Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp.
Mục tiêu đến năm 2020, thành phố giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống còn 50% và năm 2050 sẽ còn 20%. Hiện thành phố đang đẩy mạnh triển khai quy định phân loại chất thải rắn tại nguồn, yêu cầu các hộ dân phải phân rác thành 3 loại (hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại) và chuyển giao đúng nhóm. Thành phố khuyến khích các hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, còn túi có màu sắc khác để chứa chất thải còn lại, dùng thùng rác chuyên dụng có màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, màu xám để chứa chất thải còn lại.
Thùng rác được chia thành nhiều loại ở khu vực công cộng để người dân chủ động phân loại rác.
Bà Lê Thị Kim Chi, Phó chủ tịch UBND quận 9 cho biết, quận có diện tích khá lớn và có tốc độ đô thị hóa mạnh nhưng phương tiện thu gom rác hạn chế, trong khi 3 trạm trung chuyển rác ở quận cũng luôn trong tình trạng quá tải… Quận cũng có các chương trình, kế hoạch chấn chỉnh công tác vệ sinh môi trường, trong đó tập trung vào việc thu gom rác, phân loại rác tại nguồn. Mới đây, UBND quận 9 đã tổ chức buổi gặp gỡ khoảng 200 người làm nhiệm vụ thu gom rác thải dân lập trên địa bàn. Bởi lẽ, những người thu gom rác thải sẽ là lực lượng giám sát hiệu quả và nhắc nhở người dân phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng quy định.
Thành phố vẫn đang chịu sức ép lượng chất thải gia tăng nhanh, cơ sở hạ tầng của thành phố vẫn còn rất hạn chế, việc xử lý rác thải sinh hoạt vẫn dựa chủ yếu vào công nghệ chôn lấp. Các địa phương vùng ven như quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh… vẫn tồn tại nhiều bãi chất thải công nghiệp. UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các sở, ngành liên quan và UBND 24 quận, huyện về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhấn mạnh tập trung công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, kết hợp thực hiện cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị, cơ quan nhà nước cần gương mẫu thực hiện và vận động người thân tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại nơi sinh sống nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, dân cư.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao UBND các quận, huyện triển khai sắp xếp, bố trí các thùng rác công cộng phù hợp, thực hiện dán nhãn nhận biết trên nắp và thân thùng rác để người dân bỏ rác phân loại vào thùng theo quy định để tạo sự đồng bộ từ nhà đến khu vực công cộng. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong năm 2019, các địa phương của thành phố sẽ đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập theo mô hình hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Đồng thời hoàn thành việc chuyển đổi các phương tiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt theo đúng quy định. Đến quý II-2019, các địa phương phải tổ chức thu gom, vận chuyển riêng chất thải sau khi được phân loại.
Theo Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Môi Trường (Nguồn: Hoa Nam/qdnd.vn)