nhân

5.696

0,7

3.987

2.990

2.990

12

1.077

225,3

243

 

9

Xã Vĩnh Sơn

6.152

0,7

4.306

3.230

3.230

12

1.163

225,3

262

 

V

Huyện Bình Xuyên

 

 

 

 

 

 

17.782

 

5.025

 

1

TT Hương Canh

15.905

0,7

11.134

15.573

15.573

12

5.606

370,0

2.074

lò xã hội hóa

2

TT Thiện Kế

8.939

0,7

6.257

5.944

5.944

12

2.140

225,3

482

 

3

Xã Tam Hợp

8.976

0,7

6.283

4.712

4.712

12

1.696

225,3

382

 

4

TT Bá Hiến

20.397

0,7

14.278

13.564

13.564

12

4.883

225,3

1.100

 

5

TT Quất Lưu

7.650

0,7

5.355

5.087

4.000

12

1.440

370,0

533

 

6

Xã Sơn Lôi

10.666

0,7

7.466

5.600

5.600

12

2.016

225,3

454

 

VI

Lập Thạch

 

 

 

 

 

 

5.358

 

1.206

 

1

Xã Sơn Đông

10.577

0,7

7.404

5.553

4.000

12

1.440

225,3

324

 

2

TT Lập Thạch

9.385

0,7

6.570

6.241

4.000

12

 

225,3

 

 

3

Xã Thái Hòa

8.366

0,7

5.856

4.392

4.000

12

1.440

225,3

324

 

4

Xã Xuân Hòa

9.783

0,7

6.848

5.136

4.000

12

1.440

225,3

324

 

5

Xã Văn Quán

5.494

0,7

3.846

2.884

2.884

12

1.038

225,3

234

 

VII

Sông Lô

 

 

 

 

 

 

3.808

 

857

 

1

Xã Đồng Quế

5.129

0,7

3.590

2.693

2.693

12

969

225,3

218

 

2

Xã Đồng Thịnh

10.365

0,7

7.256

5.442

4.000

12

1.440

225,3

324

 

3

Xã Hải Lựu

7.399

0,7

5.179

3.884

3.884

12

1.398

225,3

315

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

13.631

 

 

PHỤ LỤC 11. NHIỆM VỤ, MÔ HÌNH TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO NHẬN THỨC

Stt

Tên nhiệm vụ/dự án/kế hoạch

Dự kiến kinh phí (triệu đồng)

Cơ quan chủ trì

Thời gian thực hiện 

Nguồn vốn 

Ghi chú

2022

2023

2024

2025

Tổng

1

Triển khai nhiệm vụ/kế hoạch“nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2026”

 500

 500

 500

 500

 2,000

MTTQ Việt Nam tỉnh

 

 

 

2

Triển khai Tuyên truyền, phát động phong trào, duy trì các phong trào hàng năm về thu gom rác thải, vệ sinh môi trường

110

110

110

110

 440

Liên đoàn lao động tỉnh

 

 

 

3

Hỗ trợ tổ chức tuyên truyền, phát động các phong trào, mô hình thu gom rác thải, vệ sinh môi trường,…

500

500

500

500

2.000

Tỉnh đoàn thanh niên

 

 

 

4

Hỗ trợ tổ chức tuyên truyền, phát động các phong trào, mô hình thu gom rác thải, vệ sinh môi trường,…

500

500

500

500

 2.000

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

 

 

 

5

Tuyên truyền, duy trì hoạt động của 832 Câu lạc bộ bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản bảo vệ môi trường do Hội CCB quản lý

 500

 500

 500

 500

 2.000

Hội Cựu chiến binh tỉnh

2022-2025

SNMT

 

6

Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện đúng, đầy đủ quy định chính sách và pháp luật; tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm,..

500

500

500

500

 2.000

Liên minh HTX tỉnh

 

 

 

7

 Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và vệ sinh môi trường tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (250 trđ/năm) ; Thí điểm 02 mô hình “ Siêu thị không sử dụng túi nilon” và “Chợ không sử dụng túi nilon” (400 trđ/năm)

 650

 650

 650

 650

 2.600

Sở Công Thương

2022-2025

SNMT

 

8

Tuyên truyền trực quan, sử dụng pa-nô, áp phích, các vật dụng được in ấn thông tin tuyên truyền, biểu trưng nhận diện thông điệp bảo vệ môi trường tại các địa điểm du lịch (Tam Đảo, danh thắng Tây Thiên, Đại Lải), các cửa ngõ ra vào tỉnh, trung tâm các thành phố, huyện, xã (350 triệu đồng/năm); Triển khai thí điểm mô hình không sử dụng túi nilong tại các khu du lịch, khu di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn tỉnh (165 triệu đồng/năm); Tổ chức lớp tập huấn xây dựng hương ước, quy ước ở các địa phương, trong đó có lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường (180 triệu đồng/năm)

695

695

695

695

 2.780

 Sở Văn hóa thể thao và du lịch

 

 

 

9

Phát hành sổ tay, tờ rơi hướng dẫn phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn

 1.500

 1.500

 1.500

 

 4.500

Sở Tài nguyên và Môi trường

2022-2025

SNMT

Dự kiến phát hành 300.000 cuốn tài liệu, tờ rơi cho từng hộ gia đình

10

Triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn

 1.200

 1.200

 1.200

 

 3.600

Sở Tài nguyên và Môi trường

2022-2024

SNMT

3 xã, thị trấn (Hợp Hòa, Tam Hồng, Tam Đảo)

11

Xây dựng tài liệu kỹ thuật quản lý, vận hành các điểm tập kết, trung chuyển rác thải; quản lý lộ trình thu gom, vận chuyển rác thải

 50

 

 

 

 50

 

 

SNMT

 

 

TỔNG

 6.245

 5.995

 5.995

 3.295

 21.530

 

 

 

 

Kinh phí của từng nhiệm vụ do cơ quan chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt

 

PHỤ LỤC 12: DANH SÁCH ĐƠN VỊ THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT (2021)

STT

Tên đơn vị

Địa chỉ

Địa bàn phục vụ

Ghi chú

1

Thành phố Vĩnh Yên

 

 

 

1.1

Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên

Vĩnh Yên

TP Vĩnh Yên

Xử lý bằng chôn lấp

1.2

HTX VSMT xã Định Trung

Xã Định Trung

Xã Định Trung

Xử lý bằng chôn lấp

1.3

HTX VSMT xã Thanh Trù

Xã Thanh Trù

Xã Thanh Trù

Xử lý bằng chôn lấp

1.4

Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Hoa Đăng Vĩnh Phúc

Phường Liên Bảo

Toàn tỉnh

Chỉ thu gom, vận chuyển

1.5

Công ty TNHH Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Phúc

Phường Đống Đa

Toàn tỉnh

Chỉ thu gom, vận chuyển

2

Thành phố Phúc Yên

 

 

 

2.1

Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Phúc Yên

Phúc Yên

TP Phúc Yên

Xử lý bằng chôn lấp

2.2

HTX VSMT xã Ngọc Thanh

Ngọc Thanh

Ngọc Thanh

Xử lý bằng chôn lấp

2.3

HTX VSMT xã Cao Minh

Cao Minh

Cao Minh

Xử lý bằng chôn lấp

2.4

HTX VSMT xã Nam Viêm

Nam Viêm

Nam Viêm

Xử lý bằng chôn lấp

3

Huyện Bình Xuyên

 

 

 

3.1

Công ty Cổ phần Vina Century

Thị trấn Hương Canh

Thị trấn Hương Canh

Thu gom và xử lý tại lò đốt theo thiết kế 25 tấn/ngày

3.2

HTX VSMT xã Trung Mỹ

Trung Mỹ

Trung Mỹ

Xử lý bằng chôn lấp

3.3

HTX VSMT xã Bá Hiến

Bá Hiến

Bá Hiến

Xử lý bằng lò đốt

3.4

HTX VSMT xã Thiện Kế

Thiện Kế

Thiện Kế

Xử lý bằng lò đốt

3.5

HTX VSMT xã Hương Sơn

Hương Sơn

Hương Sơn

Xử lý bằng chôn lấp

3.6

HTX VSMT xã Tam Hợp

Tam Hợp

Tam Hợp

Xử lý bằng lò đốt

3.7

HTX VSMT xã Quất Lưu

Quất Lưu

Quất Lưu

Xử lý bằng lò đốt

3.8

HTX VSMT xã Sơn Lôi

Sơn Lôi

Sơn Lôi

Xử lý bằng lò đốt (lò đầu tư chống dịch)

3.9

HTX VSMT thị trấn Đạo Đức

Đạo Đức

Đạo Đức

Xử lý bằng chôn lấp

3.10

HTX VSMT xã Phú Xuân

Phú Xuân

Phú Xuân

Xử lý bằng chôn lấp

3.11

HTX VSMT TT Gia Khánh

TT Gia Khánh

TT Gia Khánh

Xử lý bằng chôn lấp

3.12

HTX VSMT TT Thanh Lãng

TT Thanh Lãng

TT Thanh Lãng

Xử lý bằng chôn lấp

3.13

Công ty TNHH môi trường Bình Xuyên

Hương Canh

Toàn tỉnh

Chỉ thu gom, vận chuyển

4

Huyện Tam Dương

 

 

 

