Kinh tế tuần hoàn – Nhìn từ triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020!

Thứ 2, 06/02/2023, 06:58 GMT+7

Với việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường trong một năm qua, nhiều hoạt động thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được khởi động cho chúng ta hy vọng về tương lai kinh tế tuần hoàn sẽ sớm thành hiện thực ở Việt Nam.

Luật hóa quy định về kinh tế tuần hoàn

Phát triển bền vững nói chung và phát triển nền kinh tế tuần hoàn đã, đang được Đảng và Nhà nước quan tâm và đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp để thực hiện.

Các chủ trương, chính sách và quy định về kinh tế tuần hoàn từng bước được cụ thể hóa, trong đó Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới và mang tính đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Theo đó, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được xác định là “là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Luật cũng đưa ra trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải”; “cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Đặc biệt, Luật giao Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Kinh tế tuần hoàn

Bộ TN&MT đã tổ chức các Hội nghị, Hội thảo tập huấn cho các địa phương trong tổ chức thực hiện các quy định mới của Luật BVMT 2020

So sánh các công cụ chính sách phổ biến để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới điển hình trong chuyển đổi sang KTTH như Trung Quốc, Khối Liên minh châu Âu (bao gồm các quốc gia thành viên điển hình như Pháp, Hà Lan, Đức, Na Uy…) cho thấy, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng chính sách, pháp lý khá đầy đủ để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn theo các ngành, lĩnh vực, khu vực khác nhau của nền kinh tế như phân loại chất thải tại nguồn; mua sắm công xanh; mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất (EPR); thúc đẩy các thị trường tái chế; các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh....

Trên cơ sở khái niệm được nêu trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cũng đưa ra những quy định chi tiết hơn về tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn

Nhằm sớm đưa Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vào thực tiễn cuộc sống , thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn nói riêng và pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung cho người dân và các doanh nghiệp. Nhiều mô hình về thực hiện kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng đã được giới thiệu, quảng bá trực tiếp đến các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và các hộ sản sản xuất.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã ra mắt Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam. Mạng lưới hướng tới việc nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của tất cả các bên liên quan trong việc áp dụng một cách có hệ thống các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, tạo ra sức mạnh tổng hợp và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ quá trình chuyển đổi theo hướng carbon thấp và tuần hoàn tại Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn

Mô hình xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón góp phần rõ rệt trong việc giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường (Ảnh minh họa)

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai các mô hình kinh doanh hướng đến phát triển bền vững dưới sự hỗ trợ từ Chính phủ, hướng đến mục đích kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu nguyên vật liệu sản xuất có tác động tiêu cực tới môi trường; ứng dụng công nghệ phát triển các dịch vụ thân thiện với môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như đốt rác thu hồi năng lượng, đốt rác phát điện; xử lý chất thải rắn thành vật liệu xây dựng; tuần hoàn nước thải trong các khu công nghiệp như KCN Nam Cầu Kiền,…

Nhiều địa phương cũng đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án hướng tới nền kinh tế tuần hoàn như: Mô hình xử lý chất thải nhựa; mô hình ủ, chế biến phân từ rác thải; biến rác thải thành sinh kế; tái chế phế liệu; mô hình gạch sinh thái – xử lý rác thải vô cơ thành vật liệu xây dựng;…Trong đó, nhiều mô hình được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường. Đơn cử như tại huyện Đông Anh (Hà Nội), có 24 xã/ thị trấn với trên 10 nghìn hộ dân đã triển khai phân loại và xử lý rác hữu cơ làm phân bón từ tháng 1/2021 – 5/2022. Qua đó, đã góp phần giảm thiểu tới 70% lượng rác thải ra ngoài môi trường, tận dụng rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; giảm 30-50% lượng rác/hộ/ngày so với trước đây; 50-60% rác hữu cơ được xử lý tại hộ gia đình và cộng đồng; 5-14% rác tái chế được thu gom và bán cho đơn vị thu mua.

 

Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường

Xem thêm

(1) Công bố Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam!

(2) Mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn!

(3) EPR - Hướng dẫn đăng ký kế hoạch, báo cáo tái chế và kê khai đóng góp tài chính vào quỹ bảo vệ môi trường!

(4) Trường Tiểu Học Cần Thạnh 2: Phân loại rác thải tại nguồn - "Đổi chất thải nhận quà"!

(5) Phân loại rác thải tại nguồn Môi trường Á Châu đồng hành chương trình nông thôn mới +++

Ý kiến bạn đọc