Các nghiên cứu dùng cát biển làm vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng từ bùn thải không chỉ góp phần bổ sung cho nguồn vật liệu xây dựng đang thiếu hụt, mà còn là giải pháp “xanh” cho môi trường. Nguồn vật liệu mới thân thiện với môi trường, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Việc dùng cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ bổ sung cho nguồn cát sông đang bị thiếu hụt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là chủ đề chính của Hội thảo do Trường Đại học Giao thông Vận tải phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) mới đây.
Ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, giai đoạn 2022 – 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đồng loạt triển khai 4 dự án đường cao tốc với nhu cầu sử dụng khoảng 36 triệu m3 cát đắp nền. Nếu sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay thì trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… sẽ không đáp ứng được yêu cầu.Trong các giải pháp khả thi tìm kiếm vật liệu thay thế cát sông, khả thi nhất là phương án nghiên cứu sử dụng cát biển hoặc cát nhiễm mặn thi công nền đường. Tuy nhiên, cần hoàn thiện kỹ thuật, thí điểm ngoài thực tế với công trình giao thông.
Tại Hội thảo các chuyên gia còn trao đổi về việc đắp được hay không đắp được nền đường ô tô bằng cát nhiễm mặn, làm thế nào để cát biển trở thành vật liệu xây dựng ở Việt Nam, các vấn đề phát sinh khi đắp nền bằng cát nhiễm mặn, giải pháp áp dụng và cho rằng cần thiết triển khai nghiên cứu thi công thử nghiệm....
Thay mặt nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Giao thông Vận tải, Công ty cổ phần Phát triển ADF Việt Nam và Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo TS. Nguyễn Ngọc Lân trình bày báo cáo "Cát nhiễm mặn sử dụng làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam". Báo cáo do trình bày đã tập trung tổng quan về nguồn cát biển nhiễm mặn tại nước ta, các đặc trưng và tính chất cơ bản của cát nhiễm mặn và một số ứng dụng đã và đang thực hiện tại Việt Nam.
Cùng quan điểm, báo cáo "Định hướng giải pháp đắp nền đường ô tô cao tốc bằng cát nhiễm mặn trên nền đất yếu ở đồng bằng sông Cửu Long" do PGS. TS Nguyễn Đức Mạnh trình bày đã làm rõ việc sử dụng cát nhiễm mặn đắp nền đường ô tô hiện nay ở Việt Nam; cát nhiễm mặn ở khu vực phía Nam Việt Nam và đề xuất giải pháp sử dụng cát nhiễm mặn đắp nền đường ô tô ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Bùn thải lắng ở đáy sông Tô Lịch, hồ Tây... có thể dùng để sản xuất xi măng. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Cùng mục tiêu tìm nguồn nguyên vật liệu thay thế, việc sử dụng bùn thải tại các sông Tô Lịch, Kim Ngưu hay Hồ Tây, Yên Sở... làm nhiên, nguyên liệu sản xuất ximăng được giới chuyên gia nhận định là giải pháp "xanh," sẽ góp phần làm sạch môi trường.
Nói về ý tưởng trên, ông Phạm Văn Nhận, thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty Ximăng Việt Nam (VICEM) cho biết tiềm năng xử lý chất thải trong ngành xi măng rất lớn, bởi giải pháp này có thể xử lý triệt để các loại chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại với khối lượng lớn, do tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao sẵn có trong dây chuyền sản xuất, không đòi hỏi cao về phân loại rác.
Đặc biệt, quá trình xử lý chất thải trong ngành xi măng cũng góp phần cho tỷ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp và hệ thống giám sát khí thải liên tục 24/7; nhờ đó không cần các bãi chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Theo đại diện VICEM, từ cuối năm 2019, tổng công ty này đã thử nghiệm và thành công chương trình xử lý rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker, ximăng đồng thời tăng sử dụng tro xỉ và thạch cao nhân tạo…
Sau một thời gian thử nghiệm, đến năm 2020, VICEM đã xử lý bùn thải tại 5 dây chuyền thuộc 4 đơn vị sản xuất, bao gồm: Nhà máy ximăng Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long và Hà Tiên với tổng khối lượng bùn thải lên tới 15.000 tấn.
Ảnh: Bùn thải được sử dụng làm xi măng - nguồn ximang.vn
Tiếp đó, năm 2021, VICEM đã nâng khối lượng xử lý bùn thải lên 70.000 tấn, giúp thay thế 3-5% khối lượng nguyên liệu sét trong nguyên liệu sản xuất ximăng.
Trước những kết quả khả quan của công nghệ đưa chất thải vào làm nhiên, nguyên liệu sản xuất ximăng, từ cuối năm 2021, VICEM Bút Sơn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại. Sau gần 5 tháng vận hành thử nghiệm, đơn vị đã xử lý thành công hơn 4.172 tấn chất thải nguy hại. Trong năm 2022, kế hoạch của VICEM là sẽ xử lý 86.000 tấn bùn thải.
Kết quả thử nghiệm trên đã phần nào cho thấy để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong sản xuất ximăng thì một trong những giải pháp hữu hiệu, quan trọng nhất là thay thế nguồn nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu từ rác/chất thải.
Xi măng Bình Phước đốt rác thải làm chất đốt tiết kiệm chi phí sản xuất!
Đồng xử lý chúng ta cần biết thêm điều gì về nó?
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT