Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan tập huấn các quy định về thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp cho các đối tượng nộp phí. UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động thường xuyên, sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về kê khai, nộp phí BVMT theo đúng quy định với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp cho từng đối tượng.
Về trách nhiệm thu phí, Sở TN&MT thực hiện thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp của cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày (24 giờ) trở lên. Phòng TN&MT quận, huyện, TP.Thủ Đức thực hiện thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn quản lý của cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ).
TP.HCM đảm bảo thu đúng, thu đủ, công khai, minh bạch trong thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp
Đơn vị cung cấp nước sạch thực hiện thu hộ phí BVMT đối với nước thải công nghiệp của cơ sở có mức phí bằng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thông qua hóa đơn tiền nước đối với các cơ sở sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Để tránh việc trùng thu, Sở TN&MT phối hợp cùng Phòng TN&MT quận, huyện, TP. Thủ Đức thống kê các cơ sở do cơ quan mình thu phí chuyển đơn vị cung cấp nước sạch để không thực hiện thu phí trên hóa đơn tiền nước. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có thay đổi số lượng cơ sở khác với danh sách thống kê lần đầu thì các cơ quan được giao nhiệm vụ thu phí có văn bản thông báo cho đơn vị cung cấp nước sạch để phối hợp đảm bảo thu đúng, thu đủ, tránh trùng thu
UBND TP.HCM yêu cầu việc thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc thu đúng, thu đủ, công khai, minh bạch và kịp thời. Các trường hợp vi phạm về kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Đồng thời, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước đã qua xử lý, hạn chế xả thải và hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường, tạo sự công bằng, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ nộp phí của các cơ sở xả thải.
Trước đó, việc thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM được thực hiện theo Nghị quyết 02/2018 của HĐND TP.HCM. Theo đó, mỗi năm, TP.HCM thu được khoảng trên 40 tỷ đồng; toàn thành phố có 17 khu công nghiệp và 3.035 cơ sở ngoài khu công nghiệp phải đóng phí BVMT đối với nước thải.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT