Quản lý rác thải nhựa: Các biện pháp cấp quốc gia của một số nước trên thế giới

Thứ 3, 18/07/2023, 10:12 GMT+7

Trước tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng nghiêm trọng, các quốc gia trên thế giới đã ban hành nhiều biện pháp cấp quốc gia nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải này.

Tại Pháp

Pháp đặt mục tiêu tái chế 100% nhựa trong nước vào năm 2025 và giảm phát thải khí nhà kính khoảng 8 triệu tấn mỗi năm thông qua việc tăng cường tái chế nhựa. Đây là một phần trong lộ trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn rộng hơn của của quốc gia này. Pháp cấm lưu hành trên thị trường các sản phẩm mỹ phẩm tẩy da chết hoặc làm sạch có chứa các hạt nhựa rắn kể từ ngày 1/1/2018. Lệnh cấm này loại trừ các hạt có nguồn gốc tự nhiên với điều kiện là chúng không bền và không ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn.

Lệnh cấm của Pháp không quy định kích thước của các hạt dẫn đến tất cả các hạt nhựa rắn đều bị cấm, kể cả những hạt lớn hơn 5 mm. Pháp là quốc gia thành viên EU đầu tiên áp dụng lệnh cấm này.

Rác thải nhựa

Hình ảnh minh họa

Thụy Điển

Thụy Điển ban bố lệnh cấm các sản phẩm mỹ phẩm làm sạch có bổ sung vi nhựa như kem đánh răng, tẩy tế bào chết toàn thân, sữa tắm, dầu gội và dầu dưỡng từ tháng 7/2018. Giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 6 tháng - các sản phẩm được mua trong kho trước tháng 7 có thể tiếp tục được bán trong các cửa hàng cho đến tháng 1/2019.

Bỉ

Tại Bỉ, Bộ trưởng Liên bang về Năng lượng, Môi trường và Phát triển bền vững và đại diện Hiệp hội Bỉ và Luxembourg cho các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm, sản phẩm là sạch và dưỡng, chất kết dính, chất bịt kín, chất diệt khuẩn và bình xịt đã ký kết thỏa thuận tự nguyện loại bỏ dần vi nhựa ra khỏi hàng loạt sản phẩm tiêu dùng vào tháng 1/2018. Cam kết có hiệu lực trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, Bộ Môi trường khẳng định sẽ không phạt nếu các công ty bị phát hiện không tuân thủ.

Iceland

Ở Iceland, Liên đoàn các chủ tàu đánh cá Iceland đã đưa ra hướng dẫn về cách phân loại và xử lý rác thải ngư cụ. Nếu tàu bị mất ngư cụ, theo quy định của pháp luật, tàu phải ghi lại và báo cáo tọa độ GPS. Một thỏa thuận đã được thực hiện với Quỹ Tái chế Iceland và thông tin về việc thu gom ngư cụ hằng năm được ghi lại và công bố trong công khai. Ngành công nghiệp đánh bắt cá Iceland đã xây dựng hệ thống đặt cọc - hoàn trả đối với ngư cụ nhằm giảm bớt ngư cụ bị thất lạc - đây là hệ thống đã được chứng minh là hiệu quả trên toàn cầu. Iceland cũng cấm bán dao kéo, cốc, đĩa và ống hút làm bằng nhựa và mỹ phẩm có chứa hạt vi nhựa từ ngày 1/1/2020, cấm túi mua sắm bằng nhựa từ ngày 1/1/2021.

Rác thải nhựa

Hình ảnh minh họa

Anh

Ngày 15/11/2018, Hiệp hội Nhựa của Anh công bố Lộ trình đến năm 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, (1) Loại bỏ bao bì sử dụng một lần có vấn đề hoặc không cần thiết thông qua thiết kế lại, đổi mới hoặc mô hình phân phối thay thế (tái sử dụng); (2) 100% bao bì nhựa có thể tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy; (3) 70% bao bì nhựa được tái chế hoặc ủ phân; và (4) Hàm lượng tái chế trung bình 30% trên tất cả các bao bì nhựa. Lệnh cấm bán các sản phẩm chứa vi nhựa của Anh có hiệu lực vào tháng 6/2018. Trước đó, lệnh cấm sản xuất các sản phẩm chứa vi nhựa được đưa ra vào tháng 1/2018.

Nguồn: www.vpas.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc