Cho biển mãi xanh, Lan tỏa lối sống xanh!

Thứ 3, 10/05/2022, 07:06 GMT+7

Lặng lẽ đi dọc bãi biển, nhặt nhạnh từng cọng rác, vỏ chai nhựa, bao nilon... vương lại trên các bãi tắm, cho vào bao tải và đem đến nơi tập kết rác... đã trở thành “việc quen tay” suốt 3 năm qua của vợ chồng anh Ngô Thanh Phú và chị Trần Thị Kim Phúc (ngụ tại 149, căn hộ Melody, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu).

lối sống xanh

Người dân tham gia nhặt rác tại bến Sao Mai.

Hạnh phúc vì những điều nhỏ bé

Anh Ngô Thanh Phú cho chia sẻ: Tôi “bén duyên nhặt rác” từ một nguyên do rất bình thường. 3 năm trước, vợ chồng đi dạo trên bãi biển Vũng Tàu. Thấy ở đây rác dạt về nhiều quá. Nào là chai nhựa, ống hút, bịch nilon trong gềnh đá, trên cát. Tự nhủ lòng mình, nếu cứ để rác thế này thì khách nào đến tắm nữa. Tôi bảo vợ “chúng ta đi nhặt rác coi như thể dục”. Làm không phải để nổi tiếng, mà làm cho biển sạch, để khách du lịch đến Vũng Tàu nhiều hơn...

Vợ chồng anh đã “đầu tư” 20 triệu đồng cho công việc này. Từ mua ủng, giày, bao tay đủ cho 150 người nếu muốn tham gia cùng anh nhặt rác. Sáng nào anh cũng dậy sớm nhặt rác ở biển. Còn cuối tuần là dành cho các hội nhóm nếu muốn tham gia.

Mỗi ngày, anh Phú gom được khoảng 20-30kg rác, có hôm “ham rác” quá anh nhặt lên đến 50kg. Rác chủ yếu là vỏ nhựa, hộp xốp. Còn các hội nhóm theo cùng thì một buổi sáng ít nhất là 12 bao loại 40kg. Hôm nào mọi người theo anh nhặt chỗ sình lầy nhiều anh sẽ trang bị bao tay, ủng đầy đủ. Anh biết bơi từ năm 12 tuổi nên việc bơi ra biển ở khu vực sát bờ cát để nhặt rác cũng là chuyện bình thường. Ngoài ra anh còn dùng Sup chèo ra xa bờ hơn để vớt rác nếu hôm đó lượng rác nhiều.

Anh Phú kể, thời gian đầu khi mới đi nhặt rác ở biển mọi người bảo anh là “bao đồng”, là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, anh chỉ cười: Vì anh nghĩ, nếu không làm thì biết khi nào biển mới sạch. Về sau anh vừa nhặt rác vừa giải thích với mọi người xung quanh về việc bảo vệ môi trường biển.

“Mưa dầm thấm lâu”, từng ngày trôi qua, đã có rất nhiều người từ mọi lứa tuổi dịp cuối tuần rảnh rỗi đều ra biển cùng anh nhặt rác. Và cứ thế họ đều là những “tuyên truyền viên” tích cực và rồi ai cũng ủng hộ, cùng anh làm biển sạch hơn.

“Vợ chồng tôi đã nhặt rác ở đây 3 năm rồi. Không phải ai cũng có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Có người ăn bánh xong ném luôn lá xuống mép biển. Tất nhiên là luôn có đội vệ sinh môi trường của thành phố thu gom rác mỗi ngày, nhưng vẫn không xuể… Rác từ biển ùa vào. Rác từ khách du lịch xả ra nên rất nhiều. Tôi muốn góp một chút công sức cho biển Vũng Tàu xanh, sạch đẹp hơn. Tôi cảm thấy hạnh phúc, tự hào vì những điều nhỏ bé mà chúng tôi làm được”, chị Kim Phúc tâm sự.

Lan tỏa lối sống xanh-+

Theo anh Phú, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng rác nhiều trên biển vẫn là do ý thức của người dân, khách du lịch và ngư dân làm nghề đánh bắt trên biển.

Vì vậy, thông qua việc thu gom rác, anh Phú muốn từ hành động của mình để mọi người thấy và hiểu rằng, chỉ cần mỗi người có ý thức một chút thì rác sẽ được hạn chế, biển sẽ sạch hơn. “Đừng nghĩ rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của ai khác hay của chính quyền, mà chính là ý thức của bản thân mỗi người. Một chiếc chai nhựa, một hộp xốp hay một chiếc ống hút cũng có thể khiến biển xanh phai nhạt màu. Nếu mỗi người cùng chung tay, cùng một hành động thiết thực bảo vệ biển, dù nhỏ thôi, dần dần cũng có thể góp phần tạo ra sự thay đổi lớn”, anh Phú nói.

Cũng suốt 3 năm qua, anh Phú còn tổ chức các tour cùng bạn bè và người thân nhặt rác ở các tỉnh, thành khác. Đặc biệt hơn, anh đã tổ chức trồng rừng (cây trắc lim, gỗ đỏ...) tại Khánh Hòa. Anh Phú cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, tết, cứu trợ người dân ở các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Về địa điểm nhặt rác, anh Phú cho biết thêm tùy vào tình hình thủy triều và lượng rác mà người tham gia. Địa điểm hằng ngày mà vợ chồng anh nhặt là ở bãi Lan Rừng, bãi tắm đối diện

Niết Bàn Tịnh Xá, Bãi Trước, Bãi Sau. Còn cuối tuần tổ chức cho nhóm hội thì Bãi Dâu, bến Sao Mai hoặc dọc biển khu Đồi Nhái đường 3/2, có lúc còn lên núi Hải Đăng... Những ai muốn tham gia chỉ cần chuẩn bị sự nhiệt huyết với biển là đủ. Còn “đồ nghề” nhặt rác sẽ có anh “tài trợ”.

Chị Nguyễn Hoa Mai, chủ quán nước tại Bãi Trước cho biết: “Tôi đã chứng kiến vợ chồng anh Phú nhặt rác từ nhiều năm nay. Tôi thấy rất khâm phục và ngưỡng mộ. Tôi cũng học anh, sáng sớm đi chân trần trên cát biển nhặt rác thải như thay tập thể dục, vừa khỏe người, lại có ích”.

Vẫn biết rằng sẽ có những ngày thấm đẫm nhọc nhằn nhưng dường như chưa bao giờ niềm đam mê cứu môi trường biển trong tận sâu tâm thức của vợ chồng anh Phú chị Phúc nhạt nhòa.

Và tại bờ biển đó, hình bóng của vợ chồng anh vẫn cặm cụi, miệt mài với việc làm “không công” – nhặt rác, nhưng lại tỏa thông điệp rất ý nghĩa đến mọi người rằng “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của bạn”.

Xem thêm 

Những "MẢNH GHÉP MÀU XANH"!

Xi măng Bình Phước đốt rác thải làm chất đốt tiết kiệm chi phí sản xuất! 

Đồng xử lý chúng ta cần biết thêm điều gì về nó?

Đồng xử lý chất thải?

Giải cứu pin cũ!

Trao đổi quần áo cũ, làm mới tủ quần áo của bạn và sửa chữa quần áo để kéo dài tuổi thọ của chúng! 

Nguồn: Tainguyenvamoitruong.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc