Mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn!

Chủ nhật, 31/07/2022, 14:12 GMT+7

Khái niệm mô hình KTTH dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác” hay “rác thải của quá trình sản xuất, sử dụng này lại là nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất khác”.

Khi tiến đến kinh tế tuần hoàn, các lãnh đạo – hay CEO doanh nghiệp nói chung hay doanh nghiệp khởi nghiệp bắt buộc phải biết cách phân tích sơ đồ mô hình kinh doanh của mình, từ nguyên liệu đầu vào tới khi ra được thành phẩm, tới tay người tiêu dùng.

Mô hình kinh doanh theo triết lý tuần hoàn

kinh tế tuần hoàn

Ông Phan Đình Tuấn Anh, Nhà sáng lập Angels 4 Us, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia – VSMA cho biết, trên cơ sở để phân tích những rủi ro hao phí ra trong các hạng mục của mô hình kinh doanh, các doanh nghiệp khởi nghiệp mới có cơ sở đưa triết lý kinh tế tuần hoàn vào mô hình kinh doanh của mình.

“Doanh nghiệp khởi nghiệp cần chi tiết hóa được các công đoạn, tính toán được những hao phí, rủi ro xảy ra cũng như tác động của nó dựa trên thời gian, tiền bạc, nhân lực đến mô hình kinh doanh. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp không tính toán được sự hao phí ở từng công đoạn thì kinh tế tuần hoàn chỉ là trang sức, không giúp gì được cho doanh nghiệp.

Người tiêu dùng không quan tâm việc doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hay kinh tế tuyến tính, hoặc kinh tế 4.0 hoặc 5.0 mà họ chỉ quan tâm đến sản phẩm có giải quyết được nhu cầu của họ hay không mà thôi” - ông Phan Đình Tuấn Anh nhấn mạnh.

Lợi ích mang lại từ kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) áp dụng cho đa ngành nghề, thời trang, du lịch (khách sạn, nhà hàng), nông nghiệp…

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (SD4B) - VCCI cho biết: mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên; tối ưu hóa quan hệ khách hàng, quan hệ chuỗi cung ứng, tăng khả năng hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu; giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm, tạo ra lợi nhuận mới.

“Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn chính là động lực và là cơ hội để sáng tạo, thiết kế, tìm ra cách đi mới. Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong mô hình KTTH để đi tắt, đón đầu xu thế và cũng là cơ hội để các bạn tiếp cận, huy động những nguồn tài chính xanh mà rất nhiều quốc gia, cơ quan, tổ chức cam kết cung cấp”, ông Nguyễn Tiến Huy khẳng định.

Còn ông Phan Đình Tuấn Anh nhấn mạnh rằng, điều quan trọng hơn, KTTH được chọn lựa bởi chính người đứng đầu doanh nghiệp. Nó vẫn phụ thuộc 100% vào tư duy của người làm chủ. Nếu tư duy của lãnh đạo vẫn theo cách giải quyết vấn đề ở chỗ này nhưng “xả rác” ở chỗ khác thì việc áp dụng triết lý KTTH trở nên vô nghĩa.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Ý kiến bạn đọc