Theo ước tính, hiện nay khâu sản xuất thô chỉ chiếm gần 15% giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, còn khoảng 85% giá trị nằm lại ở những khâu sau thu hoạch. Đó không chỉ là giá trị gia tăng từ khâu chế biến, mà trong mỗi sản phầm nông nghiệp còn ẩn chứa nhiều giá trị chưa được đánh thức.
Thực tiễn đã cho thấy, nhờ xây dựng được thương hiệu và gia tăng giá trị nên lúa gạo Việt Nam đã từng bước khẳng định được chỗ đứng tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia … Câu chuyện thành công của ngành lúa gạo nói chung, của xuất khẩu gạo nói riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 với tổng khối lượng chỉ tăng 22,2% nhưng tăng tới 34,7% về giá trị đã cho thấy Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thực sự đi vào cuộc sống. Ở nhiều địa phương từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến Đồng bằng Bắc bộ hay các tỉnh Tây Bắc … đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị. Đặc biệt, ở nhiều địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, bà con đã từng bước khai thác được những giá trị gia tăng từ nông nghiệp, kết hợp văn hóa, du lịch... để tạo nên một điểm đến thu hút du khách.
Theo TS Trần Công Thắng, trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp cùng hàng loạt tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh … thì nông nghiệp tích hợp đa giá trị sẽ tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... thay cho tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên.
TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT.
Nguồn: www.chinhphu.vn