Xây dựng Nông thôn mới (NTM) được tỉnh Kon Tum xác định là chương trình phát triển tổng hợp, toàn diện, liên tục; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Để NTM thực sự mới, tỉnh ta đã, đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục xây dựng NTM bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, môi trường sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian qua, kế thừa kết quả xây dựng nông thôn mới đã đạt được giai đoạn 2010-2020, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và sự tham gia của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân, qua gần 02 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến nay đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2010. Đến nay, toàn tỉnh đã có 42 xã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó có 36 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới), 10 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 32 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 01 xã đạt 07 tiêu chí (không có xã đạt chuẩn dưới 7 tiêu chí). Bình quân đạt 15,82 tiêu chí trên xã; 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 07 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 19 thôn (thuộc xã ĐBKK, biên giới) đạt chuẩn thôn nông thôn mới; chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và chưa có huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP toàn tỉnh đã có 205 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: 01 sản phẩm được Trung ương công nhận đạt 5 sao cấp quốc gia; 22 sản phẩm đạt 04 sao; 182 sản phẩm đạt 3 sao.
Về huy động và thực hiện nguồn lực tổng kế hoạch vốn huy động thực hiện năm 2022 là 543.792 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương bố trí trực tiếp là 161.210 triệu đồng (chiếm 29,65%); vốn ngân sách địa phương đối ứng thực hiện 242.906 triệu đồng ( chiếm 44,66%), vượt chỉ tiêu Trung ương quy định đối ứng theo tỷ lệ 1:1; vốn lồng ghép là 11.075 triệu đồng ( chiếm 3,03%); vốn tín dụng 75.816 triệu đồng (chiếm 13,94%), vốn Doanh nghiệp hỗ trợ 47.800 triệu đồng (chiếm 8,79%); vốn huy động người dân tham gia là 4.985 triệu đồng (chiếm 0,92%). Kết quả huy động vốn năm 2023 (đến tháng 02 năm 2023) là 283.152 triệu đồng.
Mặc dù Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đã bước sang thực hiện năm thứ hai, tuy nhiên đến nay một số cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện của các Bộ ngành Trung ương về triển khai thực hiện vẫn còn chậm và chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình (như quy trình thực hiện, cơ chế hỗ trợ, thanh quyết toán nguồn ngân sách nhà nước, hướng dẫn thực hiện các nội dung Chương trình và tiêu chí nông thôn mới...).
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 01 huyện trắng xã nông thôn mới (huyện Tu Mơ Rông) và có 01 xã có số tiêu chí đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí, số xã có số tiêu chí đạt chuẩn từ 10 – 14 tiêu chí còn khá cao (31/85 xã), đặc biệt hầu hết các xã đều chưa đạt chuẩn tiêu chí về thu nhập và nghèo đa chiều; do đó để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh không còn xã đạt chuẩn dưới 15 tiêu chí và huyện Tu Mơ Rông có từ 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới trở lên là rất khó khăn và phải cần có sự ưu tiên tập trung đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, trong khi đó hầu hết những địa phương này là địa bàn xã đặc biệt khó khăn, nguồn vốn thực hiện chủ yếu là lồng ghép từ 02 Chương trình MTQG còn lại.
Bên cạnh đó, hầu hết các xã của tỉnh còn lại chưa đạt chuẩn xã nông thôn mới là những xã đặc biệt khó khăn, với gần 100% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện sinh hoạt và sản xuất rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập thấp; trong khi đó theo quy định sau khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ là xã khu vực I; đồng nghĩa với việc một số chính sách hỗ trợ của người dân sẽ bị cắt giảm gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 05 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 47 xã, chiếm 55,29% số xã; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân trên xã là 16,5 tiêu chí, không còn xã có số tiêu chí đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí; Thành phố Kon Tum hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh ta đề ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, trong đó chú trọng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chủ trì chương trình và các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chương trình; kịp thời có giải pháp xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo thực hiện nguồn vốn đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn được giao.
Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đối tượng, địa bàn để người dân nắm bắt kịp thời về ý nghĩa, mục đích, sự cần thiết của từng Chương trình.
Chủ động bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã); huy động tối đa các nguồn lực đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp, tài trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, đặc biệt là sự tham gia đóng góp của người dân. Tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án hiệu quả để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn; triển khai các nhiệm vụ kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2023 ngay từ những tháng đầu năm, không để tình trạng giải ngân chậm và không giải ngân hết vốn theo kế hoạch giao.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
2. Thừa Thiên Huế: Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới năm 2023
3. Cà Mau: Rà soát tiến độ xây dựng huyện Thới Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023