Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11): Luật Bảo vệ môi trường ra đời năm nào và các cột mốc điều chỉnh?

Thứ 5, 09/11/2023, 08:09 GMT+7

Tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 - Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và doanh nhân.

Nhân hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Môi Trường Á Châu trân trọng trích lược, chia sẻ về bối cảnh, sự ra đời và cột mốc của Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 1993 đến nay!

Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11

Sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường 1993

Thực hiện sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong chương trình xây dựng pháp luật năm 1993, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội chịu trách nhiệm chủ trì thẩm tra Dự thảo Luật bảo vệ môi trường. Chính thức ngày 27/12/1993, Luật Bảo vệ môi trường chính thức được Quốc Hội ban hành.

Phù hợp trong xu hướng phát triển kinh tế và hội nhập, cũng như tạo bước tiến lớn trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta, Luật Bảo vệ môi trường tiếp tục được sửa đổi hai lần vào các năm 2005, 2014 và lần thứ 3 vào năm 2020.

Luật bảo vệ môi trường ra đời năm nào?

Về sự cấp thiết ban hành luật bảo vệ môi trường được ông Vũ Đình Cự, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đọc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IX, ngày 18-12-1993 như sau:

“Nước ta có thiên nhiên nhiệt đới đa dạng, nguồn tài nguyên phong phú, các cảnh quan thiên nhiên với các hệ sinh thái quý báu... Đó là điều kiện thuận lợi cho đời sống của nhân dân và sự phát triển đất nước. Bên cạnh những thuận lợi đó, cũng thường xảy ra thiên tai như lũ lụt, bão và nhiều biến động thiên nhiên bất thường khác gây thiệt hại. Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là, vì nhiều nguyên nhân, như đã nói trong tờ trình của Chính phủ, môi trường thiên nhiên nước ta, tuy công nghiệp phát triển chưa cao, mà cũng đã lâm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.
Các Mác đã khẳng định: "Văn minh - nếu như nó phát triển một cách tự phát mà không được hướng dẫn một cách tự giác... thì sẽ để lại phía sau một hoang mạc..."[1].

Phrêđrích Ăngghen đã cảnh cáo trong tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên" rằng: "Chúng ta không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi thì mỗi lần giới tự nhiên lại trả thù chúng ta. Thật thế, mỗi thắng lợi, trước hết đem lại cho chúng ta kết quả mà chúng ta hằng mong muốn, nhưng đến lượt thứ hai, thứ ba, thì nó gây ra tác hại hoàn toàn khác hẳn, không lường trước được, những tai họa thường phá hủy tất cả những kết quả đầu tiên đó"[2].

Các dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống văn hóa tốt đẹp là yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống. Trong Bộ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) cách đây trên 500 năm đã có 9 điều nói về nghĩa vụ bảo vệ môi trường sống và những hình phạt đối với những hành vi gây hại có liên quan tới bảo vệ môi trường, cảnh quan. Đạo Phật, một tôn giáo lâu đời ở nước ta, khuyến khích trồng cây và kỵ sát sinh, đã góp phần bảo vệ môi trường và giữ gìn đa dạng sinh học.
Sau khi cách mạng thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và gương mẫu thực hiện Tết trồng cây với tư tưởng "để cho đất nước càng ngày càng xuân". Người cũng đã phát động phong trào dọn vệ sinh hàng tuần nơi ở, nơi làm việc và nơi công cộng để tạo nếp sống văn minh. Yêu quý thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống trong lành là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ trước tới nay, Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản pháp luật quy định có liên quan về vấn đề bảo vệ môi trường trong từng ngành như đất đai, rừng, nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, dầu khí, phòng, chống lụt bão,... nhưng còn thiếu các quy định pháp luật bao quát, tạo thành hệ thống hoàn chỉnh, tập trung, thống nhất để nâng cao hiệu lực pháp luật.

Mặt khác, hiện nay với đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, có chính sách mở cửa với nước ngoài, nên các dự án đầu tư trong nước cũng như đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, với quy mô ngày càng lớn. Nếu ta không có hẳn một Bộ luật điều chỉnh việc quản lý bảo vệ môi trường thì vì lợi nhuận mà các nhà sản xuất, kinh doanh có thể sẽ sử dụng công nghệ sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, nhanh chóng gây suy thoái, ô nhiễm, thậm chí hủy hoại môi trường; khai thác, sử dụng các thành phần môi trường như đất, nước, tài nguyên, khoáng sản, rừng, biển, v.v. một cách bừa bãi, thậm chí nhập rác thải vào nước ta, thì đất nước phải gánh chịu một hậu quả xấu không lường được về môi trường, sau này sẽ tốn không biết bao nhiêu công sức, thời gian và tiền của để khắc phục. Kinh nghiệm của quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước đã chứng tỏ điều này.

Hai cuộc hội thảo quốc tế lớn, gồm nhiều nhà khoa học và quản lý môi trường có tên tuổi ở trong nước và ngoài nước, đã tổ chức ở Hà Nội trong năm nay về bảo vệ môi trường ở Việt Nam đổi mới, cũng đã khẩn thiết khuyến cáo điều này.

Ngoài ra, tình trạng suy thoái môi trường đang rất nghiêm trọng trên toàn cầu, khí hậu trái đất đang có chiều hướng ấm lên, tầng ô dôn bị thủng nhiều chỗ, mà thủ phạm chính là các nước công nghiệp phát triển. Ở các nước đang phát triển, tình trạng nghèo đói và sức ép dân số cũng đang tác động rất xấu đến môi trường. Vì vậy, bảo vệ môi trường đang là vấn đề đấu tranh quốc tế bức xúc của toàn nhân loại hiện nay.

Qua những lần xin ý kiến rộng rãi, nhân dân, cán bộ, các nhà khoa học đều rất mong Nhà nước ta sớm có ngay đạo Luật về bảo vệ môi trường.
Với những lý do trên, Ủy ban chúng tôi thấy rằng việc Nhà nước ta ban hành Luật bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết, không những cho việc quản lý đất nước mà cả trong quan hệ quốc tế.”

Nguồn: Văn kiện quốc hội toàn tập tập VIII (1992-1997) Quyển 1 1992-1993 (Link: https://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=1525)

Nguồn gốc - ý nghĩa ngày Pháp Luật Việt Nam 09/11

Việc Quốc hội lựa chọn ngày 9/11 là ngày pháp luật vì vào ngày này cách đây 76 năm, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước. Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 4 Hiến pháp (1959, 1980, 1992, 2013), những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.

Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hành động của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Thứ nhất: Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật: Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để tất cả các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.

Thứ hai: Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật: Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

Thứ ba: Đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước: Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước.

Thứ tư: Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân: Bản chất của nhà nước pháp quyền chính là tính thượng tôn của pháp luật trong tổ chức đời sống kinh tế, xã hội của một quốc gia. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện, bao gồm tính thống nhất, ổn định, minh bạch, công bằng và dân chủ. Tổ chức Ngày Pháp luật góp phần đáp ứng các yêu cầu trên và trở thành một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Thứ năm: Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý: Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền, tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, cần phải xây dựng lối sống tôn trọng pháp luật. Lối sống theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các ứng xử theo pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời mà trở thành thói quen. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.

Nguồn: Môi Trường Á Châu tổng hợp

 

Ý kiến bạn đọc