Mỗi năm mức tiêu thụ nhựa của Việt Nam tăng khoảng 15%. Riêng năm 2023, tổng lượng hạt nhựa trong nước lên tới gần 10 triệu tấn. Tuy nhiên, mới chỉ có 33% số nhựa trên được tái chế… Đây là cơ hội và cũng là thách thức của thị trường nhựa tái chế Việt Nam.
Thị trường Việt Nam hiện nay ghi nhận rất nhiều cơ hội cho sự phát triển của nhựa tái chế. Đầu tiên, cần kể tới khung pháp lý khá toàn diện về quản lý chất thải rắn, quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu, giảm thiểu rác đại dương, Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện nền kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Đặc biệt, cơ chế bắt buộc về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng lực tái chế và phát triển thị trường minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đưa ra các quy định về việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn và thực thi phân loại tại nguồn sẽ làm tăng tỷ lệ thu gom và năng lực phân loại, đây là một trong những khâu quan trọng để tái chế nhựa.
Bên cạnh hành lang pháp lý, theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng về phế liệu nhựa và dư địa về đầu tư công nghệ, là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp tái chế chất thải nhựa. Theo Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam Hoàng Đức Vượng, năm 2023, nước ta nhập khẩu 7,5 triệu tấn hạt nhựa. Cộng với khoảng hơn 2 triệu tấn sản xuất trong nước thì tổng lượng hạt nhựa trong nước lên tới gần 10 triệu tấn. Cùng với đó, mức tiêu thụ nhựa của nước ta tăng khoảng 15%/năm. Tuy nhiên, mới chỉ có 33% số nhựa trên được tái chế.
Ngoài ra, hiện nay, nhà sản xuất ngày càng tăng nhu cầu về thay thế nhựa nguyên sinh bằng vật liệu tái chế. Hơn nữa, các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay cơ bản đã có nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến tái chế chất thải nhựa. Theo khảo sát, trên 50% doanh nghiệp hiểu biết về quy định liên quan đến tái chế chất thải nhựa trong Luật BVMT 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP…
Một tín hiệu đánh mừng nữa là hiện nay, khoảng 67% doanh nghiệp tái chế nhựa (thuộc khu vực chính thức) có trình độ công nghệ từ mức khá trở lên. Các doanh nghiệp khảo sát đều có hệ thống xử lý môi trường (khí thải, nước thải) và ký hợp đồng với bên thứ ba để xử lý chất thải. Và hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách các nhà tái chế đạt tiêu chuẩn thực hiện chính sách EPR, trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp tái chế nhựa.
Tái chế bao bì nhựa là một trong những ngành được nhiều doanh nghiệp quan tâm và đầu tư bài bản.
Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, thị trường nhựa tái chế hiện nay của nước ta cũng gặp không ít thách thức. Trong đó, có thể kể đến như: Còn thiếu các quy định cụ thể về phát triển kinh tế tuần hoàn như: thiết kế sinh thái; Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các sản phẩm tái chế; Quy định về tỷ lệ nhựa tái chế bắt buộc trong các sản phẩm…
Cùng với đó, hoạt động tái chế còn phụ thuộc rất nhiều vào nhựa phế liệu nhập khẩu. Nguồn nhựa phế liệu nhập khẩu ổn định, đáp ứng yêu cầu về độ sạch, được phân loại theo đúng chủng loại, thuận lợi hơn cho hoạt động tái chế và đảm bảo chất lượng sản phẩm tái chế.
Nguồn nhựa phế liệu trong nước không ổn định, khó khăn trong việc thu gom, xử lý vật liệu đầu vào làm tăng chi phí trong hoạt động tái chế, đồng thời đẩy các doanh nghiệp tái chế nhựa vào thế bị động về nguồn cung, khiến ngành tái chế nhựa khó triển khai các dự án tái chế quy mô lớn.
Cùng với đó, nước ta còn thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin công khai, minh bạch về nguyên liệu, sản phẩm của các hoạt động tái chế nhựa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái chế cũng như các bên liên quan tiếp cận thông tin. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức, thiết lập, vận hành mạng lưới thu hồi, thực hiện trách nhiệm tái chế và xử lý bao bì nhựa sau khi thải bỏ. Cũng như là tiếp cận thị trường nhựa tái chế…
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng các chuyên gia đều cho rằng, việc phát triển thị trường nhựa tái chế, hạn chế vứt bỏ sản phẩm nhựa ra môi trường là yêu cầu tất yếu để quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, hướng đến kinh tế tuần hoàn. Đúng như ông Vượng chia sẻ: Liên Hợp quốc cũng đang soạn thảo hiệp ước ràng buộc quản lý rác thải nhựa trên toàn cầu. Việt Nam muốn chống rác thải nhựa hiệu quả cũng cần phải nhập cuộc. Phải phát triển thị trường nhựa tái chế để sản phẩm nhựa tái chế của Việt Nam xuất khẩu được, đi được vào các thị trường khó tính như châu Âu.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT, “Phát triển thị trường nhựa tái chế: Cơ hội và thách thức” đăng ngày 24/04/2024, xem tại link: https://monre.gov.vn/Pages/phat-trien-thi-truong-nhua-tai-che-co-hoi-va-thach-thuc.aspx, truy cập ngày 28/05/2024.