Ngành nhựa hướng đến các tiêu chuẩn tái chế và phát triển kinh tế tuần hoàn!

Thứ 5, 18/08/2022, 01:42 GMT+7

Ngày 15/7, tại TPHCM, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) tổ chức họp mặt hội viên trao đổi chủ đề “Những bước chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chuẩn trong ngành tái chế và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa”.

Báo cáo của VPA về hoạt động sản xuất - kinh doanh ngành nhựa 6 tháng đầu năn 2022 cho biết, đến cuối tháng 6/2022, cả nước có trên 3.300 doanh nghiệp nhựa với trên 250.000 lao động; lượng tiêu thụ chất dẻo/ đầu người là khoảng 52kg, so với các nước ASEAN và trên thế giới là ít hơn nhiều. Sản lượng toàn ngành đạt 5,9 triệu tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2021; doanh thu đạt trên 13,1 triệu USD, tăng 14,6 %, tuy nhiên, giá đầu vào và chi phí tăng từ 10% đến 30%.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp Hội Nhựa Việt Nam cho biết, sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội đan xen với thách thức. Như với các doanh nghiệp nhựa, thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản tăng đơn hàng nhập khẩu từ các nhà cung ứng Việt Nam do họ đang khó khăn trong sản xuất ngành nhựa và giá tăng; Dự kiến đến năm 2035 tỷ lệ nhựa trong máy móc (ô tô, xe máy…) nâng lên 35%. Đặc biệt là, đến cuối tháng 8, Hoa Kỳ sẽ xúc tiến mở nhà máy lắp ráp máy bay tại Việt Nam...

Song song đó, ngành nhựa phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc xử lý rác thải nhựa. Do vậy yêu cầu trước tiên là công nghệ ngành nhựa phải đáp ứng tiêu chuẩn và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Về giải pháp, công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa, ông Nguyễn Như Khuê, Tổng giám đốc Công ty công nghệ hóa nhựa Bông Sen chia sẻ, hiện tại công nghệ tái chế nhựa đã tiến lên mức hoàn thiện, cùng lúc có thể tách mực in, phân loại màu, khử mùi, tẩy rửa… cho ra nguyên liệu nhựa trắng, nhựa màu. Cơ hội để các doanh nghiệp nhựa Việt Nam tiếp cận công nghệ là các hội chợ toàn cầu và sắp tới là Hội chợ ngành công nghiệp nhựa và cao su “K – Dusseldorf 2022” diễn ra tại Đức dự kiến tổ chức tháng 11-2022.

Theo VPA, tại châu Âu, doanh nghiệp tái sinh nhựa được hỗ trợ 409 USD/tấn rác thải nhựa. Hiện các doanh nghiệp tái chế nhựa Việt Nam thì phải chi khoảng 700 USD/tấn rác thải nhựa. Để góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này hoạt động, VPA sẽ đẩy nhanh thành lập Trung tâm Thu gom, tái chế rác thải nhựa, thông qua nguồn tài trợ của các tập đoàn đa quốc gia có quan hệ hợp tác với VPA.

Nguồn:thanhuytphochiminh.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc