Thiết lập nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: IUCN và PRO Việt Nam đã kí kết xây dựng mô hình thí điểm

Thứ 5, 09/07/2020, 08:30 GMT+7

IUCN và PRO Việt Nam ký kết xây dựng thí điểm mô hình kinh tế toàn hoàn và EPR tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Hội thảo nhằm thảo luận về khung pháp lý trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường 2014 đang được sửa đổi.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Hoàng Phượng, Tư vấn chính sách và pháp luật của Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết: Việt Nam đã tiếp cận với khái niệm EPR trong 15 năm qua. Tuy nhiên, hiện khái niệm này đang có nhiều góc nhìn khác nhau và còn nhiều hiểu lầm về chính sách.

ERP là một cách tiếp cận trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. Theo đó, ERP yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm cả việc thu gom, tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; chuẩn bị cho tái sử dụng, phục hồi hoặc xử lý cuối cùng.

ERP sẽ góp phần giảm chi phí quản lý các sản phẩm tới cuối vòng đời bằng cách giảm việc thải bỏ và tăng tái chế. ERP được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế. Do đó, ERP được coi là cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cho rằng: Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã thay đổi cách tiếp cận quản lý môi trường, trong đó thể chế hóa “Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền” và tiếp cận quản lý chất thải rắn dựa trên nguyên tắc thị trường.

Dự án Luật có các quy định mới về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu như: Phân loại và thu phí dựa trên khối lượng chất thải; đặt cọc-hoàn trả; trách nhiệm tái chế chất thải; trách nhiệm xử lý chất thải.

Đối với trách nhiệm tái chế chất thải của nhà sản xuất, dự án Luật quy định cụ thể về nhóm sản phẩm thuộc đối tượng bắt buộc tái chế như: Pin và ắc quy; thiết bị điện, điện tử; săm lốp; dầu nhớt; bao bì sản phẩm.

Trong đó, quy định về trách nhiệm xử lý chất thải nhằm thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường, đồng thời tạo nguồn tài chính để hỗ trợ cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương.

Đại diện cho các nhà sản xuất, ông Fausto, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam cho biết: Trong quá trình thu gom và tái chế vỏ bao bì đã qua sử dụng nhằm thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành bao bì tại Việt Nam, các nhà sản xuất đang gặp một số thách thức lớn.

Ví dụ như Việt Nam có nhiều hệ sinh thái khác nhau, chính vì vậy, các nhà sản xuất hoặc tổ chức đại diện phải chạy 7-8 dự án thí điểm để có cái nhìn tổng quan, trong khi nguồn nhân lực và tiềm lực tài chính lại có hạn; các vật liệu tái chế có giá trị lại đang được thu gom bởi các đơn vị thu gom chính thức hoặc không chính thức, trong khi số lượng rác thải không có giá trị cần thu gom lại chiếm số lượng lớn…

Để giải quyết những khó khăn trên, Bộ TN&MT và các nhà sản xuất, các doanh nghiệp cần phối hợp, gắn kết để đưa ra được mô hình EPR phù hợp nhất, bảo đảm lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, hướng đến nền kinh tế toàn hoàn, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, IUCN và PRO Việt Nam đã kí kết xây dựng thí điểm mô hình kinh tế toàn hoàn và EPR tại Việt Nam.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc