Trong lĩnh vực tài nguyên nước, hệ thống thể chế, chính sách tương đối đầy đủ, phát huy tính hiệu quả, hiệu lực ở cả trung ương và địa phương. Việc giám sát được tăng cường đã khiến hệ thống pháp luật phát huy hiệu quả.
Luật Tài nguyên nước ra đời năm 2012. Quan điểm quan trọng nhất đã được thể chế hóa trong Luật cũng như hiện thực hóa trong đời sống, đó là quản lý tổng hợp tài nguyên nước, coi tài nguyên nước là tài sản, là nguồn lực chung của quốc gia và phải được quản lý thống nhất.
Việc quản lý tổng hợp đã khắc phục được những bất cập trước đây khi quản lý tài nguyên nước theo cơ chế đơn ngành, quản lý theo từng ngành dọc, theo các đơn vị sử dụng nước riêng lẻ và không có sự kết nối.
Luật Tài nguyên nước 2012 đã bổ sung nhiều biện pháp, chế tài để bảo vệ tài nguyên nước, gắn bảo vệ tài nguyên nước với khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra; bảo vệ tài nguyên nước gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ các dòng sông, định hướng áp dụng cơ chế thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước,…
Đến nay, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Bên cạnh các quy định chung để quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước,... Luật đã quy định các yêu cầu cụ thể đối với từng mục đích khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng đến vận hành công trình, trong đó có công trình thủy lợi, thủy điện; những vấn đề về phân phối tài nguyên nước, chuyển nước trên các lưu vực sông,... đã thể hiện nguyên tắc công bằng, hợp lý giữa các đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Quản lý tổng hợp đến đảm bảo tài nguyên nước được khai thác, sử dụng bền vững, hướng tới nền tăng trưởng xanh (ảnh: DWRM)
Hiện nay, đã có khoảng hơn 15 nghìn công trình khai thác, sử dụng nước 165 và xả nước thải vào nguồn nước đã được quản lý từ trung ương đến địa phương thông qua biện pháp, công cụ cấp phép. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, bước đầu nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, cấp giấy phép về tài nguyên nước đã nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài nguyên nước ở các địa phương và ý thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần đưa công tác quản lý tài nguyên nước vào nề nếp.
Việc triển khai thực hiện chính sách tài chính trong lĩnh vực tài nguyên nước bao gồm: việc thu, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; chính sách ưu đãi các hoạt động đầu tư cung cấp nước sinh hoạt, thu gom, xử lý nước thải và các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, cải thiện và nâng cao chất lượng nước; chính sách thu hút huy động các nguồn lực tài chính từ mọi thành phần trong xã hội; chính sách bảo đảm hài hòa giữa trách nhiệm với lợi ích, giữa khai thác với bảo vệ tài nguyên nước.
Ngoài ra, để tăng cường công tác giám sát khai thác, sử dụng nước, năm 2017 Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 47/2017/TTBTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Theo đó quy định các chủ hồ phải lắp đặt thiết bị, camera giám sát, truyền thông tin, dữ liệu hồ chứa như mực nước hồ, lưu lượng xả nước, lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu để cung cấp kịp thời thông tin, số liệu vận hành phục vụ công tác quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Việc lắp đặt thiết bị do chủ công trình khai thác sử dụng nước tự chịu trách nhiệm và kết nối về hệ thống của Bộ TNMT. Đến nay, đã hoàn thành việc kết nối giám sát trực tuyến trên 400/1.200 công trình thuộc quy mô cấp phép của Bộ. Tiếp theo đó, Bộ sẽ tiến hành kết nối với hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các địa phương trên cả nước.
Nguồn: Môi Trường Á Châu