Xử lý rác thải nông nghiệp bền vững góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Thứ 6, 07/04/2023, 09:46 GMT+7

Hội Nông dân tỉnh Gia Lai và Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Hội thảo khởi động và kết nối Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế"

Dự án do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng và triển khai thực hiện trong 04 năm (từ 2021 - 2024), tại 15 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Gia Lai, Khánh Hòa, Bến Tre, Tiền Giang.

Mục tiêu nhằm góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững nhằm giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ nông dân và tổ chức của họ tại vùng nông thôn Việt Nam; giảm phát thải khí nhà kính nói chung bằng cách hạn chế phát thải từ 4 cấp độ của chất thải. Đồng thời, dự án giáo dục, vận động nông dân áp dụng các phương pháp chuyển đổi chất thải để nâng cao năng suất, thu nhập của nông dân và giảm phát thải khí nhà kính; chuyển đổi chất thải thực phẩm ở thành thị thành nguồn thực phẩm lành mạnh và chất thải trong trang trại thành thức ăn chăn nuôi và giảm ô nhiễm môi trường; giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trong các trang trại; tăng sức khỏe và năng suất của đất; giảm khói bếp khí hóa sinh khối, tiết kiệm chi phí mua gas cho bếp gas.

Đối tượng mục tiêu của dự án là những nông dân sản xuất nhỏ, các trang trại chăn nuôi, các căn tin, nhà hàng và những người thu gom thức ăn thừa (thành viên các tổ,nhóm nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ).

Hội thảo khởi động dự án xử lý rác thải tại tỉnh Gia Lai

Hội thảo khởi động dự án tại tỉnh Gia Lai

Tại Gia Lai, Hội Nông dân tỉnh đã thông qua nội dung nhiệm vụ của Dự án. Theo đó, Dự án triển khai từ ngày 1-7-2022 đến ngày 31-12-2024 với tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng.

Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát, lựa chọn áp dụng tại xã Ia Ake, Ia Peng và thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện); các xã: Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Hòa Phú (huyện Chư Păh); các phường: Sông Bờ, Đoàn Kết, Hòa Bình (thị xã Ayun Pa). Đối tượng thực hiện gồm: người nông dân sản xuất nhỏ; các trang trại, gia trại chăn nuôi; người thu gom thức ăn thừa, các nhà hàng… Dự án được triển khai với các hoạt động: thúc đẩy các tổ/nhóm nông dân tham gia dự án; tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật xử lý rác thải; tham quan chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức các sự kiện truyền thông, tuyên truyền; hỗ trợ xây dựng mô hình về xử lý rác thải hữu cơ. Để triển khai có hiệu quả, dự án đã đào tạo 33 giảng viên nguồn là cán bộ Hội các cấp và hội viên có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường. Các giảng viên nguồn trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn, truyền đạt các kiến thức, phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường.

Tại tỉnh Tiền Giang, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện khảo sát tại huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo. Qua khảo sát, có 62 hộ nông dân sản xuất nhỏ, 10 trang trại chăn nuôi, 10 nhà hàng và 58 người thu gom rác thải tại 09 xã, thuộc 03 huyện nhằm tìm hiểu và thu thập thông tin về hành vi xử lý rác thải hiện tại và các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định lựa chọn phương pháp xử lý rác thải của từng nhóm đối tượng trên địa bàn.

 

Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường

Xem thêm: 

1. Tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường!

2. Lào Cai: Tập trung thực hiện công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Ý kiến bạn đọc