Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Phó Thủ tưóng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (giai đoạn từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013) và miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (giai đoạn từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/8/2017) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, giữ ổn định đời sống nhân dân và nền kinh tế.
Sự cần thiết ban hành Nghị quyết
Đối với miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, do quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là chính sách mới theo Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 nên đến ngày 28/11/2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/01/2014.
Ngay sau khi ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn các địa phương và tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã thu cho ngân sách (từ khi Nghị định 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực đến ngày 31/12/2017) đạt gần 15.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 43.000 tỷ đồng đã phê duyệt đối với Giấy phép đã cấp của Trung ương và các địa phương.
Trong đó, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013 là hơn 2.800 tỷ đồng đồng đối với hơn 3.000 Giấy phép khai thác khoáng sản trên toàn quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương chưa thu tiền cấp quyền này vì đối với khoản thu này, nếu thực hiện hồi tố, truy thu thì sẽ rất khó khăn và không đảm bảo tính khả thi vì thực tế là các doanh nghiệp có khai thác khoáng sản đã quyết toán chi phí năm, công bố lỗ, lãi, nộp các khoản thuế.
Như vậy, việc bổ sung nội dung miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là giải pháp để góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào khai thác khoáng sản; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản trong sản xuất công nghiệp, từ đó giúp người lao động cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.
Đối với việc miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một trong những quy định hoàn toàn mới của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Đây là một chính sách lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và cũng mới chỉ áp dụng đối với một số hoạt động khai thác nước có lợi thế như: Thủy điện, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chưa thu tiền với hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân (hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng nhiều nước nhất, khoảng 70%).
Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có có hiệu lực thi hành từ 01/9/2017. Ngân sách nhà nước thu đạt trên 10.000 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sau hơn một năm thực hiện Nghị định.
Tuy nhiên, nếu thực hiện hồi tố, truy thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ thời điểm Nghị định có hiệu lực trở về trước, đến ngày Luật có hiệu (01/01/2013) thì sẽ rất khó khăn và không bảo đảm tính khả thi vì thực tế là các doanh nghiệp có khai thác nước đã quyết toán chi phí năm, công bố lỗ, lãi, nộp các khoản thuế.
Vì vậy, để thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ báo cáo và đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép miễn việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/8/2017 trong nội dung của 01 Nghị quyết cùng với đề nghị miễn việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013 (thời điểm miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013 do khoản thu tiền từ ngày 01/01/2014 đến ngày 20/01/2014 đã được Bộ và các địa phương triển khai thu).
Nghị quyết được ban hành sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như giữ ổn định đời sống nhân dân và nền kinh tế
Nghị quyết của Quốc hội nhằm mục đích khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp khai khoáng, phát triển kinh tế cụm công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản tập trung, đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; các dự án khai thác, chế biến quặng nghèo, công nghệ chế biến phức tạp, sử dụng triệt để và tiết kiệm khoáng sản; bảo đảm hài hòa lợi ích thu được từ khai thác và chế biến khoáng sản giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến; đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong chế biến, sử dụng khoáng sản thì cần thiết phải mở rộng diện được miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Đồng thời, nhằm không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và nền kinh tế vì tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước là tiền gián thu nên toàn bộ tổ chức, cá nhân sinh sống và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có khai thác khoáng sản, sử dụng nước cho các mục đích phải nộp tiền sẽ là đối tượng phải chi trả tiền cấp quyền khai thác.
Nghị quyết cũng mang lại nhiều lợi ích như: Cơ quan nhà nước sẽ không phải bỏ chi phí để thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ tính tiền và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước; không gây khó khăn cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc xử lý các nghĩa vụ thuế…
Việc không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước sẽ giúp cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh vì doanh nghiệp đã hạch toán lỗ lãi và tính giá thành sản phẩm. Đồng thời, người dân không phải chi trả những chi phí tăng thêm do giá nguyên liệu từ các sản phẩm được chế biến từ khoáng sản được khai thác hoặc những chi phí tăng thêm do giá điện tăng và các sản phẩm khác. Việc thực hiện phương án này sẽ giúp ổn định xã hội vì không bị tăng giá thành sản phẩm nên có tác động tốt tới nền kinh tế.