Nhiều quy định mới về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng

Thứ 3, 01/08/2023, 05:10 GMT+7

Bắt đầu từ ngày 1/3/2023, việc khai thác tàu bay phải đảm bảo các yêu cầu, kỹ thuật về bảo vệ môi trường như thu gom, phân loại chất thải, giảm thiểu khí thải, tiếng ồn…

Theo Thông tư số 52/2022/TT-BGTVT về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng có hiệu lực từ 01/3/2023, người khai thác tàu bay phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thu gom, phân loại chất thải từ tàu bay. Bên cạnh đó, người khai thác tàu bay phải có trách nhiệm áp dụng các giải pháp công nghệ trong khai thác tàu bay nhằm giảm thiểu tiếng ồn, khí thải từ tàu bay. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay có trách nhiệm tối ưu hóa đường bay, phương thức bay, quỹ đạo cất hạ cánh nhằm giảm thiểu thời gian bay, tiếng ồn, khí thải từ tàu bay.

Cũng theo Thông tư số 52/2022/TT-BGTVT, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của cảng hàng không, sân bay bao gồm: Hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; hệ thống thu gom, xử lý, thoát nước thải; Quan trắc môi trường lĩnh vực hàng không; Các công trình bảo vệ môi trường lĩnh vực hàng không.

Hệ thống thu gom, xử lý, thoát nước thải trong phạm vi cảng hàng không và sân bay phải đảm bảo chất lượng nước thải sau khi xử lý trước khi xả vào nguồn tiếp nhận đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Hệ thống, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại trong phạm vi cảng hàng không, sân bay phải được xây dựng, vận hành đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường.

Nhiều quy định mới về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng

Nhiều quy định mới về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng

Trong đó, đối với bụi, khí thải tại cảng hàng không, sân bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm thiết lập các tuyến giao thông nội cảng hợp lý nhằm giảm thiểu quãng đường hoạt động của phương tiện, thiết bị hoạt động trong khu vực cảng, sân bay. Tổ chức khai thác hệ thống phương tiện, trang thiết bị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm xây dựng, áp dụng các giải pháp giảm thiểu khí thải bao gồm: Bảo dưỡng định kỳ hệ thống phương tiện, trang thiết bị sử dụng; Hạn chế hoạt động của động cơ khi phương tiện, thiết bị tạm dừng hoạt động; Áp dụng tốc độ, chế độ tăng tốc hợp lý khi phương tiện, thiết bị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.

Khuyến khích sử dụng nguồn cấp điện, thiết bị điều hòa không khí trên mặt đất bằng thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoặc sử dụng nhiên liệu sạch; Cơ sở bảo dưỡng tàu bay có trách nhiệm áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí thải động cơ tàu bay trong quá trình thử nghiệm động cơ tàu bay. Chủ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trong khu vực cảng hàng không, sân bay phải có các biện pháp đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát bụi, khí thải, không làm phát tán bụi, gây ô nhiễm không khí trong quá trình thi công.

Đối với nước thải tại cảng hàng không, sân bay, Thông tư quy định người khai thác cảng hàng không có trách nhiệm: Đảm bảo các quy định về hệ thống thu gom, xử lý, thoát nước thải quy định Hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay thực hiện việc thu gom, xử lý, quan trắc giám sát chất lượng nước thải đáp ứng yêu cầu về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải trước khi xả ra ngoài. Trong quá trình hoạt động có biện pháp ngăn chặn rò rỉ trực tiếp hoặc gián tiếp nhiên liệu, dầu mỡ, hóa chất phát tán ra khu vực xung quanh; khi có cảnh báo của cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế tại cảng hàng không, sân bay về dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì phải tổ chức khử trùng nước thải từ tàu bay theo quy định trước khi xử lý.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không có trách nhiệm: Tuân thủ yêu cầu về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải trước khi xả ra ngoài; đấu nối hệ thống thoát nước thải vào hệ thống thoát nước thải chung của cảng hàng không sân bay hoặc đấu nối vào mạng lưới thoát nước của địa phương khi được chấp thuận.

Cơ sở bảo dưỡng tàu bay, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm xây dựng, áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, bao gồm: ngăn chặn rò rỉ trực tiếp hoặc gián tiếp nhiên liệu, dầu mỡ, hóa chất ra khu vực cảng hàng không, sân bay trong quá trình bảo dưỡng tàu bay, trong quá trình khai thác, bảo dưỡng hệ thống phương tiện và trang thiết bị; phân tách dầu mỡ lẫn trong nước thải từ hoạt động bảo dưỡng tàu bay, phương tiện, trang thiết bị trước khi xả thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của cảng hàng không, sân bay; thực hiện bảo dưỡng, rửa tàu bay, phương tiện, trang thiết bị tại khu vực có hệ thống thu gom và phân tách dầu mỡ khỏi nước thải...

Nguồn: congnghiepmoitruong.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc