Ngành Xi măng phát triển mô hình xử lý chất thải hướng đến kinh tế tuần hoàn!

Thứ 6, 14/10/2022, 15:02 GMT+7

Tận dụng ưu thế sẵn có của hệ thống lò nung với nhiệt độ cao, có khả năng tiêu hủy các loại chất thải, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đã chủ trương triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng. Không chỉ biến rác thải, chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không những giúp các doanh nghiệp xi măng đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn tiết kiệm chi phí, giảm phát thải CO2.

XEM THÊM 

Đồng xử lý chất thải (Co-processing)

Tiền xử lý và cung cấp nguyên, nhiên liệu đồng xử lý

Cụ thể, năm 2020, Vicem đã triển khai xử lý bùn thải tại 5 dây chuyền thuộc 4 nhà máy xi măng (Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long, Hà Tiên 1) với tổng khối lượng 15.000 tấn bùn thải; năm 2021 là hơn 70.000 tấn bùn thải, giúp thay thế 3 - 5% nguyên liệu sét. Năm 2022, Vicem dự kiến sẽ xử lý khoảng 86.000 tấn bùn thải.

Việc sử dụng rác thải công nghiệp thông thường làm nhiên liệu thay thế than cám trong sản xuất cũng được Vicem triển khai tại 7 dây chuyền thuộc 5 đơn vị sản xuất, với tổng khối lượng xử lý gần 120.000 tấn (năm 2020); hơn 200.000 tấn (năm 2021) và kế hoạch năm 2022 là khoảng 276.000 tấn. Ngoài ra, tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện cũng đang được ngành sản xuất xi măng đẩy mạnh tái chế làm nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng. Năm 2021, toàn Vicem sử dụng gần 2,6 triệu tấn tro, xỉ các loại; kế hoạch năm 2022 sử dụng trên 3 triệu tấn, tương đương với tỷ lệ sử dụng là 11,5%...

Theo đại diện Tổng Công ty Xi măng cho biết, đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng, không chỉ giảm lượng chất thải mang đi chôn lấp, xử lý; việc đốt chất thải tại lò quay xi măng còn tận dụng được tối đa lượng nhiệt từ chất thải, rác thải khi đưa vào đốt kèm theo than trong lò nung, góp phần tiết kiệm được tối đa 25 - 90% nhiên liệu là tài nguyên không tái tạo như than đá, dầu khí và 5 - 10% nguyên liệu; góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính. Tính sơ bộ mỗi năm có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng/dây chuyền sản xuất xi măng.

Trong khi đó, tại Công CP Xi măng Bút Sơn, Công ty đã tiến hành thực hiện chuyển đổi xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và bùn thải, tro xỉ thành nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Hoạt động này giúp giảm thiểu không nhỏ lượng rác thải trong quá trình sản xuất, với khối lượng xử lý rác thải công nghiệp thông thường lên đến 8.000 tấn/ tháng, xử lý rác thải nguy hại gần 1.500 tấn/tháng, xử lý bùn thải khoảng 4.500 tấn/tháng.

Từ quá trình xử lý, chất thải đốt cháy đã tạo thành nguồn nhiệt sử dụng trực tiếp, thay thế cho nhiên liệu than cám truyền thống vốn là nguồn nguyên liệu đốt chính. Ngoài ra, sử dụng bùn thải, tro xỉ sau khi cháy kết tinh thay thế cho đất sét trong sản xuất clinker, làm phụ gia xi măng, cũng góp phần giảm tối đa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chi phí đầu vào cho hoạt động thu mua nguyên liệu và nâng cao hiệu quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh của Công ty.

kinh tế tuần hoàn

Rác thải công nghiệp thông thường được đưa vào dây chuyển sản xuất xi măng tại nhà máy xi măng Bút Sơn giúp doanh nghiệp giảm phát thải CO2, tiết kiệm kiệm chi phí, phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc Công ty Vicem Bút Sơn (tỉnh Hà Nam) Đỗ Tiến Trình cho biết, sau 2 năm triển khai tại Vicem Bút Sơn, Chương trình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, năm 2020 hiệu quả từ Chương trình đồng xử lý chất thải mang lại là 40,12 tỷ đồng và năm 2021 là 86,99 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Tiến Trình, chương trình này là điển hình của việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp mang lại hiệu quả kép cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Chỉ riêng trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của Covid-19, Vicem Bút Sơn đã xử lý gần 92.500 tấn rác thải và 52.800 tấn bùn thải, mang lại hiệu quả kinh tế hơn 60 tỷ đồng cho Công ty.

Trong những năm tiếp theo, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu, thử nghiệm một số thành tựu khoa học mới về vật liệu xây dựng carbon thấp, xi măng thân thiện với môi trường, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, tham gia vào quá trình chuyển đổi xây dựng không carbon, ông Trình cho biết thêm.

Từ sự thay đổi trên của các doanh nghiệp có thể thấy việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đang là hướng đi đúng đắn cho các Công ty, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế năng động 4.0.

Nguồn: Ximang.vn

Ý kiến bạn đọc