Rác thải sẽ trở thành nguồn tài nguyên tái chế phục vụ cho cuộc sống của con người nếu như quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được thực hiện một cách khoa học và triệt để. Một khâu quan trọng trong quá trình này chính là việc phân loại rác thải như thế nào để việc thu gom, xử lý có thể thực hiện nhanh chóng và dễ dàng.
Thực hiện mục tiêu này, Ban quản lý Khu công nghiệp (KCN) - Khu chế xuất (KCX) TPHCM (Hepza) đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) trong các KCN-KCX.
Rác thải được phân loại tại nguồn ở một nhà máy trong KCX Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Chung tay vì môi trường xanh
Theo Hepza, qua công tác kiểm tra thực hiện công tác PLRTN của một số doanh nghiệp tại KCN Tân Thới Hiệp, KCN Vĩnh Lộc..., Ban quản lý thấy bên cạnh một số doanh nghiệp thực hiện tốt thì vẫn còn một số doanh nghiệp chưa triển khai PLRTN. Để thực hiện kế hoạch PLRTN của UBND TPHCM, Hepza tiếp tục đề nghị các KCN-KCX đẩy mạnh công tác này nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để thực hiện tốt công tác thu gom chất thải sinh hoạt trong các KCN-KCX, Hepza đề nghị các công ty phát triển đầu tư hạ tầng thực hiện một số giải pháp như bố trí thùng rác (loại 240 lít có nắp đậy dán nhãn theo đúng hướng dẫn, quy định) công cộng trong các KCN-KCX; hỗ trợ giám sát việc thực hiện phân loại rác của các doanh nghiệp trong khu; phản ánh và báo cáo về Hepza các đơn vị thu gom thực hiện chưa đúng theo hướng dẫn, quy định của Sở TN-MT TPHCM.
Thực hiện chủ trương của thành phố về PLRTN, ghi nhận thực tế cho thấy, thời gian qua, một số KCN-KCX trên địa bàn thành phố đã chủ động triển khai, tuyên truyền chương trình PLRTN. Trao đổi về lĩnh vực này, đại diện KCX Linh Trung (quận Thủ Đức) cho biết, thực hiện chủ trương của UBND TPHCM về PLRTN, KCX Linh Trung đang triển khai các kế hoạch như bố trí vị trí lắp đặt thùng rác 2 ngăn, có dán nhãn phân loại các loại rác. Tập huấn và kêu gọi doanh nghiệp đang hoạt động trong khu tham gia PLRTN bằng những hoạt động cụ thể như bỏ rác đúng nơi quy định, bỏ đúng giờ. Tổ chức các lớp nâng cao nhận thức cho công nhân về PLRTN nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung. Thời gian tới, KCX Linh Trung sẽ tuyên truyền chương trình PLRTN một cách rộng rãi bằng loa phát thanh lắp đặt trong khu. Tương tự, từ năm 2012, KCX Tân Thuận đã thực hiện thí điểm PLRTN trong khu. Bước đầu, phối hợp với từng doanh nghiệp thực hiện phân loại có hiệu quả đối với các loại chất thải hữu cơ và vô cơ để chuyển giao cho đơn vị chức năng thu gom và xử lý đúng quy định. Đối với các chất thải phát sinh từ hoạt động của KCX, Công ty TNHH Tân Thuận đã trang bị máy băm nhuyễn cành cây để trộn với bùn thải không nguy hại từ hệ thống xử lý nước thải và các men sinh hóa dùng ủ làm phân bón cho các loại cây trồng trong nội bộ của KCX. Việc làm này thực sự có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, giảm thiểu chi phí, giảm thiểu chất thải ra môi trường. KCX Tân Thuận đã được Hepza lựa chọn để thí điểm ứng dụng xây dựng mô hình KCX đạt các tiêu chí là KCX xanh đầu tiên của thành phố, từ đó làm cơ sở triển khai áp dụng cho các KCN-KCX còn lại tại TPHCM.
Quản lý đơn vị thu gom
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban Hepza, cho biết để thực hiện chương trình này, Hepza đã biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn phù hợp với phạm vi thực hiện kế hoạch và phát hành đến doanh nghiệp; tổ chức các buổi tuyên truyền cụ thể về chương trình cho lực lượng gom rác dân lập tại nguồn. Đồng thời làm việc với các công ty phát triển hạ tầng KCN-KCX về việc triển khai PLRTN, yêu cầu bố trí 2 thùng rác riêng biệt có dán nhãn tên tại các đường nội bộ và vị trí công cộng trong KCN-KCX. Hepza cũng đề nghị các KCN-KCX giám sát việc thu gom rác của các đơn vị thu gom và báo cáo về Hepza hay Sở TN-MT TPHCM khi các đơn vị này thu gom không đúng quy định của chương trình để kịp thời chấn chỉnh. Bên cạnh đó, Hepza cũng đã chuyển các tài liệu nội dung tuyên truyền, hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn và đường dẫn đến website của Sở TN-MT TPHCM để các doanh nghiệp biết và thực hiện theo đúng quy định nhằm phục vụ tốt công tác PLRTN đến doanh nghiệp trong các KCN-KCX. Không dừng lại ở đó, Hepza cũng yêu cầu các công ty phát triển hạ tầng tiếp tục đánh giá những đơn vị có đủ năng lực đáp ứng điều kiện thu gom rác theo quy định của Chính phủ và UBND TPHCM thì tạo điều kiện để các đơn vị này tiếp tục thu gom. Những đơn vị nào không đủ năng lực thì báo đến chủ nguồn thải để chọn đơn vị thu gom khác phù hợp hoặc đề nghị xử phạt theo quy định.
Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, nhìn nhận ở rất nhiều KCN-KCX trên địa bàn thành phố, tình trạng rác sinh hoạt thải bỏ lung tung còn rất phổ biến, nhất là cửa ngỏ ra vào trước các KCN-KCX. Ở đây luôn tồn tại nhiều gánh hàng rong, chợ tự phát phục vụ công nhân, vì thế lượng rác thải ra nhiều, lại không được quản lý chặt chẽ nên gây mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh tật do rác thải gây ra. Để hạn chế tình trạng này, Sở TN-MT TPHCM và Hepza đã và đang đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền cũng như chế tài. Cụ thể, Sở TN-MT TPHCM sẽ luôn cập nhật, phổ biến chủ trương của UBND TP về thực hiện PLRTN. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị thu gom rác thải về phương tiện, lịch trình thu gom và đẩy mạnh công tác giám sát theo dõi.
>>Xem thêm: Phân loại rác tại nguồn trong KCN - KCX
Theo Sở TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn: SGGPO)