Thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu trên thế giới

Thứ 4, 21/06/2023, 09:46 GMT+7

Trong những năm qua, khí hậu thế giới đã và đang biến đổi nhanh hơn, mạnh hơn do tác động của con người làm gia tăng lượng phát thải khí nhà kính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu kéo theo hàng loạt những biến động khác của môi trường tự nhiên. Biến đổi khí hậu biểu hiện ở sự dâng cao của mực nước biển trung bình, sự gia tăng cả về tần suất cũng như cường độ của thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, sa mạc hóa, hiện tượng El Nino và La Nina,… đe dọa tính mạng, cuộc sống của người dân các nước.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT), năm 2022, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra rất phức tạp, nhiều trận thiên tai diễn ra với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản kinh tế trong đó có nhiều nước có nền kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng chống chịu tốt, điển hình như: Nắng nóng, hạn hán kéo dài, nghiêm trọng tại châu Âu; siêu bão Ian đổ bộ vào Mỹ cuối tháng 9; lũ lụt lịch sử trong tháng 7-8 tại Pakistan; trận động đất với độ lớn 5,6 độ richter ngày 21/11 tại Indonesia; hạn hán nắng nóng tại Trung Quốc nghiêm trọng nhất kể từ 60 năm qua,…Thiên tai năm 2022 đã làm 30.700 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế trên 224 tỷ USD.

Thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu trên thế giới

ảnh minh họa

Ở hầu hết các khu vực trên thế giới, số lượng thiên tai ngày càng có xu hướng tăng, đặc biệt là từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX đến thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, số lượng thiên tai có xu hướng tăng đột biến. Trong thập kỷ thứ hai này của thể kỷ XXI, số lượng thiên tai xảy ra đã cao hơn rất nhiều so với tổng số thiên tai của các thập kỷ đầu cuả thế kỷ XX, xấp xỉ hoặc thậm chí cao hơn cả thập kỷ 60. Tính trên toàn thế giới, số lượng thiên tai xảy ra trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI cao hơn gần 8 lần so với thập kỷ 60 của thế kỷ XX và cao hơn khoảng 62 lần so với thập kỷ đầu của thế kỷ XX.

Số lượng người chết do thiên tai trên thế giới nhìn chung có xu hướng giảm do có sự phát triển của nền kinh tế cũng như khoa học công nghệ. Tuy nhiên, ở một số khu vực có nền kinh tế chậm phát triển như khu vực châu Phi, Caribbean,… số lượng người chết do thiên tai vẫn có xu hướng tăng lên hoặc giảm nhưng không đáng kể.

Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 80 cơn bão mỗi năm. Bão được hình thành ở 6 ổ bão gồm: Vịnh Bengal và biển Ả Rập; tây bắc Thái Bình Dương; đông bắc Thái Bình Dương; tây bắc Đại Tây Dương; tây nam Ấn Độ Dương và vùng biển bắc Úc. Trong đó tây bắc Thái Bình Dương là ổ có nhiều bão nhất (chiếm 38% số bão trên toàn cầu). Việt Nam nằm ở khu vực chịu ảnh hưởng của bão tây bắc Thái Bình Dương do khu vực Biển Đông là một bộ phận của ổ bão này. Điển hình, năm 2022, đã xuất hiện 86 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên toàn cầu, trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng nhiều nhất với tổng số 25 cơn; nhiều cơn bão có diễn biến phức tạp, trái quy luật và có cường độ rất mạnh. Một số cơn bão gây thiệt hại lớn như cơn bão Megi đổ bộ vào miền Trung Philippin tháng 04/2022 gây mưa lớn kéo dài làm 214 người chết và mất tích; siêu bão Ian đổ bộ vào Mỹ cuối tháng 9/2022 làm 154 người chết.

Đặc biệt, bão nhiệt đới luôn là những trận bão mạnh nhất và có sức hủy diệt ghê gớm nhất. Trong vòng 100 năm qua, những trận bão kiểu này đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người.

Lũ lụt là loại thiên tai gây thiệt hại nhiều về người và của, nhất là khi xuất hiện cùng với bão, số người chết do lũ lụt thường chiếm hơn 60% số người chết do các loại thiên tai khác gây ra trên thế giới. Mưa, lũ, lũ quét vẫn tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp và gây thiệt hại nặng nề tại một số nước trên thế giới. Điển hình như: Mưa lớn bất thường từ giữa tháng 6 đến tháng 10/2022 tại Pakistan đã gây ngập lụt lịch sử diện tích trên 85.000 km2 (chiếm 12% diện tích Pakistan). Mưa lũ đã khiến hơn 1.700 người chết, 33 triệu người bị ảnh hưởng, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng và gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Trận mưa lớn kỷ lục trong 80 năm qua (lượng mưa 500-600mm/2 ngày) tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào đầu tháng 8/2022 đã gây ngập lụt nghiêm trọng vượt quá khả năng của hệ thống thoát nước, công trình chống ngập của thành phố. Mưa lớn, ngập lụt đã làm 20 người chết, mất tích, khoảng 8.000 người bị ảnh hưởng.

