Một viên pin nhỏ đã qua sử dụng nếu không được xử lý đúng quy trình có thể gây ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 mét khối đất trong 50 năm… Hiểu được hậu quả này, một nhóm bạn trẻ bắt đầu chia sẻ kiến thức “sống xanh” bền vững cùng dự án “Giải cứu pin cũ”, với bản đồ các trạm thu gom pin cũ trải khắp TP. Hồ Chí Minh.
Green Puzzle được thành lập tháng 12 năm 2021, với dự án đầu tiên - Giải cứu pin cũ. Có hơn 16 trạm thu gom pin cũ trải khắp TPHCM cùng “thông điệp xanh”: “Pin cũ nếu bị thải ra theo rác thải sinh hoạt sẽ gây ô nhiễm đất, nước và không khí nghiêm trọng. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi thói quen vứt pin cũ vào thùng rác. Thay vào đó, hãy đem pin đến các điểm thu gom của dự án Green Puzzle để pin được “giải cứu” và được xử lý theo đúng quy trình xử lý chất thải nguy hại, bạn nhé!”.
Công việc của kỹ thuật viên phần mềm đòi hỏi sử dụng khá nhiều thiết bị điện tử dùng pin, khi tìm được trạm thu gom pin cũ thuộc Green Puzzle trên đường Võ Văn Tần (quận 3), Phạm Phan Khánh Trình (28 tuổi, ngụ quận 4) chia sẻ: “Các điểm thu gom mà tôi biết hầu hết đã ngừng gom pin cũ. Tôi chưa biết tính sao, may sao tìm được địa chỉ này để gửi cho họ xử lý”.
Thu gom pin đã qua sử dụng tại văn phòng làm việc và mang đến trạm của Green Puzzle trên đường Nguyễn Thị Diệu (quận 3), Bùi Thanh Phương (24 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết: “Số pin này nằm ở văn phòng làm việc của tôi từ cuối năm rồi, vì điểm thu trước không còn nhận nữa. Tìm được địa chỉ này vừa hay vừa tiện vì gần công ty tôi làm việc. Mình không làm được gì nhiều để bảo vệ môi trường thì cố gắng thay đổi những thói quen nhỏ, thu gom pin cũ và mang đến nơi xử lý đúng cách, không thể cứ tiện tay mà vứt vào sọt rác được”.
Green Puzzle là dự án được lập ra bởi nhóm sinh viên thuộc Quỹ học bổng VietSeeds, với mục đích nâng cao nhận thức về tác hại của pin và xây dựng thói quen xử lý pin đã qua sử dụng.
Lê Thị Thùy Dương (sinh viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, ngụ quận 7), trưởng dự án Green Puzzle, chia sẻ: “Nguồn cảm hứng để ra đời dự án chính là tinh thần “Pay It Forward” (tạm dịch: Đền ơn tiếp nối) của Quỹ học bổng VietSeeds, bởi hầu hết thành viên nhóm em đều là thành viên của VietSeeds. Chúng em mong muốn làm được điều gì đó có ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng”.
Trạm thu gom pin cũ tại một quán cà phê trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh)
Hệ thống trạm thu hồi pin bao gồm các trạm trải dài trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, được đặt ở các tổ chức, doanh nghiệp, câu lạc bộ môi trường tại các trường đại học trên địa bàn thành phố. Bất kỳ ai có pin cũ đều có thể đem pin đến bỏ vào thùng thu hồi pin tại các trạm này. Green Puzzle sẽ thu gom pin từ các trạm và bàn giao cho đối tác là Công ty Môi trường Á Châu để pin được tiêu hủy theo đúng quy trình tiêu hủy chất thải nguy hại.
Ảnh: Pin cũ đã qua sử dụng
Công việc thu gom pin cũ không quá khó khăn trong những dự án vì môi trường. Có khá nhiều dự án môi trường cũng tổ chức thu gom pin và đem về tổ chức Việt Nam Tái Chế, tuy nhiên cuối năm 2021 tổ chức này ngưng nhận xử lý pin cũ, các dự án môi trường theo đó cũng ngưng thu gom pin.
“Thông tin về các điểm thu gom pin cũ mà các bạn đọc được khi tìm kiếm trên Google đa phần đều đã cũ, thực ra họ không còn thu gom nữa. Nhưng may mắn sau một thời gian, tụi em đã tìm được đối tác là Công ty Môi trường Á Châu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải khá lâu và rất sẵn lòng hỗ trợ tụi em”, Thùy Dương cho biết.
Kinh phí để 12 thành viên của Green Puzzle duy trì các hoạt động đến từ Quỹ học bổng VietSeeds và vận động từ các mối quan hệ bạn bè bên ngoài.
Nói về tâm huyết trong dự án vì môi trường, cô bạn gen Z - Thùy Dương, bày tỏ: “Ban đầu em nghĩ, tại sao mình phải làm việc này, nó có lợi ích gì cho mình không? Lợi ích của việc bảo vệ môi trường nghe qua có vẻ mơ hồ quá, vĩ mô quá, không đủ để thúc đẩy mọi người hành động. Em nghĩ, người trẻ hiện đại là người nên tiên phong làm những việc như thế này. Gen Z là thế hệ định hình tương lai và em hy vọng Green Puzzle góp phần định hình một tương lai thật xanh, một thế hệ xanh với những con người không chỉ có trí tuệ mà còn có trái tim ấm, sẵn sàng hành động vì môi trường và xem đó như là một hành động cơ bản của một công dân văn minh”.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT