Đề xuất 6 hình thức hạn chế khai thác nước ngầm

Thứ 4, 24/10/2018, 08:45 GMT+7

nuoc_ngam

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Trong đó, Bộ đề xuất 6 hình thức hạn chế khai thác nước dưới đất.

Tin liên quan: 

Hưng Yên: Thu gần 950 triệu từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất

Hướng dẫn Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất

6 hình thức gồm: 1. Không xây dựng thêm mới công trình khai thác nước dưới đất; 2. Không cấp phép, yêu cầu dừng khai thác, trám lấp các giếng khai thác của công trình thuộc trường hợp phải có giấy phép hoặc phải đăng ký nhưng chưa có giấy phép, chưa đăng ký theo quy định; 3. Điều chỉnh thời gian, chế độ khai thác của công trình khai thác nước dưới đất đã có giấy phép; 4. Điều chỉnh giảm lưu lượng hoặc số lượng giếng của công trình khai thác nước dưới đất đã có giấy phép; 5. Điều chỉnh chiều sâu, tầng chứa nước khai thác của công trình khai thác nước dưới đất đã có giấy phép; 6. Không gia hạn giấy phép đối với công trình đã có giấy phép.

Theo dự thảo, căn cứ Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trên địa bàn tỉnh và các hình thức, biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường lập phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất phải được xây dựng cụ thể cho từng vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó phải thể hiện được các nội dung chủ yếu sau đây: Thời gian, kế hoạch, thứ tự, lộ trình thực hiện từng hình thức, biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; danh sách các công trình khai thác và thời gian phải thực hiện hình thức, biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất.

Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án được đề xuất như sau: Sở Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến của từng chủ giấy phép khai thác nước dưới đất nằm trong vùng hạn chế khai thác để có ý kiến về phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Trong thời hạn 30 ngày làm việc các chủ giấy phép phải có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, tiếp thu, hoàn chỉnh phương án để gửi lấy ý kiến bằng văn bản của các Sở: Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các Sở, ngành có liên quan. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, hoàn chỉnh phương án, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Trước khi phê duyệt phương án phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện phương án như sau: Thông báo đến các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước dưới đất nằm trong vùng hạn chế thuộc đối tượng phải thực hiện các hình thức, biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất để thực hiện theo phương án đã được phê duyệt; gửi phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất đến Cục Quản lý tài nguyên nước để phối hợp triển khai thực hiện; tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo phương án đã được phê duyệt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ năm 2008 đến nay mới chỉ có số ít địa phương đã ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Lạng Sơn, Hưng Yên… còn lại đa phần các địa phương chưa ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Ngoài ra, do chưa có những quy định cụ thể về việc áp dụng từng biện pháp hạn chế khai thác phù hợp cho từng vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được khoanh định, nên nhiều địa phương (Đồng Nai, Long An) đã khoanh định và quy định các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất chưa phù hợp để yêu cầu dừng khai thác, trám lấp các giếng hiện đang khai thác của các tổ chức, cá nhân; hạn chế quyền khai thác tài nguyên nước hợp pháp để bảo hộ độc quyền của các Công ty cấp nước.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn: Tuệ Văn/Báo điện tử Chính phủ

Ý kiến bạn đọc