Xây dựng văn bản pháp luật về TN&MT: Quyết liệt triển khai

Thứ 3, 08/05/2018, 01:19 GMT+7
Ảnh minh họa

Những năm qua, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Bộ TN&MT. Chính vì vậy, các kế hoạch, chương trình xây dựng VBQPPL năm 2018 thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ luôn được triển khai tích cực từ những tháng đầu năm.

Thông tin từ Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, Chương trình xây dựng VBQPPL năm 2018 của Bộ đã được ban hành, năm 2018, Bộ phải xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 44 văn bản gồm: 3 luật, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 11 Nghị định, 28 Thông tư.

Theo đó, trong quý I/2018, số lượng văn bản phải trình là 2 văn bản Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định về sửa đổi và bổ sung Danh mục các loài nguy cấp, quý hiểm ưu tiên bảo vệ phải trình Chính phủ. 

Bên cạnh đó, trong quý I/2018, các đơn vị trực thuộc Bộ đang thực hiện xây dựng một số dự án luật như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các luật có liên quan đến bảo vệ môi trường; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của các Luật: Đất đai, Bảo vệ môi trường, Khoáng sản, Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn, Đa dạng sinh học và Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Ngoài ra, Bộ đã tích cực phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Cũng trong quý I/2018, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tham gia góp ý vào các dự án Luật lớn và quan trọng theo đề nghị của các Bộ, ngành khác như: Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; Luật Dân số; Luật Đặc xá; Luật sửa các Luật liên quan đến quy hoạch (do Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT soạn thảo); Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân; Luật Đầu tư công; cũng như một số các dự thảo Nghị định quan trọng, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực TN&MT như: Nghị định quy định chi tiết Luật Lâm nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Thủy sản…

Trong quý II/2018,  Bộ TN&MT đang tập trung xây dựng 3 dự án Luật thuộc chương trình năm 2018 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan, Luật sửa đổi bổ sung các Luật về quy hoạch); triển khai lấy ý kiến các bên có liên quan và tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến Bộ, ngành, địa phương và hoàn thiện các dự án Luật, chuẩn bị sẵn sàng cho việc trình Chính phủ trong quý III/2018. Tập trung phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội chỉnh lý dự án Luật Đo đạc và bản đồ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến tháng 5/2018).

Về các văn bản trình Chính phủ, Bộ trưởng trong quý II/2018, theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018, có 5 văn bản phải trình Chính phủ và Bộ trưởng xem xét ban hành, trong đó, có 3 Nghị định và 2 Thông tư phải trình trong tháng 6/2018. Tuy vậy, mới có 2 văn bản đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ và lấy ý kiến các đơn vị có liên quan; còn 3 văn bản chưa đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử (theo quy định thời gian đăng tải là 60 ngày).

Vụ Pháp chế đề nghị, các đơn vị tập trung và quyết liệt trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm hoàn thành 100% chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, quyết tâm không để tình trạng chậm tiến độ, xin lùi, xin rút khỏi chương trình.
Đối với văn bản quy phạm pháp luật phải trình trong quý II/2018, đề nghị các đơn vị khẩn trương đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ, tập trung tham vấn, lấy ý kiến Bộ, ngành, địa phương và hoàn thiện trình Chính phủ, Bộ trưởng đúng thời hạn.

Đồng thời, đề nghị các đơn vị sớm rà soát và đề xuất điều chỉnh chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018; dự kiến Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 5 năm (2019 - 2023) và năm 2019 theo chỉ đạo của Bộ trưởng, gửi về Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, ban hành và bố trí kinh phí thực hiện.

Việc rà soát, điều chỉnh, đề xuất xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật phải thực sự cần thiết và cấp bách, ưu tiên giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ và đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phải bảo đảm tính khả thi trên thực tế, tránh tình trạng chậm hoặc không ban hành được.
Tuyết Nhi
baotainguyenmoitruong.vn
Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc