Ngành Kĩ thuật môi trường là ngành học về các kĩ thuật và công nghệ ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải
Tin liên quan:
Giới trẻ tăng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường
Cách xử lý rác thải đơn giản của Úc vừa hiệu quả vừa tiết kiệm
Việt Nam là nước thải rác nhựa xuống biển nhiều thứ 5 trên thế giới
Ngành Kĩ thuật môi trường là gì?
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM cho biết: “Ngành Kĩ thuật môi trường trang bị cho người học kiến thức rộng về kĩ thuật môi trường thông qua đào tạo lí thuyết, chú trọng đào tạo thực hành trong các lĩnh vực hóa học, sinh học trong kĩ thuật môi trường, xử lí nước, chất thải rắn, khí thải, nước thải, tiếng ồn, kiểm soát ô nhiễm môi trường công – nông nghiệp, quản lí chất lượng môi trường, quan trắc môi trường, đánh giá tác động môi trường…”
Ngành Kĩ thuật môi trường là ngành học về các kĩ thuật và công nghệ ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm.
Hiểu một cách đơn giản ngành Kĩ thuật môi trường là ngành học về các kĩ thuật và công nghệ ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải thông qua các biện pháp sinh - lí - hóa học. Các giải pháp quản lý góp phần bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển bền vững.
Theo học ngành Kĩ thuật môi trường, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức, kĩ năng thực hành về công nghệ môi trường, công cụ quản lý môi trường, phương pháp đánh giá tác động môi trường, kĩ thuật tái chế và biện pháp xử lí các nguồn tài nguyên bị ô nhiễm.
Môn học chuyên ngành
Ông Cường còn cho biết thêm: “Nếu theo học ngành Kĩ thuật môi trường, ngoài các môn học cơ sở như: Hóa phân tích, Hóa lí, Hóa sinh, Địa chất môi trường, Môi trường đất, Khí tượng khí hậu, Kĩ thuật môi trường, Giảm thiểu chất thải và công nghệ sạch, Vi sinh vật nước và nước thải… sinh viên còn được trang bị các kiến thức chuyên sâu tùy chuyên ngành.
Học ngành Kĩ thuật môi trường ra trường làm gì?
Sinh viên tốt nghiệp có khả năng:
- Thiết kế, quản lí giám sát, thi công, vận hành các công trình xử lí chất thải, lập giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, sản xuất sạch hơn trong công nông nghiệp. Hoặc có thể giải quyết các vấn đề môi trường như xử lí môi trường (ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, khí thải độc hại, tiếng ồn, rác…)
- Thiết kế và thực hiện các vấn đề như công nghệ môi trường, xử lí nước thiên nhiên và nước thải, xử lí chất thải rắn, khí thải và tiếng ồn, chất độc hại, quan trắc và phân tích chất lượng môi trường,…
- Phân tích hệ thống môi trường thông qua việc nắm vững phương pháp sử dụng tài nguyên theo hướng phát triển bền vững và những biện pháp bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái như giảm thiểu ô nhiễm môi trong các lĩnh vực công nông ngư nghiệp và du lịch.
- Tham gia xây dựng và phát triển chính sách, chiến lược về quản lí môi trường.
Như vậy, với việc ứng dụng rộng rãi như trên, sinh viên tốt nghiệp ngành Kĩ thuật môi trường có thể đảm nhiệm tốt các công việc như: Chuyên viên môi trường ở các cơ sở sản xuất, nhà máy xử lí chất thải, công ty cấp nước, nhà máy xử lí nước, khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, tổ chức về môi trường.
Người học ngành Kĩ thuật môi trường cũng có thể giữ các vị trí quản lí tại Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Khoa học & Công nghệ, các Viện và Trung tâm Nghiên cứu Phòng Tài nguyên và Môi trường của các thành phố, quận, huyện hoặc có thể giảng dạy về khoa học môi trường từ cấp phổ thông trung học cho đến CĐ - ĐH.
Theo Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Môi trường (Nguồn: moitruong.com.vn)