Nhiều địa phương đã quan tâm đến xử lý rác cồng kềnh!

Thứ 4, 15/02/2023, 06:42 GMT+7

Trước tình trạng lượng rác cồng kềnh phát sinh ngày càng nhiều, một số địa phương đã kịp thời ban hành quy định việc thu gom, vận chuyển và xử lý để loại chất thải này không còn là mối lo.

Vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành đã ban hành Quyết định số 61/2022/QĐ-UBND quy định riêng về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cồng kềnh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận yêu cầu chất thải rắn (CTR) cồng kềnh phải được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng hoặc bằng các phương tiện đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; đảm bảo không rơi vãi chất thải, rò rỉ nước thải, phát tán mùi hôi trong quá trình vận chuyển.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có phát sinh CTR cồng kềnh có trách nhiệm tháo dỡ, giảm kích thước CTR cồng kềnh đến mức có thể lưu chứa được trong xe thu gom rác đẩy tay trước khi vận chuyển đến điểm tập kết. Trong trường hợp không tự tháo dỡ, giảm kích thước tại nơi phát sinh chất thải thì phải tháo và phân loại CTR cồng kềnh tại điểm tập kết hoặc cơ sở xử lý. CTR cồng kềnh sau khi tháo rã phải phân loại thành các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng và chỉ thải bỏ các thành phần không thể tái chế, tái sử dụng để giảm thiểu tối đa việc phát thải ra môi trường và tận dụng triệt để giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải.

CTR cồng kềnh sau khi tập kết về điểm tiếp nhận phải được vận chuyển đi xử lý ngay trong ngày để không ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan khu vực...

Khuyến khích tự tháo dỡ

Quy định mới nhất về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của UBND thành phố Hồ Chí Minh (tại Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND ban hành năm 2021), thành phố này khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể tự tháo dỡ và vận chuyển rác cồng kềnh.

Nếu không có khả năng vận chuyển thì có thỏa thuận với chủ thu gom, vận chuyển rác thải để lực lượng này thu gom, vận chuyển rác cồng kềnh đến nơi tiếp nhận.

Nơi tiếp nhận rác cồng kềnh là điểm hẹn, trạm trung chuyển rác hoặc điểm tiếp nhận rác cồng kềnh do chủ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt phối hợp với UBND cấp huyện xác định và công bố.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (Citenco), công ty hiện có gần 200 phương tiện hiện đại cùng đội ngũ công nhân chuyên nghiệp, 2 trạm trung chuyển chất thải rắn xây dựng, 2 trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, Citenco sẵn sàng tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh từ chủ nguồn thải là hộ dân, công ty, cao ốc, công trình…

Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, khối lượng rác cồng kềnh, rác thải xây dựng thải ra tại thành phố chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt, tương đương gần 2.000 tấn mỗi ngày.

Nhiều địa phương đã quan tâm đến xử lý rác cồng kềnh!

Ảnh minh họa

Mỗi xã, phường ít nhất 1 điểm tập kết

Mỗi xã, phường, thì trấn có ít nhất 01 điểm tập kết CTR cồng kềnh. Điểm tập kết này phải có mái che, đảm bảo che nắng, che mưa. Đó là quy định của UBND thành phố Hải Phòng tại Quyết định số 06/2023/QĐ-UBND vừa được ban hành ngày 9/2/2023.

UBND cấp xã phải thông báo số điện thoại liên hệ của đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH để các hộ gia đình, cá nhân biết, chủ động liên hệ, chuyển giao khi phát sinh CTR cồng kềnh.

Với chất thải rắn cồng kềnh không thể tái sử dụng trực tiếp, thành phố Hải Phòng yêu cầu cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có trách nhiệm tháo bỏ các phụ kiện đi kèm như: gương, kính, mảnh kim loại, bản lề, bảng điều khiển và phân nhóm các phụ kiện đi kèm vào các nhóm chất thải tương ứng theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên & Môi trường; sắp xếp gọn gàng, đảm bảo vệ sinh môi trường để chuyển giao cho cơ sở thu gom hoặc nơi tiếp nhận (điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc điểm tiếp nhận, xử lý chất thải rắn cồng kềnh). 

Xem thêm

Sống xanh: Chúng tôi tiếp nhận "0 đồng" quần áo cũ, đồ cũ, hàng cồng kềnh!

Thay mới, dọn nhà: Băn khoăn quần áo cũ, rác thải cồng kềnh (giường nệm, sofa, bàn ghế, …) cũ đi về đâu?

Tiếp nhận và cung cấp các giải pháp tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng các giải pháp có lợi cho môi trường!

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài Nguyên và Môi Trường.

Ý kiến bạn đọc