4.1

Công ty Cổ phần môi trường Công nghệ Việt

Thị trấn Hợp Hòa, Tam Dương

Huyện Tam Dương và Vĩnh Yên

Chỉ xử lý tại ò đốt công suất giai đoạn 1 đang hoạt động là 75 tấn/ngày

4.2

HTX VSMT xã Hoàng Hoa

Hoàng Hoa

Hoàng Hoa

Xử lý bằng lò đốt/chôn lấp

4.3

HTX VSMT xã Đồng Tĩnh

Đồng Tĩnh

Đồng Tĩnh

Xử lý bằng lò đốt/chôn lấp

4.4

HTX VSMT xã Kim Long

Kim Long

Kim Long

Xử lý bằng lò đốt/chôn lấp

4.5

HTX VSMT xã Hướng Đạo

Hướng Đạo

Hướng Đạo

Xử lý bằng lò đốt/chôn lấp

4.6

HTX VSMT xã Đạo Tú

Đạo Tú

Đạo Tú

Xử lý bằng lò đốt/chôn lấp

4.7

HTX VSMT xã An Hòa

An Hòa

An Hòa

Xử lý bằng lò đốt/chôn lấp

4.8

HTX VSMT xã Thanh Vân

Thanh Vân

Thanh Vân

Xử lý bằng lò đốt/chôn lấp

4.9

HTX VSMT xã Duy Phiên

Duy Phiên

Duy Phiên

Xử lý bằng lò đốt/chôn lấp

4.10

HTX VSMT xã Hoàng Đan

Hoàng Đan

Hoàng Đan

Xử lý bằng lò đốt/chôn lấp

4.11

HTX VSMT xã Hoàng Lâu

Hoàng Lâu

Hoàng Lâu

Xử lý bằng lò đốt/chôn lấp

4.12

HTX VSMT xã Vân Hội

Vân Hội

Vân Hội

Xử lý bằng lò đốt/chôn lấp

4.13

HTX VSMT xã Hợp Thịnh

Hợp Thịnh

Hợp Thịnh

Xử lý bằng lò đốt

5

Huyện Tam Đảo

 

 

 

5.1

HTX VSMT xã Đạo Trù

Đạo Trù

Đạo Trù

Xử lý bằng chôn lấp

5.2

HTX VSMT xã Bồ Lý

Bồ Lý

Bồ Lý

Xử lý bằng chôn lấp

5.3

HTX VSMT xã Yên Dương

Yên Dương

Yên Dương

Xử lý bằng chôn lấp

5.4

HTX VSMT xã Tam Quan

Tam Quan

Tam Quan

Xử lý bằng chôn lấp

5.5

HTX VSMT xã Hồ Sơn

Hồ Sơn

Hồ Sơn

Xử lý bằng chôn lấp

5.6

HTX VSMT xã Hợp Châu

Hợp Châu

Hợp Châu

Xử lý bằng chôn lấp

5.7

HTX VSMT xã Minh Quang

Minh Quang

Minh Quang

Xử lý bằng chôn lấp

5.8

HTX VSMT TT Tam Đảo

TT Tam Đảo

TT Tam Đảo

Xử lý bằng chôn lấp

5.9

HTX VSMT Đại Đình

Đại Đình

Đại Đình

Xử lý bằng lò đốt

6

Huyện Sông Lô

 

 

 

6.1

HTX VSMT xã Lãng Công

Lãng Công

Lãng Công

Xử lý bằng chôn lấp

6.2

HTX VSMT xã Quang Yên

Quang Yên

Quang Yên

Xử lý bằng chôn lấp

6.3

HTX VSMT xã Bạch Lưu

Bạch Lưu

Bạch Lưu

Xử lý bằng chôn lấp

6.4

HTX VSMT xã Đồng Quế

Đồng Quế

Đồng Quế

Xử lý bằng lò đốt

6.5

HTX VSMT xã Nhân Đạo

Nhân Đạo

Nhân Đạo

Xử lý bằng chôn lấp

6.6

HTX VSMT xã Đôn Nhân

Đôn Nhân

Đôn Nhân

Xử lý bằng chôn lấp

6.7

HTX VSMT xã Phương Khoan

Phương Khoan

Phương Khoan

Xử lý bằng chôn lấp

6.8

HTX VSMT xã Tân Lập

Tân Lập

Tân Lập

Xử lý bằng chôn lấp

6.9

HTX VSMT xã Nhạo Sơn

Nhạo Sơn

Nhạo Sơn

Xử lý bằng chôn lấp

6.10

HTX VSMT xã Như Thụy

Như Thụy

Như Thụy

Xử lý bằng chôn lấp

6.11

HTX VSMT xã Yên Thạch

Yên Thạch

Yên Thạch

Xử lý bằng chôn lấp

6.12

HTX VSMT xã Đồng Thịnh

Đồng Thịnh

Đồng Thịnh

Xử lý bằng lò đốt

6.13

HTX VSMT xã Tứ Yên

Tứ Yên

Tứ Yên

Xử lý bằng chôn lấp

6.14

HTX VSMT xã Đức Bác

Đức Bác

Đức Bác

Xử lý bằng chôn lấp

6.15

HTX VSMT xã Cao Phong

Cao Phong

Cao Phong

Xử lý bằng chôn lấp

6.16

HTX VSMT xã Hải Lựu

Hải Lựu

Hải Lựu

Xử lý bằng lò đốt

6.17

HTX VSMT xã Tam Sơn

TT Tam Sơn

TT Tam Sơn

Xử lý bằng chôn lấp

7

Huyện Lập Thạch

 

 

 

7.1

HTX VSMT  thị trấn Lập Thạch

Lập Thạch

Lập Thạch

Xử lý bằng chôn lấp

7.2

HTX VSMT xã Quang Sơn

Quang Sơn

Quang Sơn

Xử lý bằng chôn lấp

7.3

HTX VSMT xã Ngọc Mỹ

Ngọc Mỹ

Ngọc Mỹ

Xử lý bằng chôn lấp

7.4

HTX VSMT xã Hợp Lý

Hợp Lý

Hợp Lý

Xử lý bằng chôn lấp

7.5

HTX VSMT xã Bắc Bình

Bắc Bình

Bắc Bình

Xử lý bằng chôn lấp

7.6

HTX VSMT xã Thái Hòa

Thái Hòa

Thái Hòa

Xử lý bằng lò đốt

7.7

HTX VSMT xã Liễn Sơn

Liễn Sơn

Liễn Sơn

Xử lý bằng chôn lấp

7.8

HTX VSMT xã Xuân Hòa

Xuân Hòa

Xuân Hòa

Xử lý bằng lò đốt

7.9

HTX VSMT xã Vân Trục

Vân Trục

Vân Trục

Xử lý bằng chôn lấp

7.10

HTX VSMT xã Liên Hòa

Liên Hòa

Liên Hòa

Xử lý bằng chôn lấp

7.11

HTX VSMT xã Tử Du

Tử Du

Tử Du

Xử lý bằng chôn lấp

7.12

HTX VSMT xã Bàn Giản

Bàn Giản

Bàn Giản

Xử lý bằng chôn lấp

7.13

HTX VSMT xã Xuân Lôi

Xuân Lôi

Xuân Lôi

Xử lý bằng chôn lấp

7.14

HTX VSMT xã Đồng Ích

Đồng Ích

Đồng Ích

Xử lý bằng chôn lấp

7.15

HTX VSMT xã Tiên Lữ

Tiên Lữ

Tiên Lữ

Xử lý bằng chôn lấp

7.16

HTX VSMT xã Văn Quán

Văn Quán

Văn Quán

Xử lý bằng lò đốt

7.17

HTX VSMT xã Đình Chu

Đình Chu

Đình Chu

Xử lý bằng chôn lấp

7.18

HTX VSMT xã Triệu Đề

Triệu Đề

Triệu Đề

Xử lý bằng chôn lấp

7.19

HTX VSMT xã Sơn Đông

Sơn Đông

Sơn Đông

Xử lý bằng lò đốt

7.20

Công ty Cổ phần đầu tư ITC Hà Nội

Hà Nội

Huyện Lập Thạch

Xử lý bằng chôn lấp

8

Huyện Yên Lạc

 

 

 

8.1

HTX VSMT xã Đồng Cương

Đồng Cương

Đồng Cương

Xử lý bằng chôn lấp

8.2

HTX VSMT xã  Đồng Văn

Đồng Văn

Đồng Văn

Xử lý bằng lò đốt

8.3

HTX VSMT xã Bình Định

Bình Định

Bình Định

Xử lý bằng chôn lấp

8.4

HTX VSMT xã Trung Nguyên

Trung Nguyên

Trung Nguyên

Xử lý bằng chôn lấp

8.5

HTX VSMT xã Tề Lỗ

Tề Lỗ

Tề Lỗ

Xử lý bằng lò đốt

8.6

HTX VSMT xã Tam Hồng

Tam Hồng

Tam Hồng

Xử lý bằng lò đốt

8.7

HTX VSMT xã Yên Đồng

Yên Đồng

Yên Đồng

Xử lý bằng lò đốt

8.8

HTX VSMT xã Văn Tiến

Văn Tiến

Văn Tiến

Xử lý bằng chôn lấp

8.9

HTX VSMT xã Nguyệt Đức

Nguyệt Đức

Nguyệt Đức

Xử lý bằng lò đốt

8.10

HTX VSMT xã Yên Phương

Yên Phương

Yên Phương

Xử lý bằng lò đốt

8.11

HTX VSMT xã Hồng Phương

Hồng Phương

Hồng Phương

Xử lý bằng lò đốt

8.12

HTX VSMT xã Trung Kiên

Trung Kiên

Trung Kiên

Xử lý bằng chôn lấp

8.13

HTX VSMT xã Liên Châu

Liên Châu

Liên Châu

Xử lý bằng lò đốt

8.14

HTX VSMT xã Đại Tự

Đại Tự

Đại Tự

Xử lý bằng lò đốt

8.15

HTX VSMT xã Hồng Châu

Hồng Châu

Hồng Châu

Xử lý bằng chôn lấp

8.16

HTX VSMT xã Trung Hà

Trung Hà

Trung Hà

Xử lý bằng chôn lấp

8.17

HTX VSMT TT Yên Lạc

TT Yên Lạc

TT Yên Lạc

Xử lý bằng lò đốt

9

Huyện Vĩnh Tường

 

 

 

9.1

HTX VSMT xã Kim Xá

Kim Xá

Kim Xá

Xử lý bằng chôn lấp

9.2

HTX VSMT xã Yên Bình

Yên Bình

Yên Bình

Xử lý bằng chôn lấp

9.3

HTX VSMT xã Chấn Hưng

Chấn Hưng

Chấn Hưng

Xử lý bằng chôn lấp

9.4

HTX dịch vụ VSMT xã Nghĩa Hưng

Nghĩa Hưng

Nghĩa Hưng

Xử lý bằng chôn lấp

9.5

HTX VSMT xã Đại Đồng

Đại Đồng

Đại Đồng

Xử lý bằng lò đốt

9.6

Tổ VSMT xã Tân Tiến

Tân Tiến

Tân Tiến

Xử lý bằng chôn lấp

9.7

HTX VSMT xã Yên Lập

Yên Lập

Yên Lập

Xử lý bằng chôn lấp

9.8

Tổ VSMT xã Việt Xuân

Việt Xuân

Việt Xuân

Xử lý bằng chôn lấp

9.9

HTX VSMT xã Bồ Sao

Bồ Sao

Bồ Sao

Xử lý bằng lò đốt

9.10

Tổ VSMT xã Lũng Hòa

Lũng Hòa

Lũng Hòa

Xử lý bằng chôn lấp

9.11

HTX VSMT xã Vĩnh Sơn

Vĩnh Sơn

Vĩnh Sơn

Xử lý bằng lò đốt

9.12

HTX VSMT Tân Phú

Tân Phú

Tân Phú

Xử lý bằng chôn lấp

9.13

Tổ VSMT xã Thượng Trưng

Thượng Trưng

Thượng Trưng

Xử lý bằng chôn lấp

9.14

HTX VSMT xã Lý Nhân

Lý Nhân

Lý Nhân

Xử lý bằng lò đốt

9.15

HTX VSMT xã Tuân Chính

Tuân Chính

Tuân Chính

Xử lý bằng lò đốt

9.16

HTX Nông nghiệp xã Ngũ Kiên

Ngũ Kiên

Ngũ Kiên

Xử lý bằng lò đốt

9.17

HTX VSMT xã Vân Xuân

Vân Xuân

Vân Xuân

Xử lý bằng chôn lấp

9.18

Tổ VSMT xã Bình Dương

Bình Dương

Bình Dương

Xử lý bằng chôn lấp

9.19

Tổ VSMT xã Vũ Di

Vũ Di

Vũ Di

Xử lý bằng chôn lấp

9.20

HTX VSMT xã Tam Phúc

Tam Phúc

Tam Phúc

Xử lý bằng chôn lấp

9.21

HTX VSMT xã Cao Đại

Cao Đại

Cao Đại

Xử lý bằng lò đốt

9.22

HTX Nông nghiệp Tứ Trưng

TT Tứ Trưng

TT Tứ Trưng

Xử lý bằng chôn lấp

9.23

Tổ dịch vụ VSMT xã An Tường

An Tường

An Tường

Xử lý bằng chôn lấp

9.24

HTX VSMT xã Vĩnh Thịnh

Vĩnh Thịnh

Vĩnh Thịnh

Xử lý bằng chôn lấp

9.25

HTX VSMT xã Vĩnh Ninh

Vĩnh Ninh

Vĩnh Ninh

Xử lý bằng chôn lấp

9.26

HTX VSMT xã Phú Đa

Phú Đa

Phú Đa

Xử lý bằng chôn lấp

9.27

HTX VSMT thị trấn Vĩnh Tường

Vĩnh Tường

Vĩnh Tường

Xử lý bằng lò đốt

9.28

HTX VSMT thị trấn Thổ Tang

Vĩnh Tường

Vĩnh Tường

Xử lý bằng lò đốt

10.

Các doanh nghiệp do Bộ TN&MT cấp phép thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong đó có rác thải sinh hoạt đang hoạt động trên địa bàn tỉnh: 25 doanh nghiệp

 

 

Xử lý bằng lò đốt

 

PHỤ LỤC 13: SỐ LƯỢNG ĐIỂM/BÃICHÔN LẤP RÁC THẢI TRÊN ĐỊA BÀN

STT

Địa phương

Bãi chốn lấp/ điểm tập kết rác thải

Ghi chú

Số lượng

Diện tích (m2)

I

Huyện Sông Lô

12

26.650

 

1

Xã Lãng Công

1

6.500

 

2

Xã Đức Bác

1

2.000

 

3

Xã Đôn Nhân

1

600

 

4

Xã Như Thụy

1

710

 

5

Xã Tân Lập

1

2.500

 

6

Xã Nhạo Sơn

1

8.200

 

7

Xã Yên Thạch

1

400

 

8

Xã Quang Yên

1

1.500

 

9

Xã Cao Phong

1

600

 

10

Xã Nhân Đạo

1

1.500

 

11

Xã Hải Lựu

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

12

Xã Bạch Lưu

1

1.500

 

13

Xã Phương Khoan

1

640

 

14

Thị trấn Tam Sơn

 

 

 

15

Xã Tứ Yên

 

 

 

16

Xã Đồng Quế

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

17

Xã Đồng Thịnh

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

II

Huyện Lập Thạch

35

25.903,30

 

1

Xã Bắc Bình

2

1.000

 

2

Thị trấn Hoa Sơn

1

2.943

 

3

Xã Sơn Đông

1

500

 

4

Xã Đình Chu

2

998

 

5

Xã Vân Trục

2

800

 

6

Xã Ngọc Mỹ

2

682

 

7

Xã Quang Sơn

3

947,7

 

8

Xã Xuân Lôi

1

1.931

 

9

Xã Bàn Giản

1

375

 

10

Xã Triệu Đề

3

1.067,40

 

11

Xã Tiên Lữ

3

1.220

 

12

Thị trấn Lập Thạch

1

8.000

 

13

Xã Liên Hòa

3

1.500

 

14

Xã Hợp Lý

2

500

 

15

Xã Tử Du

1

1.339,20

 

16

Xã Đồng Ích

7

2.100

 

17

Xã Liễn Sơn

 

 

 

18

Xã Thái Hòa

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

19

Xã Văn Quán

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

20

Xã Xuân Hòa

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

III

Huyện Tam Dương

42

14.249,40

 

1

Xã Hoàng Hoa

3

1.338

 

2

Xã Hướng Đạo

3

1.060

 

3

Xã Kim Long

2

693,3

 

4

Xã Đồng Tĩnh

1

475

 

5

Xã An Hòa

3

2.500

 

6

Xã Hoàng Đan

4

637

 

7

Xã Hoàng Lâu

5

3.257

 

8

Xã Vân Hội

3

900

 

9

Xã Hợp Thịnh

2

1.368

 

10

Xã Duy Phiên

2

742,1

 

11

Xã Đạo Tú

1

100

 

12

Xã Thanh Vân

13

1.179

 

IV

Huyện Yên Lạc

59

51.255,50

 

1

Xã Tề Lỗ

3

2.450

 

2

Xã Trung Nguyên

8

4.250

 

3

Xã Đồng Cương

4

4.404,50

 

4

Xã Bình Định

4

3.240

 

5

Xã Hồng Châu

4

1.850

 

6

Xã Trung Hà

2

2.500

 

7

Xã Trung Kiên

1

1.000

 

8

Xã Nguyệt Đức

2

2.000

 

9

Xã Văn Tiến

3

3.300

 

10

Thị trấn Yên Lạc

3

4.859

Đã được đầu tư lò đốt

11

Xã Đại Tự

2

2.472

Đã được đầu tư lò đốt

12

Xã Đồng Văn

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

13

Xã Hồng Phương

2

1.000

Đã được đầu tư lò đốt

14

Xã Liên Châu

2

1.000

Đã được đầu tư lò đốt

15

Xã Tam Hồng

8

9.180

Đã được đầu tư lò đốt

16

Xã Yên Đồng

8

6.390

Đã được đầu tư lò đốt

17

Xã Yên Phương

3

1.360

Đã được đầu tư lò đốt

V

Huyện Vĩnh Tường

67

101.778

 

1

Xã An Tường

2

1.580

 

2

Xã Vân Xuân

2

2.200

 

3

Xã Vĩnh Sơn

3

32.000

 

4

Xã Vũ Di

4

2.000

 

5

Xã Yên Bình

4

2.368

 

6

Xã Phú Thịnh

5

1.550

 

7

Xã Chấn Hưng

2

1.883

 

8

Xã Thượng Trưng

4

7.500

 

9

Xã Tân Cương

3

1.800

 

10

Xã Lũng Hòa

4

1.600

 

11

Xã Bình Dương

8

2.867

 

12

Xã Tam Phúc

1

2.161

 

13

Thị trấn Tứ Trưng

1

4.700

 

14

Xã Phú Đa

2

1.769

 

15

Xã Vĩnh Ninh

3

720

 

16

Xã Nghĩa Hưng

6

980

 

17

Xã Vĩnh Thịnh

3

3.000

 

18

Xã Kim Xá

2

1.800

 

19

Xã Tân Tiến

2

600

 

20

Xã Yên Lập

2

10.000

 

21

Xã Việt Xuân

1

1.000

 

22

Thị trấn Vĩnh Tường

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

23

Thị trấn Thổ Tang

1

12.144

Đã được đầu tư lò đốt

24

Xã Bồ Sao

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

25

Xã Cao Đại

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

26

Xã Đại Đồng

1

5.000

Đã được đầu tư lò đốt

27

Xã Lý Nhân

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

28

Xã Ngũ Kiên

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

29

Xã Tuân Chính

1

556

Đã được đầu tư lò đốt

VI

Huyện Bình Xuyên

8

33.464

 

1

Xã Đạo Đức

1

930

 

2

Xã Phú Xuân

1

2.000

 

3

Xã Tân Phong

1

1.217

 

4

Xã Sơn Lôi

1

700

 

5

Xã Hương Sơn

1

500

 

6

Xã Trung Mỹ

1

10.000

 

7

Thị trấn Gia Khánh

1

10.000

 

8

TT. Thanh Lãng

1

8.117

 

9

Xã Bá Hiến

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

10

Xã Quất Lưu

 

 

 

11

Xã Tam Hợp

 

 

 

12

Xã Thiện Kế

 

 

 

VII

Huyện Tam Đảo

5

4.200

 

1

Xã Yên Dương

2

1.000

 

2

Xã Bồ Lý

1

500

 

3

Xã Tam Quan

1

700

 

4

Xã Minh Quang

1

2.000

 

5

Thị trấn Tam Đảo

 

 

 

6

Xã Hợp Châu

 

 

 

7

Xã Đạo Trù

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

8

Xã Đại Đình

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

9

Xã Hồ Sơn

 

 

Đã được đầu tư lò đốt

VIII

Thị xã Phúc Yên

2

9.300

 

1

Phường Xuân Hòa

1

8.500

 

2

Xã Nam Viêm

1

800

 

3

Xã Ngọc Thanh

 

 

 

4

Xã Cao Minh

 

 

 

5

Xã Tiền Châu

 

 

 

IX

Thành phố Vĩnh Yên

2

45.000

 

1

Lô CN14 KCN Khai Quang

1

30.000

Đã đóng cửa

2

Bãi rác núi Bông Khai Quang

1

15.000

Đang hoạt động

3

Xã Định Trung

 

 

 

4

Xã Thanh Trù

 

 

 

 

Tổng cộng

232

311.800

 

 

PHỤ LỤC 14: DANH MỤC CÁC LÒ ĐỐT RÁC THẢI QUY MÔ CẤP XÃ

STT

Địa phương

Thời gian đi hoạt động

Đơn vị đầu tư

Công suất xử lý (tấn/ngày)

Diện tích (m2)

Phạm vi tiếp nhận

Hiện trạng hoạt động

Ghi chú

I

Huyện Sông Lô

 

 

 

 

 

 

 

1

Xã Đồng Quế

Năm 2015

Sở TN&MT

3,5 - 12

720.0

Xã Đồng Quế

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

2

Xã Đồng Thịnh

Năm 2015

Sở TN&MT

3,5 - 12

3,200.0

Xã Đồng Thịnh

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

3

Xã Hải Lựu

Năm 2016

Sở KH&CN

3.5

900.0

Xã Hải Lựu

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

II

Huyện Lập Thạch

 

 

 

 

 

 

Nhà nước đầu tư

1

Xã Văn Quán

Năm 2015

Sở TN&MT

3,5 - 12

1,728.0

Xã Văn Quán

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

2

Xã Thái Hòa

Năm 2015

Sở TN&MT

3,5 - 12

1,963.0

Xã Thái Hòa

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

3

TT Lập Thạch

Năm 2015

Sở KH&CN

6

1,300.0

TT Lập Thạch

Không hoạt động từ 10/2019

Nhà nước đầu tư

4

Xã Sơn Đông

Năm 2015

Sở KH&CN

3.5

900.0

Xã Sơn Đông

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

5

Xã Xuân Hòa

Năm 2016

Sở KH&CN

5.5

1,800.0

Xã Xuân Hòa

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

III

Huyện Tam Dương

 

 

 

 

 

 

Nhà nước đầu tư

1

Xã Hợp Thịnh

Năm 2016

Sở TN&MT

10

1,490.0

Xã Hợp Thịnh

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

IV

Huyện Yên Lạc

 

 

 

 

 

 

Nhà nước đầu tư

1

TT Yên Lạc

Năm 2015

Sở TN&MT

3,5 - 12

1,637.0

TT Yên Lạc

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

2

Xã Đồng Văn

Năm 2015

Sở TN&MT

3,5 - 12

1,080.0

Xã Đồng Văn

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

3

Xã Tam Hồng

Năm 2012

Sở KH&CN

4

800.0

Xã Tam Hồng

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

4

Xã Nguyện Đức

Năm 2015

Sở KH&CN

2.5

800.0

Xã Nguyện Đức

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

5

Xã Liên Châu

Năm 2015

Sở KH&CN

4.5

800.0

Xã Liên Châu

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

6

Xã Yên Đồng

Năm 2015

Sở KH&CN

3.5

800.0

Xã Yên Đồng

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

7

Xã Hồng Phương

Năm 2016

Sở KH&CN

3.5

800.0

Xã Hồng Phương

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

8

Xã Yên Phương

 

Sở KH&CN

 

1,200.0

Xã Yên Phương

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

9

Xã Đại Tự

Năm 2016

Sở KH&CN

3

700.0

Xã Đại Tự

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

V

Huyện Vĩnh Tường

 

 

 

 

 

 

Nhà nước đầu tư

1

Xã Tuân Chính

Năm 2015

Sở TN&MT

3,5 - 12

2,000.0

Xã Tuân Chính

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

2

TT Vĩnh Tường

Năm 2015

Sở KH&CN

7.5

4,000.0

TT Vĩnh Tường

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

3

Xã Cao Đại

Năm 2015

Sở KH&CN

3.5

3,000.0

Xã Cao Đại

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

4

TT Thổ Tang

Năm 2013

Sở KH&CN

8

2,000.0

TT Thổ Tang

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

5

Xã Ngũ Kiên

Năm 2016

Sở KH&CN

4.5

2,600.0

Xã Ngũ Kiên

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

6

Xã Bồ Sao

Năm 2015

Sở KH&CN

5

3,000.0

Xã Bồ Sao

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

7

Xã Lý Nhân

Năm 2015

Sở KH&CN

4

2,000.0

Xã Lý Nhân

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

8

Xã Đại Đồng

Năm 2016

Sở KH&CN

3.5

3,000.0

Xã Đại Đồng

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

9

Xã Vĩnh Sơn

Năm 2017

Sở KH&CN

5

 

Xã Vĩnh Sơn

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

VI

Huyện Bình Xuyên

 

 

 

 

 

 

Nhà nước đầu tư

1

Xã Tam Hợp

Năm 2015

Sở KH&CN

3.5

2,800.0

Xã Tam Hợp

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

2

Xã Quất Lưu

Năm 2016

HTX MT Tam Hợp

 

1,000.0

Xã Quất Lưu

Đang hoạt động

Xã hội hóa

3

Xã Thiện Kế

Năm 2016

Sở KH&CN

4

2,500.0

Thiện Kế

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

4

Xã Bá Hiến

Năm 2016

Huyện đầu tư hạ tầng; HTX môi trường Bá Hiến đầu tư lò đốt

15

8,600.0

Xã Bá Hiến

Đang hoạt động

Xã hội hóa

5

TT Hương Canh

Năm 2016

Công ty CP Xây dựng Century vina

15

5.000

TT Hương Canh

Đang hoạt động

Xã hội hóa

6

TT Gia khánh (Trung đoàn 834)

Năm 2020

Sở TN&MT

500kg/h

-

Trường Quân sự tỉnh, Trung đoàn 834 và Bệnh viện dã chiến tỉnh

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư phục vụ phòng chống dịch Covid-19

7

Xã Sơn Lôi

Năm 2020

UBND huyện Bình Xuyên

700kg/h

5.958

Xã Sơn Lôi

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư phục vụ phòng chống dịch Covid-19

VII

Huyện Tam Đảo

 

 

 

 

 

 

 

1

Xã Đạo Trù

Năm 2015

Sở KH&CN

3,5

800

Xã Đạo Trù

Không hoạt động từ 7/2019

Nhà nước đầu tư

2

Xã Hồ Sơn

Năm 2015

Sở KH&CN

3,5

800

Xã Hồ Sơn

Không hoạt động từ 11/2019

Nhà nước đầu tư

3

Xã Đại Đình

-

Sở KH&CN

 -

500

Xã Đại Đình

Đang hoạt động

Nhà nước đầu tư

 

Ghi chú: Tổng: 37 lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã trên địa bàn tỉnh

 

 

 

 


[1] Khối lượng tăng trung bình khoảng 15 tấn/năm

[2] Điểm tập kết trung chuyển: Diên tích: 300m2/điểm; suất đầu tư 1,2 triệu/m2)

[3] Chỉ xây dựng các điểm tập kết tại các xã, thị trấn (trong nội thị Vĩnh Yên và Phúc Yên sử dụng điểm hiện hữu).