Ảnh: Ông Nguyễn Thượng Hiền tại buổi trao đổi với Báo TN&MT
Tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết: Vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn hiện nay đang gặp nhiều bất cập, cụ thể: Bất cập về vấn đề quy hoạch vì việc quy hoạch không hợp lý đã dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chôn lấp chất thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh; Bất cập về việc đầu tư trong công tác quản lý chất thải nói chung, trong đó có chất thải sinh hoạt nông thôn chưa được quan tâm đúng mức; Khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế xã hội từng địa phương, đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng vùng miền. Hiện nay, có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, riêng đối với việc xử lý chất thải rắn tại các địa phương chưa được áp dụng các phương pháp và công nghệ đảm bảo, xảy ra tình trạng ở một số địa phương, mỗi xã có một lò đốt, các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt này hầu hết là các lò đốt quy mô nhỏ với công suất dưới 300kg/h. Với những lò đốt công suất nhỏ cấp xã này, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Mặt khác, các địa phương cũng gặp các khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn để vận hành lò đốt, trình độ vận hành của công nhân còn hạn chế, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đặc biệt là dioxin/Furan, đồng thời không phù hợp với mục tiêu xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung.
Trước những bất cập này, từ năm 2015, Bộ TN&MT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ khuyến cáo về việc hạn chế đầu tư các lò đốt nhỏ quy mô cấp xã. Sau đó, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương hạn chế việc đầu tư các lò đốt chất thải cấp thôn, xã này. Đến năm 2016, Bộ TN&MT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (QCVN 61-MT:2016/BTNMT), có hiệu lực từ ngày 1/5/2016. Theo đó, trong thời hạn 6 tháng (đến cuối năm 2016), các địa phương phải cải tạo nâng cấp các lò đốt chất thải rác sinh hoạt đảm bảo khí thải sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép; trong lộ trình 3 năm (từ 1/5/2016 – 1/5/2019) phải đáp ứng toàn bộ các yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; các địa phương không được đầu tư mới các lò đốt cỡ nhỏ cấp xã dưới 300kg/h kể từ ngày 1/5/2016; xây dựng cơ sở xử lý chất thải tập trung (xử lý các chất thải nông thôn liên xã, liên huyện) với công nghệ tiên tiến, hạn chế chôn lấp.
Trước thực trạng về vấn đề rác thải sinh hoạt nói chung, trong đó có vấn đề xử lý rác thải nông thôn như vậy, ngày 03/02/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn và Chủ tịch uỷ ban cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải tại địa phương mình.
Về phía Bộ TN&MT, trong thời gian qua, Bộ đã xây dựng Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam và Dự thảo Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý chất thải rắn để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Việc xây dựng và ban hành Đề án và Chỉ thị này sẽ đưa ra các giải pháp tổng thể, đột phá như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn, trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý chất thải rắn vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý chất thải rắn; Tăng cường xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn; Xây dựng và dự kiến ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến cáo áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương, trong đó chú trọng đến các công nghệ xử lý chất thải đi kèm với các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp.
Đồng thời, để tạo sự chuyển biến thực sự trong công tác quản lý về chất thải rắn, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, chúng tôi cụ thể hóa quan điểm “người gây ô nhiễm phải trả tiền". Theo đó, người phát sinh ô nhiễm buộc phải đóng góp kinh phí cho Nhà nước theo khối lượng chất thải phát sinh hàng ngày để tăng cường cho việc thu gom xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng, đối với chất thải rắn khu vực nông thôn căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội đặc thù sẽ có các quy định cho phù hợp với thực tế, trong đó một trong những nội dung quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại chất thải tại nguồn và sự giám sát của cộng đồng của các tổ chức, chính trị- xã hội trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nông thôn. Đặc biệt, không khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở quy mô cấp xã.
Để quản lý tốt rác thải ở các vùng nông thôn, ông Nguyễn Thượng Hiền cũng đã đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Thời gian qua Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có yêu cầu rõ việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Các địa phương phải áp dụng các công nghệ tốt, hiện đại, thân thiện với môi trường để xử lý chất thải nông thôn.
Về phía các địa phương, cần rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn để đáp ứng yêu cầu về vấn đề xử lý. Trước hết, các địa phương phải rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, có kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh. Các địa phương, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương để chấm dứt việc sử dụng các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, các khu vực lưu giữ chất thải, các bãi chôn lấp không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay.
Đồng thời, khi các địa phương triển khai hoạt động lò đốt chất thải cần phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (QCVN 61-MT:2016/BTNMT). Nếu thực hiện đúng Quy chuẩn này, sẽ không còn tồn tại những lò đốt nhỏ quy mô cấp xã không đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc, các địa phương phải đầu tư công nghệ xử lý hiện đại, phù hợp.
Ngoài ra, cần vận động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị, xã hội vào việc truyên truyền phân loại rác tại nguồn, có như vậy, việc xử lý rác mới đạt hiệu quả lâu dài, và rác không còn là một gánh nặng môi trường ở mỗi vùng nông thôn. Đồng thời, nên tận dụng chất thải sinh hoạt tái sử dụng, chế biến làm phân hữu cơ, bán, biến rác thành tài nguyên phục vụ kinh tế tuần hoàn...