Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Thứ 5, 02/03/2023, 10:06 GMT+7

Mô hình kinh tế tuần hoàn là một mô hình khép kín, từ khâu khai thác tài nguyên - sản xuất - phân phối - tiêu dùng - khôi phục… luôn có sự gắn kết với nhau. Trái ngược với kinh tế tuần hoàn là kinh tế tuyến tính, một chiều, từ khai thác - sản xuất - phân phối - tiêu dùng - chất thải. Trong đó, chất thải từ quá trình sản xuất - tiêu dùng không được xử lý hoặc tái sử dụng một cách triệt để, dẫn đến tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn đang được xác định là có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý và nhờ vào đó mà sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng được tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí và thất thoát sau thu hoạch, tạo ra những sản phẩm an toàn và chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo về được hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Đây cũng đang là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp và các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp đưa ra thảo luận trong thời gia vừa qua.

Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã phối hợp với Công ty cổ phần phát triển dự án THD Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Tọa đàm giới thiệu "Mô hình kinh tế tuần hoàn". Đây là một mô hình kinh tế đang nhận được sự quan tâm với nhiều dự án triển khai trên cả nước, tạo ra các cơ hội kinh tế, nhất là các doanh nghiệp trong hoạt động tái chế và sáng tạo.

Hiện nay, kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung được quan tâm nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và tận dụng phế phẩm nông nghiệp như là một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tăng tu nhập của nông dân.

Việt Nam cũng đã có những mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn trong nhiều lĩnh vực, như: Lĩnh vực rác thải nhựa bao bì sinh khối tận dụng sản phẩm sinh học. Có thể nói quá trình chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi về mặt chủ trương, chính sách của nhà nước, tạo ra cơ hộ lớn trong dịch chuyển kinh tế đi lên theo hướng bền vững dù còn nhiều thách thức

Trong những năm gần đây, nông nghiệp, nông thôn luôn giữ vị trí trọng tâm trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩu. Nhưng ngành này cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn về môi trường do vấn đề phát sinh chất thái từ các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi.

Nông nghiệp xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn đã trở thành một lựa chọn để ngành này phát triển bền vững.

 Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Ủ phân bón cho cây ăn quả

Với diện tích khoảng 6.000m2 tại phường Đại Mỗ quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, trang trại Apollo có thể gọi là trang trại trại nhỏ phát triển ven đô thị. Để phát triển, trang trại này đã thay đổi theo xu hướng kinh tế tuần hoàn. Trước đây, nước thải của nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường được thải trực tiếp ra sông, thì nay, trang trại này đã thu gom lại ủ với men vi sinh. Từ chỗ có hại cho môi trường thì giờ đây, chất thải đã trở thành nguyên liệu quý giá để nuôi giun. Ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc kỹ thuật trang traii Apollo cho biết “Đây là khu vực đông dân cư sinh sống của thành phố Hà Nội nên hiệu quả thứ nhất của mô hình này đã xử lý triệt để các chất thải không có tác động xấu đến môi trường xung quanh. Hiệu quả thứ hai là các con vật nuôi được ăn sản phẩm hữu cơ và các chế phẩm sinh học hữu cơ”

Giun được nuôi từ hỗn hợp phân và men vi sinh sau một thời gian sẽ trở thành thức ăn cho gà và cá trong trang trại. Chất thải từ quá trình nuôi giun sẽ trở thành phân bón hữu cơ và sẽ được sử dụng cho các cây ăn quả lâu năm giúp cây tăng trưởng tốt, khỏe mạnh. Hệ thống tuần hoàn này không chỉ tân dụng được những thứ bỏ đi mà còn giảm được tối đa nhân công cần có để vận hành.

Theo anh Nguyễn Xuân Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Apollo “Mô hình hợp tác xã của mình khác biệt với mô hình hợp tác xã ngày xưa là đã áp dụng thêm các công nghệ cao vào xử lý được rủi ro bệnh tật. Nguồn nước có thể xử lý được tận gốc để làm sao con cá sống khỏe mà chất lượng đầu ra thật tốt. Áp dụng công nghệ cao này tiết kiệm được rất nhiều diện tích. Hiện tại, diện tích nuôi trồng ngày càng nhỏ hẹp”

Câu chuyện về sản xuất ở trang trại Apollo chỉ là một trong nhiều ví dụ về mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Theo tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thì nền kinh tế tuần hoàn là một chi trình sản xuất khép kín đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: (1) Tiết kiệm tài nguyên (2) Bảo vệ môi trường (3) Thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội và (4) Nâng cao năng lực liên kết vốn bấy lâu nay còn lỏng lẻo.

Để việc quy chuẩn các mô hình sẽ góp phần phát triển nông nghiệp xanh bền vững trong tương lai thì Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cần quan tâm đến đào tạo người nông dân chuyên nghiệp để đáp ứng trình độ sản xuất ngày một tiên tiến, sản phẩm nông nghiệp làm ra phải có sức cạnh tranh cao, đồng thời trong quá trình sản xuất nông nghiệp phải gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Như thế kinh tế nông nghiệp mới phát huy thế mạnh, đi vào chiều sâu, phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Nguồn: http://nongthonmoi.gov.vn

Xem thêm:

1 .Kinh tế tuần hoàn – Nhìn từ triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020!

2. Kinh tế tuần hoàn – Lời giải cho phát triển bền vững!

3. Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững hướng tới kinh tế tuần hoàn!

4. Phế phụ phẩm trong nông nghiệp

Ý kiến bạn đọc