Môi trường Á Châu tổng hợp công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh tại chủ Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức theo luật bảo vệ môi trường 2020. Mời quý vị cùng tham khảo.
Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm: Phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý và thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Chất thải rắn công nghiệp thông thường được phân loại thành các nhóm sau đây:
- Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất;
- Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng;
- Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
Lưu ý:
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường không được phân loại phải được quản lý như nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường có lẫn chất thải nguy hại không thực hiện việc phân loại hoặc không thể phân loại được thì được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Ảnh: Chất thải rắn công nghiệp thông thường ngành giày da
- Lưu giữ bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại.
- Không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải rắn công nghiệp thông thường; không làm phát tán bụi, rò rỉ nước thải ra môi trường.
2.1. Thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Bảo đảm lưu giữ an toàn, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ;
b) Bao bì mềm được buộc kín, bao bì cứng có nắp đậy kín để bảo đảm ngăn chất thải rò rỉ hoặc rơi vãi ra môi trường;
c) Kết cấu cứng chịu được va chạm, không bị hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng.
2.2 Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được lưu giữ trực tiếp tại kho hoặc khu vực lưu giữ chất thải đáp ứng quy định tại mục 2.3 và mục 2.4 này hoặc phải chứa, đựng trong các thiết bị, dụng cụ đáp ứng quy định tại mục 2.1
2.3. Kho hoặc khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường trong nhà phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt;
b) Mặt sàn bảo đảm kín, không rạn nứt, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào;
c) Có mái che kín mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ;
d) Nhà kho phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo quy định của pháp luật.
2.4. Khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường ngoài trời phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Có bờ bao, hệ thống thu gom, xử lý nước mưa chảy tràn, nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; nền bảo đảm kín, không rạn nứt, không bị thẩm thấu, đủ độ bền chịu được tải trọng của phương tiện vận chuyển và lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường lưu giữ;
c) Có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường (đối với loại chất thải có phát sinh bụi).
Ảnh: Kho lưu chất thải
3.1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng sau đây:
a) Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Cơ sở xử lý chất thải phù hợp;
c) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp;
d) Cơ sở vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đã có hợp đồng chuyển giao với đối tượng quy định tại các điểm a, b hoặc c khoản này.
3.2. Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý được tự tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường và phải bảo đảm đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định;
b) Phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường;
c) Không đầu tư mới lò đốt và bãi chôn lấp để xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, trừ trường hợp phù hợp với nội dung quản lý chất thải rắn trong các quy hoạch có liên quan.
4. Hồ sơ lưu trữ
Sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành khi chuyển giao nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý quy định. Mẫu số 03 phụ lục III thông tư 02/2022/TT-BTNMT - Biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường
Biểu mẫu tải tại đây
5. Báo cáo
Tích hợp trong nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hàng năm, kỳ báo cáo thực hiện từ ngày 01/01 đến 31/12 hàng năm.
Căn cứ luật bảo vệ môi trường số Căn cứ Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam;
Căn cứ nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Nguồn: Môi Trường Á Châu