Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp
Sáng 12/7, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp quản lý nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các đại biểu đề xuất giải pháp ngăn chặn hàng phế liệu ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Tham dự cuộc họp có đại diện Văn phòng Chính phủ và đại diện các bộ: Tài chính, Công thương, Công an, Tư pháp, Giao thông vận tải cùng với lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan đến công tác này của Bộ tài nguyên và Môi trường.
Khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến
Trình bày báo cáo về công tác, quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết:
Trong những năm qua, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất thép, giấy, nhựa và xi măng có xu hướng gia tăng mạnh. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng gấp 2-3 lần tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại cuộc họp
Đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần gấp 2 lần so với cả năm 2017. Nguyên nhân sự gia tăng nhập khẩu phế liệu này là từ đầu năm 2017 đến nay, do nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu thu hút đầu tư... kéo theo nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao, dẫn đến doanh nghiệp trong nước tăng cường nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất.
Phế liệu được các doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc từ rất nhiều nước khác nhau trên thế giới. Về tình hình tồn đọng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển, qua công tác kiểm tra của Bộ TN&MT cho thấy, lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng của TP.HCM, một số cảng khác như cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép cũng có tồn đọng phế liệu nhưng không nhiều.
Tại Tân cảng Sài Gòn, theo số liệu của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, tính đến thời điểm ngày 26/6/2018, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các Cảng do Tổng công ty quản lý là 4.480 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam.
Tại các cảng của thành phố Hải Phòng, theo số liệu báo cáo của Cục Hải Quan thành phố Hải Phòng hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container và 507 container có thời hạn từ 30-90 ngày.
“Hiện nay, việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận, xã hội; làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng; làm chậm lưu thông hàng hóa; giảm dung lượng bãi chứa container; ảnh hưởng đến hoạt động của Hải quan; ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu; làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp” - ông Hoàng Văn Thức nói.
Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trình bày báo cáo về công tác, quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất
Đâu là nguyên nhân?
Về nguyên nhân tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng biển, báo cáo nêu những nguyên nhân như: một số nước như Trung Quốc, Thái Lan đã ban hành quy định dừng nhập khẩu một số loại phế liệu phục vụ tái chế đã dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu…) sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaixia. Do đó một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa.
Ngoài ra, theo thông tin từ các hãng tàu, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển.
Đại diện Bộ Công An nêu đề xuất giải pháp
Về nguyên nhân chủ quan, nhiều chủ hàng hoặc doanh nghiệp nhập khẩu không đến làm thủ tục thông quan do chưa có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu, gây tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cảng biển đặc biệt là tại cảng Cát Lái TP. HCM.
Bên cạnh đó, một số nhà nhập khẩu có Giấy xác nhận quá hạn hoặc giả mạo Giấy xác nhận, hoặc dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác liên hệ với các hãng tàu để đưa hàng về Việt Nam, nhưng không thể thông quan hàng nên gây tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cảng biển.
Một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chỉ ma) hoặc đã chuyển địa chỉ mà không cập nhật nhưng cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định nên không làm thủ tục, Cơ quan Hải quan không liên hệ được để nhận hàng.
Một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hoá không có phế liệu, nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng hóa là phế liệu.
Đại diện Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) phát biểu tại cuộc họp
Bên cạnh đó, một số lượng lớn container tồn đọng lâu ngày, chủ hàng không đến nhận hàng, có nhiều container lưu tại bãi cảng từ 5 đến 6 năm có thể bị hư hỏng, phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi ngày càng lớn gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp cảng và hãng tàu. Ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp cảng biển và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng biển.
Và việc Việt Nam chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới (nước ngoài), chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Vì thế, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về… cũng là một nguyên nhân.
Đại diện Bộ Công thương nêu giải pháp
Đa dạng các giải pháp
Về các giải pháp tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu trong thời gian tới, cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phế liệu nhập khẩu theo hướng đồng bộ giữa các yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mai và Luật Hàng hải; tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa, ngoài biên giới đối với hoạt động thương mại nhập khẩu phế liệu; rà soát sửa các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuât đối với phế liệu nhập khẩu theo hướng chặt chẽ, đảm bảo phế liệu nhập khẩu là phế liệu sạch; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho rà soát và sửa đổi Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu liệu sản xuất (Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ) theo hướng loại bỏ các phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường hoặc các phế liệu hiện nay trong nước đã chủ động được nguồn cung.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để giám sát chặt chẽ, chia sẻ thông tin về các cơ sở nhập khẩu phế liệu từ khâu nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng phế liệu nhập khẩu và xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật khi phát hiện có sai phạm.
Tăng cường công tác giám định, giám sát chất lượng phế liệu nhập khẩu khi làm thủ tục thông quan (có thể tiến tới có thông tin giám sát chất lượng phế liệu nhập khẩu từ quốc gia xuất khẩu phế liệu).
Tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác quản lý nhập khẩu phế liệu ở Trung ương và địa phương và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phế liệu nhập khẩu.
Nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường; thực hiện giảm dần việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài, đồng thời tăng cường tái sử dụng, tái chế phế liệu phát sinh trong nước…
Đại diện Bộ Giao thông vận tải nêu giải pháp
Phế liệu không có giấy phép, không rõ người nhận - dứt khoát không cho nhập
Phát biểu tại cuộc họp, cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện các Bộ cũng đã đề xuất nhiều giải pháp với vấn đề này. Theo ông Trần Thế Cường - Trưởng phòng dịch vụ vận tải (Cục Hàng hải - Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, trước khi hàng hóa phế liệu vào cảng, cần làm rõ: chủ hàng là ai? hàng hóa nhập khẩu cụ thể là gì?... Ông Trần Thế Cường cho rằng, nếu không trả lời được các câu hỏi trên thì cần tạm dừng việc nhập hàng phế liệu lên cảng vì nếu không phế liệu sẽ về ồ ạt.
Còn ông Trần Lưu Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, cần ràng buộc trách nhiệm chủ tàu khi nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Nếu chủ tàu nào có gian lận, cần cương quyết xử lý.
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và đại diện các đơn vị: Bộ Tư pháp, Tổng cục hải quan (Bộ tài chính), Cục Điều tra tội phạm về buôn lậu (Bộ Công an), Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT)… đã đề xuất nhiều giải pháp đối với công tác này. Các ý kiến đều cho rằng cần tìm cách ngăn chặn hàng phế liệu đổ về Việt Nam, đây là xu hướng lớn, nếu không làm nhanh sẽ đem lại hậu quả lớn.
Đại diện Bộ Tư pháp nêu giải pháp
Phát biểu kết luận cuộc họp, cơ bản đồng tình với giải pháp của đại diện các bộ đưa ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết ngay sau cuộc họp, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện báo cáo Chính phủ về thực trạng, tình hình, xu thế đối với vấn đề nhập khẩu, sử dụng phế liệu của những nước trong khu vực và tình hình nhập khẩu phế liệu của Việt Nam, trong đó dự báo được tình trạng gia tăng số lượng, nêu rõ việc nhập khẩu này có phải dựa trên nhu cầu thực sự của nước ta hay không.
Về những việc cấp bách, cần làm ngay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng trước hết cần có cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến nhập khẩu phế liệu giữa các bên: Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính (liên quan đến: thuế, hải quan) và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, thông tin này cần cung cấp cho các địa phương để cùng quản lý.
Đối với các hãng tàu, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan liên quan cần có văn bản thông báo rõ với các hãng tàu khi vận chuyển phải có đầy đủ thông tin, hồ sơ liên quan đến phế liệu nhập khẩu, nếu không hãng tàu phải chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu, nếu xây dựng kho bãi, bảo quản cần đảm bảo về môi trường, cần có công nghệ xử lý tiên tiến... thì mới được nhập khẩu… Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ xem xét đối với những chủng loại hàng hóa mà hiệu quả thấp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì cần loại bỏ.
Đối với tình trạng những doanh nghiệp, các lô hàng nhập khẩu vào nước ta không chứng minh có giấy phép nhập thì cương quyết không cho nhập. “Phế liệu không có giấy phép, không rõ người nhận - dứt khoát không cho nhập. Chúng ta cũng sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông là kiên quyết không cho dỡ hàng” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cương quyết.
Đối với hiện tượng buôn bán phế liệu không đúng quy định pháp luật, lợi dụng bán về các làng nghề, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công thương có chỉ đạo kiểm tra, ngay ở Hưng Yên có thể thấy rõ để thấy tình trạng, nguyên nhân ngay. Biện pháp có thể là phạt hành chính, thu giấy phép.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tìm ra giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu phế liệu ồ ạt vào Việt Nam. Đồng thời Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành cùng tổ chức hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp và Hiệp hội về công tác nhập khẩu phế liệu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau cuộc họp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương triển khai một số nội dung về công tác nhập khẩu phế liệu trong thời gian tới.
Quang cảnh cuộc họp sáng 12/7 tại trụ sở Bộ TN&MT
>>Xem thêm: Nhiều giải pháp ngăn chặn hàng phế liệu ồ ạt tràn vào Việt Nam
Nguồn: Việt Hùng - Khương Trung/ Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT