Rác và nhựa là nguồn lực kinh tế

Thứ 7, 16/04/2022, 01:46 GMT+7

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định điều này tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm từ các Dự án thí điểm cùng với các nữ lao động phi chính thức tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định). Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa”.

Theo bà Caitlin Wiesen, chúng ta cần phân loại, thu gom và tái chế chất thải để thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, phù hợp với điều kiện địa phương và có sự tham gia của phụ nữ ở tất cả các giai đoạn.

Việc tái chế, hạn chế rác thải nhựa đã được Việt Nam luật hóa. Ngày 10/01/2022, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 08/2022/ NĐ-CP, với các chương về quản lý chất thải, Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và việc kết hợp lộ trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Việc áp dụng một cơ chế trong Luật sẽ giảm thiểu tình trạng nhựa rò rỉ ra môi trường và tạo thêm dòng tài chính để tăng cường thu gom và tái chế bao bì. EPR có thể tạo ra cơ hội và cả những thách thức cho người thu gom và các cơ sở phế liệu.

 Các đại biểu đi thực tế và gặp gỡ những người phụ nữ thu gom rác ở Nhơn Lý (Bình Định)

Theo bà Fanny Quertamp, Cố vấn cấp cao tại Việt Nam của dự án 'Suy nghĩ lại về nhựa', chương trình EPR bắt buộc đối với bao bì sẽ có hiệu lực vào năm 2024 là một bước tiến lớn tạo ra cơ hội và thách thức cho những người thu gom rác thải. Việc yêu cầu truy xuất nguồn gốc của chuỗi giá trị bao bì sẽ tác động đến tổ chức quản lý rác thải hiện tại và mở ra cơ hội để tích hợp và công nhận những người thu gom là người đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn.

hoạt động thu gom nhựa

Hoạt động của dự án "Suy nghĩ lại về nhựa" tại Quy Nhơn. Ảnh: Hội Phụ nữ thành phố Quy Nhơn.

Đưa ra bức tranh toàn cảnh về những người làm nghề thu gom phế liệu ở Việt Nam, ông Nguyễn Thi, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thách thức lớn là hơn 90% những người thu gom đồng nát là lao động nữ mặc dù tính chất công việc nặng nhọc. Trong khi lực lượng lao động trong hệ thống thu gom đồng nát hoạt động nhỏ lẻ, không phải pháp nhân và chưa có tiếng nói, họ cũng gặp sự cạnh tranh lớn từ hệ thống thu gom rác của Nhà nước và của khu vực tư nhân ngày càng hiện đại hóa và nhân rộng, cạnh tranh trực tiếp với người lao động.

Quang cảnh hội thảo

Ông Thi nhận định, trong khoảng 5 năm tới, hệ thống đồng nát hiện nay vẫn phát huy hiệu quả trong việc thu gom, tái chế. Để lực lượng lao động phi chính thức trong hệ thống thu gom rác thải phát triển đúng hướng và bảo vệ quyền lợi, những người này phải được đăng ký lao động trong một tổ chức pháp nhân và tiến tới có hiệp hội của mình. Khi có tổ chức, lao động trong nghề đồng nát sẽ được cải thiện điều kiện lao động, có cơ hội nhận hỗ trợ kinh phí từ các chương trình ERP, từng bước sử dụng công nghệ ứng dụng thu gom tự động.

Theo ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, các ý kiến đóng góp liên quan đến công tác quản lý chất thải là những kinh nghiệm để áp dụng trong thực tế, giúp cho thành phố Quy Nhơn triển khai hiệu quả Luật bảo vệ môi trường.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc