Phú Yên: Chung tay chống rác thải nhựa

Thứ 3, 18/12/2018, 09:13 GMT+7

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ TN-MT phát động, tỉnh Phú Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền tới cộng đồng dân cư, các đơn vị sản xuất kinh doanh về tác hại của rác thải nhựa tới cuộc sống và sức khỏe người dân.

raceabia181213

Sở TN-MT hỗ trợ nhiều thùng rác cho xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) để thu gom và phân loại rác thải - Ảnh: MINH DUYÊN

Tin liên quan: 

Ngày 12/10/2018: Phát động “Phong trào chống rác thải nhựa” quy mô toàn quốc

Để phong trào này đi vào đời sống, trở thành thói quen sinh hoạt của mỗi cá nhân thì cần có chương trình dài hơi và những biện pháp hữu hiệu. Trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên về vấn đề này, bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết:

Chống rác thải nhựa là hạn chế sử dụng vật dụng làm từ nhựa, thay thế bằng các sản phẩm làm từ các chất liệu thân thiện với môi trường. Hiện nay, ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, hay các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng”, nguyên nhân do con người xử lý không đúng cách, khiến chất nhựa gây hại ra môi trường ảnh hưởng tới sinh vật sống và con người.

Nguy hiểm nhất của đồ nhựa, túi ni lông là khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Các nhà khoa học tính được rằng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm rác thải nhựa mới phân hủy. Nếu bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Khi đốt, cùng với các loại chất thải hữu cơ lẫn theo sẽ tạo ra khí dioxin và furan có khả năng gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…

Quá trình tăng trưởng kinh tế và thay đổi mô hình tiêu thụ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng chất thải nhựa khiến ô nhiễm nhựa trở thành vấn đề môi trường mang tính toàn cầu và là thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Do vậy, việc phát động và hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” là nhiệm vụ cần thiết hiện nay của các cấp, ngành cũng như các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày không phải ngày một ngày hai mà làm được ngay. Vậy chúng ta có những cách nào để thay đổi thói quen này?

- Để từng bước thay đổi thói quen này, trong thời gian qua, Sở TN-MT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm làm chuyển biến hơn nữa nhận thức, hành động của các cấp, ngành, đoàn thể và từng người dân ở cộng đồng dân cư.

Giải pháp tuyên truyền được đơn vị chú trọng trước tiên. Trong đó, các sở, ngành và các hội đoàn thể là lực lượng nòng cốt. Mỗi đơn vị tùy theo đặc thù có cách tuyên truyền riêng, từ đó tạo ra sự đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. Tôi thấy có nhiều cá nhân, nhất là những người trẻ đã từ chối sử dụng các loại nhựa dùng một lần, dần dần tạo ra hiệu ứng tốt với những người xung quanh. Qua đó cho thấy người dân rất tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng cùng bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông.

Bên cạnh đó, Sở TN-MT đã phối hợp với các địa phương triển khai 6 mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), Ea Bia (huyện Sông Hinh), các thị trấn Hòa Hiệp Trung, Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), xã Xuân Phương và phường Xuân Yên (TX Sông Cầu) và mô hình phân loại rác tại Trường tiểu học Chu Văn An (TP Tuy Hòa). Thông qua đó từng bước hình thành thói quen hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, phân loại rác tại nguồn, bỏ rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định và trở thành nếp sống của mỗi gia đình.

Hiện Phú Yên đã đạt được kết quả gì và mục tiêu cụ thể đến năm 2020 để giảm thiểu túi ni lông khó phân hủy như thế nào, thưa bà?

- Hoạt động chống rác thải nhựa đã đạt được một số kết quả ban đầu đáng khích lệ. Nhiều hộ dân đã hạn chế được thói quen sử dụng túi ni lông khi đi chợ bằng cách tái sử dụng nhiều lần hoặc dùng các sản phẩm truyền thống thân thiện với môi trường như giỏ nhựa, túi cói, túi vải bao.

Đặc biệt, Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, một trong những trung tâm thương mại lớn của tỉnh, 8 năm qua đã đưa 100% túi ni lông tự hủy sinh học thay thế hoàn toàn túi ni lông khó phân hủy thông thường. Một số đơn vị kinh doanh khác cũng khuyến khích khách hàng sử dụng túi được làm từ chất liệu thân thiện với môi trường như vải bố, vải không dệt có thể giặt sạch để sử dụng lại nhiều lần.

Tuy nhiên, thực tế ô nhiễm môi trường do túi ni lông vẫn đang là vấn đề bức xúc trên địa bàn tỉnh. Để tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự chung tay hưởng ứng của cộng đồng trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông, đơn vị đang tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó xác định rõ các nhiệm vụ của mỗi sở, ban ngành, hội đoàn thể và địa phương. Để đến năm 2020, chúng ta đạt mục tiêu giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, giảm 50% tại các chợ dân sinh, thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Xin cảm ơn bà!

(*) Tiêu đề "Phú Yên: Chung tay chống rác thải nhựa" do Môi Trường Á Châu đặt lại, tiêu đề gốc: Cộng đồng cùng chung tay chống rác thải nhựa.

Nguồn: Minh Duyên/Trang Thông tin điện tử Báo Phú Yên

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc