Tăng cường giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, chất thải tại các khu công nghiệp

Thứ 4, 10/10/2018, 03:40 GMT+7

270_crop__lo-go_1

Tính đến tháng 03/2018, cả nước có 283 khu công nghiệp đang hoạt động (có cơ sở đã đi vào hoạt động), trong đó có 228 khu công nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 80,5%; 121 khu công nghiệp đã lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục để giám sát liên tục. Tổng lượng nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp khoảng trên 635.000 m3/ngày đêm.

Tin liên quan:

Phân loại rác tại nguồn trong KCN - KCX

Triển khai quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho các Doanh nghiệp trong khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3, Bàu Bàng


Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp xuất phát từ những nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại một số địa phương còn thực hiện tràn lan trong khi khả năng thu hút đầu tư thấp, năng lực tài chính xây dựng kết cấu hạ tầng hạn chế, các khu công nghiệp chưa ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hoặc chưa cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành trong công tác bảo vệ môi trường;

Thứ hai, một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định. Vẫn còn tình trạng khu công nghiệp không quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại mà để các cơ sở trong khu công nghiệp tự ký hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, xử lý;

Thứ ba, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường của các cơ quan quản lý đến các chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp còn nhiều hạn chế và chưa mang lại hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các hoạt động sau:

(1) Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, trong đó có nội dung liên quan đến quản lý chất thải, giám sát công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp;

(2) Tuyên truyền phổ biến các văn bản quy pháp luật liên quan tới công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, yêu cầu các khu công nghiệp tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động, kiến nghị không cho phép thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp hoặc thực hiện thủ tục mở rộng khu công nghiệp khi không có hoặc chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; giám sát chặt chẽ việc thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; tổ chức giám sát chặt chẽ việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp;

(3) Hàng năm xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở trong khu công nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

>>Xem thêm: Tăng cường giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, chất thải tại các khu công nghiệp

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc