Lào Cai: Tập trung thực hiện công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Thứ 2, 03/04/2023, 08:26 GMT+7

Trong năm 2022, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực đô thị tỉnh Lào Cai duy trì ở mức cao, đạt trên 95% và tại khu vực nông thôn là 80%. Tuy nhiên công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn một số tồn tại, hạn chế về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, việc thu gom, phân loại… Để đáp ứng mục tiêu, lộ trình do Thủ tướng chính phủ quy định và các yêu cầu Luật Bảo vệ môi trường 2020; Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản số 1296/UBND-TNMT ngày 28/3/2023 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt khắc phục các tồn tại về bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 11/NQ-TT.HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn; bố trí quỹ đất cho các điểm tập kết rác; nghiên cứu đầu tư hoặc thu hút các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt, sử dụng các công nghệ hiện đại, hạn chế việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp đáp ứng mục tiêu, lộ trình về quản lý chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Rà soát, nghiên cứu đề xuất đầu tư lò đốt rác để xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các điểm, cụm xã. Việc đầu tư lò đốt rác phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định khác có liên quan. Rà soát, đánh giá đúng thực trạng hiệu quả công tác đầu tư, quản lý, quy trình vận hành đối với những bãi chôn lấp rác, lò đốt rác tập trung tại địa phương để kịp thời xử lý những vướng mắc, bất cập. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quản lý chất thải rắn, chất thải rắn xây dựng trên địa bàn.

Tăng cường công tác tuyền truyền, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng cao để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, xây dựng kế hoạch và lộ trình từ hạn chế đến chấm dứt tình trạng xả rác bừa bãi, chăn nuôi nhỏ lẻ không hợp vệ sinh trên địa bàn.

Thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Nâng cao nhận thức của người dân để từ hạn chế đến chấm dứt tình trạng xả rác bừa bãi

Tiếp tục triển khai thực hiện công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại tất cả các khu vực trung tâm xã, các điểm dân cư tập trung theo quy định Luật bảo vệ môi trường 2020.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động xả thải, vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trong công tác thu tiền dịch vụ từ các tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ số phải thu theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu đề xuất, tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền các quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các tổ chức, cá nhân có liên quan, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường nói chung cũng như các vi phạm về thu gom, phân loại, xử lý rác thải.

3. Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường để đầu tư, nâng cấp cải tạo các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh. Trước mắt đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí đầu tư bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh: Huyện Bắc Hà, thị xã Sa Pa.

4. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, trong đó quan tâm ưu tiên bố trí quỹ đất cho các huyện, thị xã, thành phố quy hoạch các bãi xử lý chất thải, ga rác. Việc điều chỉnh Quy hoạch cần phải tính đến nguồn lực, mang tính lâu dài, phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; các đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thay thế Quyết định số 51/2018/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường trong các hoạt động quản lý, kinh doanh và sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, chôn lấp, tiêu hủy động vật.

Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Lào Cai

 

Xem thêm: 

1. Thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và tái chế rác thải tại Việt Nam

2. Quảng Ninh: Các mô hình bảo vệ môi trường - phân loại rác thải tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực!

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc