Tổng cục Hải quan vừa có chỉ đạo cơ quan hải quan các địa phương các biện pháp nhằm ngăn chặn phế liệu, phế thải bẩn nhập vào Việt Nam đồng thời kiến nghị sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan xử lý vấn đề này.
Đồng loạt rà soát xử lý kịp thời tại các địa phương
Cơ quan này khẳng định, ngay sau khi nhận được thông tin về việc Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu và thấy phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh, Tổng cục Hải quan đã ban hành và chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch ngăn chặn phế liệu, phế thải không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường vào Việt Nam.
Trong đó, các đơn vị rà soát, đánh giá, phân loại các doanh nghiệp, lô hàng phế liệu có dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro trên địa bàn toàn quốc để tiến hành các biện pháp kiểm tra, điều tra, xác minh và xử lý kịp thời. Đồng thời, đối với phế liệu là hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao gây ô nhiễm môi trường, 100% các lô hàng đều phải kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu, không cho phép đưa vào trong nội địa để kiểm tra. Trường hợp phát hiện không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường thì phải tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Các đơn vị xây dựng cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố để thu thập thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, tình trạng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu; chủ động, kịp thời đề ra các biện pháp ngăn chặn, phát hiện việc doanh nghiệp làm giả giấy phép, hoặc nhập khẩu rác thải, phế liệu không đủ điều kiện gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo điều tra, xác minh hoạt động nhập khẩu phế liệu của một số công ty và qua kết quả điều tra đã phát hiện phương thức, thủ đoạn của doanh nghiệp như sử dụng giấy phép, văn bản thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan giả. Hiện cơ quan hải quan đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố theo quy định.
Về biện pháp xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu, Tổng cục Hải quan cho biết Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, đồng thời cần có sự khẩn trương vào cuộc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải có biện pháp nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường và tháo gỡ tình trạng ùn tắc tại cảng biển.
Để khẩn trương xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển, tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ùn ứ tại cảng biển, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện xử lý cụ thể từng loại hàng.
Đối với hàng hóa tồn từ 30-90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu chưa làm thủ tục hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đề nghị doanh nghiệp kinh doanh cảng thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu đứng tên trên vận đơn sớm làm thủ tục nhập khẩu hoặc tái xuất lô hàng (nếu không đủ điều kiện nhập khẩu).
Còn đối với hàng hóa nhập khẩu là phế liệu tồn trên 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu chưa làm thủ tục hải quan, căn cứ quy định Điểm b Khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan năm 2014 và Điểm c kKoản 2 Điều 14 Thông tư 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có văn bản thông báo và yêu cầu chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh cảng có trách nhiệm bố trí khu vực riêng lưu giữ hàng hóa là phế liệu tồn tại cảng, có biện pháp đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và doanh nghiệp kinh doanh cảng phối hợp với hãng tàu thực hiện vận chuyển hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Chế tài quá nhẹ
Tổng cục Hải quan cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý để giải quyết vấn đề.
Cụ thể, tại Điểm b Khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan năm 2014 quy định: “Đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.”
Còn tại Điểm c Khoản 2 Điều 14 của Thông tư 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “Riêng đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.
Dù hiện nay đã có quy định trách nhiệm chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải thực hiện vận chuyển hàng hóa tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nhưng chưa có quy định về chế tài xử phạt khi không thực hiện trách nhiệm nêu trên.
Tổng cục Hải quan hiện đang chuẩn bị trình Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về chế tài xử phạt đối với trường hợp chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền khi không thực hiện vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 58 Luật Hải quan năm 2014. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, trình Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ về việc hạn chế nhập khẩu mặt hàng phế liệu, tiến tới là cấm nhập khẩu phế liệu.
Tổng cục Hải quan cho rằng cần kịp thời đề ra các biện pháp ngăn chặn, phát hiện việc doanh nghiệp làm giả giấy phép, hoặc nhập khẩu rác thải, phế liệu không đủ điều kiện gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo điều tra, xác minh hoạt động nhập khẩu phế liệu của một số công ty.
Được biết, hiện nay, qua kết quả điều tra đã phát hiện phương thức của doanh nghiệp như: Sử dụng giấy phép, văn bản thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan giả và hiện cơ quan hải quan đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố theo quy định.
Theo số liệu thống kê sơ bộ hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại một số các cảng biển lớn của Việt Nam tại cảng Hải Phòng là 1.244 container, cảng Cát Lái 3.631 container; cảng Cái Mép 772 container và cảng Hiệp Phước 8 container.
>>Xem thêm: Tổng cục Hải quan chỉ đạo ngăn chặn phế liệu, phế thải bẩn nhập vào Việt Nam