Năm 2022, động đất liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới với tổng số 15.438 trận có cường độ mạnh từ 4,0 độ Richter trở lên; đặc biệt nghiêm trọng là trận động đất mạnh 5,9 độ Richter rạng sáng 22/6/2022 tại miền Đông Afghanistan đã khiến ít nhất 1.100 người chết và hơn 6.000 người bị thương; trận động đất mạnh 5,6 độ Richter chiều 21/11/2022 tại tỉnh Tây Java, Indonesia làm 335 người chết và hơn 7.700 người bị thương.

Thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu trên thế giới

ảnh minh họa

Tình trạng nắng nóng, hạn hán, cháy rừng vẫn diễn ra khốc liệt và dị thường tại nhiều nơi trên thế giới. Điển hình như: Từ tháng 6-8/2022, các quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Italy,... chịu ảnh hưởng nắng nóng kỷ lục trong vòng 100 năm qua làm ít nhất 15.000 người chết; đồng thời gây ra tình trạng hạn hán và cháy rừng trên diện rộng với tổng diện tích 8.600 km2. Tại Trung Quốc, từ tháng 6-8/2022, nắng nóng kỷ lục trong vòng 60 năm qua (nặng nề nhất tại các tỉnh Tứ Xuyên, Giang Tây, Chiết Giang) đã gây tình trạng hạn hán nghiêm trọng, mực nước trên các sông, hệ thống hồ chứa giảm đáng kể, điển hình đập thuỷ điện Tam Hiệp giảm 40% sản lượng điện do hạn hán so với năm 2021.

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH mới đây cho thấy, khoảng 143 triệu người, 1/3 trong số đó ở châu Á, có thể phải bỏ nhà đi nơi khác trong 30 năm tới do BĐKH. Những người này phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác do nước biển dâng, hạn hán, nhiệt độ khắc nghiệt và những thảm họa khí hậu khác, Theo báo cáo, cứ ba người di cư trên thế giới sẽ có một người ở châu Á, nơi đứng đầu thế giới về số người phải di dời do thời tiết khắc nghiệt, phần lớn là bão và lũ lụt; các dòng người di cư và nhu cầu tái định cư sẽ tăng lên. Khí hậu toàn cầu đang ấm lên, một số khu vực với mật độ dân cư đông đúc sẽ trở nên không an toàn hoặc không thể ở được. Khoảng 40 triệu người ở Nam Á có thể phải di dời đến nơi khác trong 30 năm tới vì thiếu nước, mất mùa, triều cường và các thảm họa khác.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nặng nề đối với khu vực Đông Nam Á. Nước biển dâng là nguyên nhân đe dọa cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân các nước trong khu vực. Khu vực Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước BĐKH, do dân cư sống tập trung đông đúc ven biển. Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) cảnh báo, mực nước biển có thể sẽ dâng thêm 0,8m từ nay tới năm 2100. Nếu mực nước biển tăng lên 1m sẽ khiến cho một số vùng đồng bằng đông dân cư chìm dưới nước, khi đó 28 triệu người tại Indonesia, 23 triệu người tại Thái Lan và 38 triệu người Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ này.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên thế giới đã xảy ra nhiều đợt thiên tai bất thường như: ngày 06/2/2023, tại khu vực miền Nam và miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới với Syria, đã xảy ra 02 trận động đất với độ lớn 7,8 và 7,5 kèm theo 90 dư chấn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng với khoảng 53.000 người chết, 130.000 người bị thương và hơn 6.200 toà nhà bị sập đổ, thiệt hại kinh tế trên 105 tỷ đô la Mỹ; cuối tháng 02/2023, 20 bang miền Tây và Trung nước Mỹ chịu ảnh hưởng của bão tuyết mạnh nhất trong vòng 100 năm làm 7.600 chuyến bay bị huỷ, khoảng 01 triệu người bị mất điện; ngày 24/3/2023, lốc xoáy trên diện 160km tại bang Mississippi, nước Mỹ đã làm 26 người chết,...

Biến đổi khí hậu được xác định là một thách thức của toàn cầu, tác động nặng nề đến tính mạng cuộc sống sinh kế của con người. Nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày nay cao hơn 1,1°C so với 150 năm trước. Thời tiết của chúng ta ngày càng khắc nghiệt hơn, đại dương của chúng ta ấm hơn và có nồng độ axit cao hơn, mực nước biển dâng cao, các tảng băng, các dòng sông băng đang tan chảy; sự biến đổi này đang ngày càng  gia tăng. Cách chúng ta ứng phó với thách thức này sẽ quyết định tương lai của Trái đất và con cháu chúng ta.

Nguồn: www.tainguyenvamoitruong.vn

Ý kiến bạn đọc