Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ,…; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố và các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin trực thuộc Bộ TN&MT, Sở TN&MT.
Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy, hướng dẫn, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử và giải đáp, hỗ trợ quản lý, chuyên môn kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) tại Bộ TN&MT, Sở TN&MT các địa phương; hướng tới chuyển đổi số, phát triển ngành TN&MT, góp phần tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ TN&MT đã hoàn thành cung cấp Dịch vụ công trực tuyến kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng, kết nối các nền tảng thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành của Ngành và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành về TN&MT ở Trung ương và địa phương. Các kết quả này đã thực sự giúp thay đổi phương thức làm việc trên môi trường điện tử, thay thế sử dụng giấy tờ truyền thống; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả công việc; góp phần quản lý, khơi thông, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nâng cao chất lượng cuộc sống....
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng cho biết, mặc dù đạt được các kết quả đáng kể nêu trên, tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tài nguyên môi trường cũng còn nhiều nội dung triển khai chưa được như mong đợi, còn thiếu quy định pháp lý cho việc kết nối, liên thông, chia sẻ sử dụng dữ liệu; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu còn chậm, chưa được cập nhật thường xuyên và còn mang tính cục bộ; kết nối, chia sẻ sử dụng dữ liệu còn hạn chế; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp… “Đây vấn đề cần có quyết tâm cao, đặc biệt của người đứng đầu, kiên quyết thay đổi phương thức làm việc từ giấy tờ, thủ công sang môi trường điện tử; phân tích, xử lý thông tin-dữ liệu để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến cho cá nhân, tổ chức được thuận tiện mọi lúc mọi nơi” - Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng nhận định, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, trong đó, chuyển đổi số ngành TN&MT là một nội dung trọng tâm.
“Chuyển đổi số thì đầu tiên là chuyển đổi nhận thức, thay đổi mô hình quản lý, quản trị, mô hình hoạt động dựa trên công nghệ số để hiện thực hoá những thay đổi đó. Bởi vậy, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Ngành TN&MT là ngành điều tra cơ bản với hoạt động chính của ngành là tạo lập ra thông tin, dữ liệu; là một trong các ngành có nhiều thông tin, số liệu nhất trong các ngành kinh tế - kỹ thuật hiện nay và có yêu cầu cung cấp thông tin rất lớn từ xã hội; sẽ là ngành có tương lai sáng lạn trong kỷ nguyên số.” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh tới vai trò của thay đổi tư duy và mô hình quản lý công nghệ số trong toàn ngành TN&MT
Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, Hội nghị này nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được, các vấn đề vướng mắc, tồn tại; đồng thời xác định phương hướng lộ trình, thúc đẩy thực hiện trong thời gian tới trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện ngành TN&MT, góp phần tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh với mục tiêu cụ thể: “Ngành TN&MT sẽ cơ bản vận hành trên nền tảng số, phương thức làm việc của ngành dựa vào phân tích, xử lý thông minh dữ liệu tổng hợp, đa ngành, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh”.
Các nhiệm vụ cụ thể về công nghệ thông tin của ngành TN&MT trong thời gian tới bao gồm 5 nội dung chính như sau: (1) Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai xây dựng vận hành Chính phủ/Chính quyền điện tử, chuyển đổi số toàn diện ngành TN&MT; Kiến trúc hệ thống thông tin, quy định kỹ thật; quy định cung cấp, chia sẻ, sử dụng thông tin, dữ liệu; đơn giá-định mức… (2) Xây dựng chương trình chuyển đổi số ngành TN&MT; tạo lập không gian số xóa nhòa khoảng cách và thời gian trong không gian thực; sáng tạo đổi mới; ứng dụng rộng rãi công nghệ, giải pháp của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; (3) Triển khai, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành mang tính chất nền tảng bảo đảm kết nối, chia sẻ sử dụng rộng rãi, thuận lợi phục vụ quản lý điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp; (4) Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin dữ liệu trong toàn ngành; (5) Rà soát, sắp xếp tổ chức và huy động nguồn lực thực hiện.
Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường đã giới thiệu về Kế hoạch số 777/KH-BCSĐ ngày 09/9/2020 của Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Ngành TN&MT sử dụng 90% thiết bị sử dụng công nghệ số; 80%-90% công tác dự báo, cảnh báo, giám sát dựa trên phân tích, xử lý, dữ liệu theo thời gian thực, đưa ra quyết định chính xác, kịp thời. 90%- 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 & được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau của người dùng. 100% hồ sơ công việc về TNMT tại cấp bộ; 90% cấp tỉnh; 80% cấp huyện; 60% cấp xã được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. 100% chế độ báo cáo, thống kê được tích hợp, kết nối phục vụ Bộ, ngành và kết nối, chia sẻ phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 20% GDP Đóng góp của thông tin, số liệu, cơ sở dữ liệu TN&MT cho kinh tế số. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua hệ thống thông tin. 100% cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn thành và kết nối, chia sẻ; 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoàn thành và kết nối, chia sẻ” - Ông Lê Phú Hà báo cáo và nhấn mạnh về các mục tiêu cụ thể đặt ra tới năm 2025 được nêu trong Kế hoạch 777/KH-BCSĐ.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, tọa đàm về các nội dung tham luận tổng kết, đánh giá thực hiện Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin TN&MT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; công tác ứng dụng CNTT, triển khai Chính phủ điện tử TN&MT năm 2019-2020 và nhiệm vụ các năm tiếp theo; việc triển khai Kế hoạch số 777/KH-BCSĐ ngày 09/9/2020 của Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; triển khai, vận hành Chính phủ điện tử; chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, ngành, địa phương, phát triển chính phủ số, chính quyền số các cấp; công tác thông tin, lưu trữ tài liệu TN&MT; công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và giải pháp thực hiện; hướng dẫn Khung kiến trúc ứng dụng CNTT TN&MT tại các địa phương;…
Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Bộ TN&MT sẽ chỉ đạo, đưa ra các quyết sách, biện pháp nhằm thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả để đẩy mạnh có hiệu quả công tác ứng dụng CNTT, vận hành Chính phủ điện tử, chuyển đổi số toàn diện tạo đột phá trong hiện đại hóa, phát triển ngành TN&MT, đổi mới phương thức làm việc, đổi mới quản trị nhà nước, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy, tổ chức hợp lý, gọn nhẹ trên nền tảng số; mô hình mới về quản lý tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.