Ngày 11/04/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Hiệp Hội đồ uống (VBA) tổ chức Hội thảo Giải pháp bao bì bền vững- Mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn
Hội thảo là cơ hội không chỉ cho các doanh nghiệp trong ngành VBA chia sẻ các sáng kiến, giải pháp, cách thức để tận dụng các cơ hội, phát huy các điểm mạnh và hạn chế các thách thức đang đặt ra mà còn là cơ hội để Viện được trao đổi, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất các hành động, giải pháp trọng tâm trong thực hiện KTTH của Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH – một trong những nhiệm vụ quan trọng Viện được giao và trình Bộ trưởng Bộ TNMT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối năm 2023. Hội thảo do Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung chủ trì thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Ông Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại Hội thảo
Kinh tế tuần hoàn đang được đánh giá là một trong những giải pháp góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, mang lại các lợi ích cả về kinh tế, tạo việc làm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
Nhiều Văn kiện của Trung ương, Chiến lược phát triển được ban hành trong thời gian gần đây liên quan đến định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng, miền tiếp tục đưa ra các định hướng về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với đặc trưng và mục tiêu cụ thể hơn.
Pháp luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (2020) đã đưa ra qui định về kinh tế tuần hoàn (Điều 142); hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Ngoài ra, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả, như: phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tính giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhập khẩu; tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh...
Ông Lại Văn Mạnh - Trưởng Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách
tài nguyên và môi trường trình bày báo cáo tại Hội thảo
Việc sớm công nhận và thể chế hóa khái niệm, quy định về kinh tế tuần hoàn vào trong hệ thống khung khổ chính sách, pháp luật của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học và đã có những tín hiệu ủng hộ, hưởng ứng bằng hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp đối với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này.
Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành đồ uống chứa đựng nhiều tiềm năng cao, cơ hội mới cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp KTTH ngay từ giai đoạn thiết kế, lựa chọn vật liệu, thiết kế các sản phẩm, thiết kế quy trình phân phối, tiêu thụ và thu hồi để đảm bảo hạn chế tối đa sử dụng nguyên liệu, vật liệu thô, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát sinh chất thải và tác động xấu đến môi trường”.
Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh chất thải về bao bì của ngành đồ uống vẫn đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới do mức độ phát sinh chất thải, cách thức thiết kế bao bì, phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. Cùng với đó, pháp luật BVMT đặt ra nhiều quy định mới, bao gồm các quy định có tính chất bắt buộc như đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, thu gom, phân loại, xử lý chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các quy định khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, dịch vụ môi trường, công nghiệp môi trường... để thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng sản xuất, phân phối theo hướng thân thiện hơn với môi trường.
Toàn cảnh hội thảo
Đánh giá về mức độ quan tâm của người tiêu dùng đối với các yếu tố của bao bì sản phẩm trên thang điểm 5, khảo sát của Vietnam Report cho thấy, người tiêu dùng dành sự quan tâm rất lớn tới tính thân thiện với môi trường (4,3/5) bên cạnh những đặc tính cơ bản như: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, in rõ thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ.
Thực tiễn hiện nay đã có rất nhiều các sáng kiến, mô hình sản xuất kinh doanh theo xu hướng bao bì thân thiện môi trường, áp dụng giải pháp của KTTH để thực hiện mục tiêu "giảm sử dụng nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và tác động xấu đến môi trường". Tuy nhiên, có thể thấy phần lớn các sáng kiến đó đang là nỗ lực hoặc sáng kiến đơn lẻ của một vài doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và chưa được quan tâm nhân rộng và phát triển mang tính hệ thống. Chính vì vậy, làm thế nào để nhận diện được các mô hình này, giải pháp nào để khuyến khích, nhân rộng và phát triển là hết sức quan trọng và cần thiết.
Nguồn: Viện Chiến Lược, Chính Sách Tài Nguyên Và Môi Trường
Xem thêm:
1. Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững hướng tới kinh tế tuần hoàn!
2. Ngành nhựa hướng đến các tiêu chuẩn tái chế và phát triển kinh tế tuần hoàn!