Chương trình Sản xuất và Tiêu dùng bền vững đã và đang được Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn, không phát thải.
Bộ Công Thương cho biết, cùng với chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ đang triển khai, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zezo vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ, ban, ngành khác đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tập trung triển khai một số mô hình điểm theo hướng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Điển hình là xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế; áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp hay xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn thành công về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cùng với đó, Bộ Công Thương phát triển, triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn các dạng năng lượng tái tạo tại chỗ (như mặt trời, khí sinh học…) quy mô công nghiệp; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho một số ngành; tính toán và xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp, áp dụng xây dựng cho ngành phân bón…
Ảnh minh họa
Cho đến nay, Chương trình đã ghi nhận được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt trong giai đoạn 2021 – 2022 đã có 24 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoạt động Chương trình Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững. Đồng thời, xây dựng được các bộ tiêu chí, hướng dẫn kỹ thuật trong các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các ngành, các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp như: 5 hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu cho các ngành triển khai sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ tiêu chí áp dụng cho các làng nghề thủ công bền vững, bộ tài liệu kỹ thuật và nâng cao năng lực về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng đối với sản phẩm bao bì.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Bộ sẽ hỗ trợ một số địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030; hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các ngành như da giày, chế biến chè,…
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT