Trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đề ra mục tiêu phấn đấu có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 02 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, các địa phương đã tích cực công tác rà soát, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thiện các tiêu chí còn vướng.
Diện mạo nông thôn mới tại Sóc Trăng hôm nay
Dựa theo Quyết định 2537/QĐ-UBND, ngày 27/9/2022 của UBND tỉnh Sóc Trăng quy định về bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, để đủ điều kiện đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 - 2025, ngoài 01 tiêu chí kiểu mẫu nổi trội do địa phương tự chọn, đòi hỏi những xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2018 – 2020 phải đáp ứng được 04 tiêu chí bắt buộc, trong đó phải có ít nhất 01 ấp thông minh.
Là địa phương nằm trong Kế hoạch đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm nay, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung đã lựa chọn ấp An Thường là ấp điểm để thực hiện tiêu chí này. Tại ấp An Thường hiện đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, phân công từng thành viên hướng dẫn người dân tự cài đặt và sử dụng các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Viber, Sổ sức khỏe điện tử… Đồng thời, thành lập 10 nhóm zalo của các tổ dân cư ở 10 ấp trên địa bàn xã để kịp thời thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nội dung về chuyển đổi số đến các hộ gia đình. Là địa bàn có lợi thế lớn trong phát triển vùng trồng cây ăn trái, quá trình xây dựng ấp thông minh còn được địa phương tập trung vào việc khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ trong quản lý sâu bệnh, bón phân, phun thuốc...
Đến nay, An Thường đã hoàn thành 05/09 chỉ tiêu trong thực hiện tiêu chí xây dựng ấp thông minh. Đồng chí Lê Hoài Thanh – Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nhất cho biết thêm: “Về phía xã cũng sẽ tiếp tục định hướng cho các ấp nắm vững các yêu cầu đặt ra trong xây dựng ấp thông minh, những nội dung, thông tin cần điều tra, cập nhật để kịp thời hỗ trợ bà con tháo gỡ khó khăn. Song song với việc xây dựng ấp thông minh thì xã cũng lựa chọn lĩnh vực nổi trội của địa phương để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là chuyển đổi số, vì 2 nội dung này có liên quan với nhau. Đây là nhiệm vụ mà Đảng bộ và chính quyền xã đang nỗ lực phấn đấu để xã An Thạnh Nhất đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm nay, góp phần để huyện Cù Lao Dung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”.
Riêng tại xã Liêu Tú, huyện Trần Đề hiện đã thực hiện đạt 17/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Hai tiêu chí còn chưa đạt là tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Với tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, địa phương đã tích cực rà soát, tận dụng sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án; đồng thời tạo điều kiện để các hộ thuộc đối tượng nghèo và cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, mua bán nhỏ... Từ những mô hình hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo tại xã giảm còn 4,4%. Đồng chí Trần Trung Tính – Chủ tịch UBND xã Liêu Tú, huyện Trần Đề thông tin: “Hiện nay các ngành chức năng của huyện cũng đã bố trí kinh phí hỗ trợ cho xã thực hiện tiêu chí số 7 là xây dựng 1 chợ thương mại tại ấp Đại Nôn. Riêng với tiêu chí số 11 về hộ nghèo thì xã cũng đã xây dựng kế hoạch chậm nhất đến tháng 9 năm 2023 sẽ giảm nghèo thêm 63 hộ để đáp ứng yêu cầu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 4% theo chuẩn nghèo đa chiều mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đề ra”.
Năm 2023 là năm bản lề của giai đoạn 2021-2025, là năm cần phải tăng tốc trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ 05 năm của tỉnh về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn đặt ra nhiều khó khăn, thử thách khi bộ tiêu chí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã có sự điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung so với những giai đoạn trước. Từ yêu cầu thực tế này, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng đã vạch định rõ những mục tiêu, giải pháp cụ thể, phấn đấu hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình mới. Đồng chí Lê Văn Đáng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Với vai trò là cơ quan thường trực, cơ quan chủ trì của Chương trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Triển khai có hiệu quả 6 chương trình chuyên đề phục vụ Chương trình nông thôn mới, bao gồm: Chương trình OCOP, Chương trình khoa học công nghệ, Chương trình phát triển du lịch nông thôn, Chương trình chuyển đổi số, Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với lợi thế của từng địa phương phục vụ tích cực cho các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Quan tâm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn Trung ương, tăng cường lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư hiện có và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để tiếp tục xây dựng nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của Chương trình, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023...”.
Từ sự đồng thuận giữa ý Đảng – lòng dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Sóc Trăng thời gian qua tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, dấu ấn nổi bật là đời sống tinh thần, vật chất của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao. Tiếp nối thành quả đã đạt trong giai đoạn vừa qua, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ cấp tỉnh đến cơ sở vẫn đang tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo từng cấp độ khác nhau. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là: “xây dựng nông thôn mới bền vững từ cơ sở, lấy cơ sở làm trung tâm, phát huy vai trò chủ thể của người dân là chủ yếu".
Nguồn: soctrang.dcs.vn
2. Thừa Thiên Huế: Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới năm 2023
3. Cà Mau: Rà soát tiến độ xây dựng huyện Thới Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023
4. Đồng Tháp: Hội Đồng Nhân Dân tỉnh giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
5. Lào Cai gắn xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua
7. Kon Tum: Xây dựng Nông thôn mới bền vững, đi vào chiều sâu
8. Thanh Hóa: Khởi sắc từ chương trình xây dựng nông thôn mới