Tạo giá trị mới cho rác thải

Thứ 7, 04/02/2023, 06:42 GMT+7

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm triển khai dự án "Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven vịnh Hạ Long". Từ mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa dựa vào cộng đồng, dự án đã tạo ra hình mẫu trong việc vận dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn với rác thải. 

Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự án được triển khai từ tháng 1/2020 tại 4 phường của TP. Hạ Long: Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu và Hà Phong. Sau đó dự án mở rộng thêm các phường Cao Thắng, Hà Khẩu, Hà Tu.

Đến nay, Ban điều hành dự án đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức 35 lớp tập huấn, 3 hội thảo, 15 cuộc truyền thông lưu động về phòng chống rác thải nhựa, 2 chương trình phát động chiến dịch làm sạch biển, 2 chương trình phát động ngày môi trường thế giới, 5 cuộc kiểm toán rác, 1 cuộc thi giải pháp sáng tạo giảm thiểu rác thải nhựa…

Đặc biệt, dự án đã hình thành nhiều mô hình điển hình trong giảm thiểu rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng như: 7 mô hình phân loại rác thải sinh hoạt cho 178 hộ gia đình, 31 tàu cá, 65 tàu du lịch, 2 nhà hàng trên địa bàn TP Hạ Long; 3 mô hình xử lý rác hữu cơ ủ phân compost tại 70 hộ gia đình; thành lập 7 nhóm thu gom ve chai cộng đồng với 147 thành viên; xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần tại chợ Hạ Long 1 và phường Hồng Hà. Qua đó, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư về thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế sử dụng rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.

tạo giá trị mới cho rác thải

Theo Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn (trường Đại học Đà Lạt, chuyên gia đánh giá độc lập), Dự án đã đóng góp lớn trong việc tìm ra lời giải cho vấn đề quản lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Trong đó, việc phân loại rác là tiền đề để giảm thiểu lượng rác thải phải xử lý, thu hồi và tạo ra giá trị mới từ rác thải. Đội ngũ ve chai là lực lượng chủ lực, vừa làm giảm rác thải nhựa, vừa cung ứng nguyên liệu tái chế.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, địa phương cần ban hành quy trình thu gom rác sao cho vừa duy trì thành quả của việc phân loại, vừa giảm thiểu lượng rác hỗn hợp tới các nhà máy xử lý rác mà không phát sinh thêm chi phí. Phần rác thải khó phân hủy, không có khả năng tái chế cần được quản lý để không gây ô nhiễm môi trường và tận dụng được năng lượng chúng có thể sinh ra.

Xem thêm:

Sống xanh: Chúng tôi tiếp nhận "0 đồng" quần áo cũ, đồ cũ, hàng cồng kềnh!

Sống xanh: giải pháp thu hồi pin cũ và những mảnh ghép đồng hành bảo vệ môi trường!

Ngày hội “Phụ nữ hành động vì huyện Hóc Môn xanh, sạch đẹp, thân thiện môi trường” năm 2022

Trường Tiểu Học Cần Thạnh 2: Phân loại rác thải tại nguồn - "Đổi chất thải nhận quà"!

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc