Toàn văn Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016 - 2020

Thứ 2, 15/11/2021, 11:54 GMT+7

Bộ TN&MT công bố Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020 tới các Bộ ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan.

 

 

 

Việc xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, thiết thực và được phối hợp, đầu tư nguồn lực của nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học; thực hiện Khoản 1, Điều 137 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. .

Ngày 11/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số 6877/BTNMT-TCMT về việc Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020.

Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020 đánh giá khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm vừa qua; đồng thời, tập trung phân tích hiện trạng chất lượng các thành phần môi trường nước, không khí và môi trường đất; công tác bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn,... trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh khắc nghiệt cả ở trong nước và quốc tế. Báo cáo cũng đã xác định những vấn đề tồn tại, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020; nhận diện các thách thức trong công tác quản lý và đề xuất các nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

Báo cáo được xây dựng dựa trên mô hình Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng (D-P-S-I-R).

  1. Động lực là các hoạt động phát triển KT-XH, sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa, sự chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế tại đô thị và nông thôn, sự thay đổi các hình thái cung cấp dịch vụ, thương mại…, các động lực này cùng sự BĐKH, thiên tai và sự cố môi trường tạo ra Áp lực làm thay đổi chất lượng môi trường.
  2. Hiện trạng được đánh giá gồm diễn biến chất lượng các thành phần môi trường: không khí, nước (nước mặt lục địa, nước dưới đất, nước biển và hải đảo), đất; hiện trạng phát sinh, xử lý chất thải rắn (CTR) và chất thải nguy hại (CTNH); ĐDSH.
  3. Chất lượng các thành phần môi trường được đánh giá thông qua việc so sánh kết quả quan trắc các thông số môi trường với các quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành, đồng thời có sự so sánh giữa các năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và so sánh với giai đoạn trước đó để đánh giá diễn biến chất lượng môi trường.
  4. Các thành phần môi trường bị ô nhiễm cùng sự suy giảm ĐDSH Tác động đến sức khỏe cộng đồng, hoạt động phát triển KT-XH.
  5. Việc phân tích thực trạng, những tồn tại trong công tác quản lý và BVMT là cơ sở xây dựng nội dung Đáp ứng gồm các giải pháp định hướng lâu dài cũng như các giải pháp cụ thể, giải pháp cấp bách nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, quản lý chất lượng môi trường hiệu quả phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Các thông tin, dữ liệu sử dụng trong Báo cáo được tổng hợp từ các nguồn chính thống, trong đó, số liệu về động lực (số liệu về KT-XH): các báo cáo niên giám thống kê; số liệu về áp lực (số liệu về nguồn thải) và số liệu về hiện trạng (số liệu quan trắc môi trường): từ Bộ TNMT, một số Bộ, ngành và báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo sẽ là nguồn thông tin, dữ liệu hữu ích giúp các cơ quan quản lý, các nhà khoa học tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách,…; đồng thời là thông tin chính thống cung cấp tới cộng đồng về hiện trạng môi trường Việt Nam trong thời gian qua.

 

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT

Ý kiến bạn đọc