Phân loại rác tại nguồn là chủ trương đúng, song cần thời gian để thích nghi

Thứ 3, 29/08/2023, 10:06 GMT+7

Phân loại rác tại nguồn là chủ trương đúng, song cần thời gian và tăng ý thức thì mới hình thành được thói quen không chỉ cho người trẻ.

Theo Điều 26 của Nghị định số 45/NĐ-CP ban hành ngành 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng sẽ chính thức áp dụng kể từ ngày 1/1/2025. Đây là nội dung liên quan đến từng cá nhân, hộ gia đình trên cả nước nên cần có lộ trình rõ ràng và giải pháp thực hiện hiệu quả để đưa chính sách vào cuộc sống.

Phân loại rác tại nguồn

Hình ảnh minh họa

Rác thải cụ thể chia ra gồm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Ngày 10/1/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, theo đó các địa phương có trách nhiệm vận dụng phù hợp đối với các quy định về vận chuyển, thu gom rác thải rắn sinh hoạt. Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về việc phân loại rác tại nguồn, thực hiện phù hợp với hạ tầng kỹ thuật của từng địa phương. Do đó, các địa phương cần rà soát hạ tầng kỹ thuật, cần đầu tư làm sớm để có lộ trình thực hiện.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiến cũng cho biết, các địa phương có thể quy định chi tiết về kỹ thuật như người dân cần sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt phân loại theo màu để phân biệt. Thông tư 02/2022/TT-BTNMT cũng nêu rõ, về kỹ thuật màu sắc của túi đựng chất thải, các địa phương phải quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương đó. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý chất thải rắn trên địa bàn. 

Để phân loại rác thải rắn sinh hoạt thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện nội dung này. Trong đó, việc thực hiện truyền thông liên tục, có bài bản, đơn giản hóa nội dung và dễ hiểu đến với người dân là quan trọng.

Tại Thừa Thiên Huế, mới đây, sau khi Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO), chính quyền địa phương, các tổ dân phố… tuyên truyền, phát tờ rơi, dựng các thùng rác có ghi rõ các loại rác tái chế, nguy hại… thì người dân bắt đầu có ý thức trong việc phân loại rác thải từ gia đình.

Phân loại rác tại nguồn

Người dân bỏ rác tại thùng phân loại rác

Một người dân chia sẻ: "Trước đây, tất cả các loại rác được gom chung trong một thùng, nay mẹ tôi chia thùng rác thành hai ô, một ô để rác tái chế, một ô để rác không tái chế. Khi xe rác đến thu gom, các loại rác đều được bỏ trong bao nilong loại tự hủy gọn gàng, buộc chặt để không bốc mùi hôi. Nơi tôi ở đa số người dân đều có ý thức như thế. Họ tập kết rác sau 5 giờ chiều theo quy định của trưởng xóm, ai đưa rác ra sớm hơn đều bị nhắc nhở qua hình ảnh camera an ninh. Thế nên, việc thu gom rác của các anh chị công nhân cũng thuận tiện hơn nhiều.

Thế nhưng không phải ở khu dân cư nào cũng được như vậy, nhà nào cũng phân loại rác từ nguồn. Rất nhiều nơi, nhất là một số quán ăn, kinh doanh các dịch vụ ăn uống…, việc gom rác, xả rác khá bừa bãi. Chuyện phân loại rác gần như không được thực hiện. Các loại rác được quét dọn thu gom chung và nhiều lúc vứt bừa bãi ra đường. Có nhiều nơi có đặt thùng rác công cộng nhưng một số người thiếu ý thức hoặc lười biếng cứ tiện tay là ném khi chạy xe ngang qua. Tất nhiên là có nhiều túi rác không chỉ không vào đúng thùng rác đã ghi rõ loại mà còn rơi vãi tung tóe ra đường rất nhếch nhác, phản cảm"

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty HEPCO, hiện giá thu gom rác thải sinh hoạt đã có sự phân hóa cụ thể ở từng vị trí, đô thị, nông thôn, doanh nghiệp cá nhân. Theo đó, ở địa bàn TP. Huế với hộ dân cư không kinh doanh, vị trí mặt tiền hiện giá thu gom rác sinh hoạt 66.000/tháng, kiệt ngõ 53.000 đồng/tháng; ở Hương Trà, Hương Thủy lần lượt là 52 và 43.000 đồng/tháng. Hộ kinh doanh mặt tiền nhóm 1 (địa bàn TP. Huế) 180.000 đồng/tháng, nhóm 2 là 127.000 đồng/tháng…

Dù đã có sự phân hóa giá thu gom, nhóm đối tượng; tuy nhiên có thể thấy việc tính giá vẫn còn một số bất cập. Ví dụ hộ cá nhân không kinh doanh nhưng không phải nhà nào cũng như nhà nào. Hộ gia đình 1-2 người sẽ khác với những gia đình 5 -7 người. Số người càng nhiều thì lượng rác thải sinh hoạt càng lớn. Có nhiều gia đình sống ba bốn thế hệ thì chắc chắn rác thải sẽ hơn những gia đình chỉ một hai thế hệ. Hơn nữa, phí thu gom vẫn còn đánh đồng các loại rác mà chưa có sự phân định rõ ràng, cụ thể hơn.

Ở một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, hiện đang triển khai ngoài phí thu gom còn thêm phí vận chuyển. Huế cũng nên tính đến phương án này. Bên cạnh đó cũng cần định lượng cụ thể về số lượng rác thu gom với hộ cá nhân/kinh doanh. Ví dụ với mức đó tiền thì tương đương với bao nhiêu kg rác thải ra. Vượt quá thì phải trả thêm phí. Tất nhiên để định lượng được lượng rác thải dù không dễ, nhưng cũng không hẳn là không có cách. Ở một số nước, đơn vị thu gom phát túi thu gom và tính vào chi phí thu gom. Mỗi túi như vậy được ước lượng chứa bao nhiêu kg rác thải. Người dân cứ bỏ vào đầy túi rồi đem đến chỗ tập kết. Rác thải càng nặng, khó xử lý thì phí càng cao. Thế nên cũng giúp người dân đắn đo hơn khi thay các thiết bị, đồ dùng trong nhà như giường, tủ quần áo, bàn ghế gỗ... Nhờ thế mà họ tiết kiệm hơn lại tăng tuổi thọ sử dụng cho vật dụng thiết bị…

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc