Nhà máy đốt rác thải này có tên ARC (Amager Ressource Center), nằm cách thành phố Copenhagen chỉ 3 km. Nhà máy này cao hơn 120 mét, được bao phủ bởi một thảm thực vật xanh rì và trông giống như một ngọn đồi nhỏ khi nhìn từ xa. Nó cũng được người dân địa phương gọi một cách trìu mến là "CopenHill".
Quan trọng hơn, cư dân xung quanh cũng có thể sống hòa thuận với nó, bởi vì CopenHill có "bức tường leo núi nhân tạo cao nhất thế giới", một khu trượt tuyết nhân tạo rộng 14.000 mét vuông và một loạt các không gian khác phục vụ nhu cầu thể thao và giải trí ngoài trời.
Nhà máy rác biến thành một vùng đất báu
Được thiết kế bởi công ty thiết kế BIG Architects, CopenHill có diện tích 41.000 mét vuông, và việc dạo quanh nó giống như đang đi bộ trong một công viên thành phố. Khi đứng trên tầng cao nhất, bạn có thể nhìn ra toàn bộ thành phố Copenhagen.
Về tổng thể, sườn dốc trượt tuyết nằm tách biệt, bên cạnh là những con đường mòn để đi bộ đường dài trong một công viên, phía ngoài tường là khu vực để leo trèo.
Bjarke Ingels, người sáng lập BIG Architects, cho biết: "Một thành phố bền vững không chỉ thân thiện với môi trường mà còn phải làm cho cuộc sống của công dân trở nên phong phú và hạnh phúc hơn".
Câu chuyện cổ tích về một Đan Mạch không phát thải carbon
CopenHill không phải là nhà máy đốt rác thải cao cấp đầu tiên ở Đan Mạch. Tháp năng lượng ở thành phố Roskilde cũng là một nhà máy đốt rác thải tuyệt vời.
Bức tường bên ngoài của nhà máy áp dụng thiết kế xốp mạ nhôm đặc biệt. Khi màn đêm buông xuống, mọi người có thể nhìn thấy ánh sáng chiếu qua lò đốt thông qua những lỗ này, tạo cảm giác ấm áp và có chút... khoa học viễn tưởng. Nhà máy đốt rác thải này có công suất xử lý hàng năm là 350.000 tấn, cung cấp điện và nhiệt cho toàn bộ khu vực đô thị bằng cách đốt cháy rác thải của 9 thành phố xung quanh và chất thải... nhập từ nước ngoài.
Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa việc xử lý chất thải. Vào những năm 1990, Đan Mạch ban hành luật cho các nhà điều hành các cơ sở đốt rác thải, quy định rằng tất cả các cơ sở đốt rác phải sử dụng công nghệ nhiệt và điện kết hợp để sản xuất điện và năng lượng nhiệt. Theo thống kê, kể từ năm 2015, chỉ có 1% chất thải của Đan Mạch được xử lý tại các bãi chôn lấp.
Ngày nay, Đan Mạch, với dân số chỉ 5,8 triệu người, có 34 nhà máy đốt rác thải, cung cấp 4,5% điện năng của đất nước và 20% hệ thống sưởi ấm.
Việc đốt chất thải truyền thống dễ dàng tạo ra các chất gây ô nhiễm không khí. Nhưng ở Đan Mạch, việc đốt rác gần như không gây ô nhiễm do sử dụng công nghệ lọc xúc tác và công nghệ vận hành nhiệt độ cực cao với công suất lớn. Tất cả các nhà máy đốt rác thải đều có hình thức đẹp, sạch sẽ và gọn gàng, còn lượng khí thải đều được quản lý theo tiêu chuẩn khí thải của EU.
Ngoài ra, "công nghệ sản xuất năng lượng đốt siêu tới hạn" do Đan Mạch phát triển có thể đốt cháy nhiều loại nhiên liệu như rác, khí tự nhiên và rơm rạ lúa mì trong cùng một lò, đồng thời tạo ra hiệu suất phát điện ròng cao tới 49%.
Lấy CopenHill làm ví dụ, so với các nhà máy nhiệt điện than truyền thống, nó có thể giảm 107.000 tấn khí thải carbon dioxide (CO2) mỗi năm, điều này cũng sẽ làm giảm lượng khí thải nitơ oxit 85% và hàm lượng lưu huỳnh 99,5%.
Ở Đan Mạch, năng lượng tạo ra trên 2 tấn rác thải là tương đương với 1 tấn than hoặc 0,5 tấn dầu. Tỷ lệ chuyển đổi và thu hồi năng lượng nhiệt hiệu quả như vậy phụ thuộc hoàn toàn vào việc phân loại rác nghiêm ngặt trong giai đoạn đầu.
Cụ thể hơn, không như một số quốc gia chỉ phân loại rác thành 3 hoặc 4 loại, người dân Đan Mạch cần phân loại rác thành 25 loại. Bao gồm giấy, thủy tinh, nhựa, kim loại, hóa chất, điện tử, rác thải vườn, rác quá khổ... Chúng sau đó có thể được chia thành gần 50 loại và gửi đến các trạm tái chế.
Trước khi vứt rác, mọi người dân cũng cần chú ý đến nhiều chi tiết, chẳng hạn như phải rửa sạch đồ uống còn sót lại trong chai nhựa và tách các túi nhựa chứa rác riêng để tái chế. Thông qua sự tham gia của toàn dân trong việc phân loại rác, hiệu quả thu gom rác đã được cải thiện rất nhiều.
Sau khi vào trạm tái chế, rác sẽ được chia nhỏ hơn nữa.
Rác được phân loại, tái chế và tái xử lý là một mắt xích trong dây chuyền tạo ra "kho báu" của Đan Mạch. Thị trưởng thành phố Copenhagen, Frank Jensen, đặt mục tiêu tới năm 2025, Copenhagen sẽ trở thành thành phố trung tính về carbon đầu tiên trên thế giới. Và lượng CO2 nơi này tạo ra có thể được bù đắp bằng cách trồng rừng và tái chế để đạt được mốc "không phát thải carbon".
Đan Mạch lo lắng về việc không đủ rác
Liên quan đến tương lai của CopenHill thì điều khó chịu duy nhất hiện nay có thể là... không có đủ rác để đốt. Nhà máy này tiêu thụ khoảng 400.000 tấn chất thải mỗi năm, nhưng 5 thành phố chịu trách nhiệm cung cấp rác cho nhà máy có thể không có nhiều rác đến như vậy.