Năm 2020: Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực tài nguyên

Thứ 3, 14/01/2020, 02:33 GMT+7

(Chinhphu) – Thực hiện phương châm “hướng về địa phương cơ sở, người dân, doanh nghiệp” trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết kịp thời các điểm nghẽn, các vấn đề phức tạp phát sinh... là những nhiệm vụ trọng tâm Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai trong năm 2020.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2020 của ngành tài nguyên và môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Giải phóng nguồn lực tài nguyên để bứt phá phát triển

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, năm 2019, Bộ TN&MT đặc biệt tập trung phát huy tài nguyên trở thành thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, đến nay, Bộ TN&MT đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu Chính phủ giao và mục tiêu của ngành đặt ra từ đầu năm, đáp ứng mục tiêu kiến tạo, khơi thông các điểm nghẽn thúc đẩy giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho mục tiêu bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường minh bạch, rõ trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương.

Vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường, đất đai cũng được đặc biệt chú trọng. Tỷ lệ người dân phản ánh có tình trạng nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm giảm 29% so với năm 2015, chất lượng dịch vụ cung cấp dịch vụ công tăng từ 2,64 điểm (năm 2016) lên 3,49 điểm (thang điểm 4) năm 2019; chỉ đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với 2 dịch vụ công về đất đai và môi trường tăng đều qua từng năm.

Đặc biệt, thu ngân sách dự kiến sẽ vượt mức kế hoạch (đến 21/11/2019 đã đạt 168%); tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đạt 97,36% diện tích cần cấp, tỷ lệ người có đất nông nghiệp bị thu hồi hài lòng về mức bồi thường đạt 68% (qua khảo sát của PAPI). Năm 2019, Bộ cũng đã tập trung giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí đất đai ở các dự án đầu tư, đất nông, lâm trường, đảm bảo chỉ tiêu đất có rừng theo yêu cầu của Quốc hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, tài nguyên khoáng sản được quản lý minh bạch hiệu quả thông qua đấu giá quyền khai thác mỏ, khoáng sản; nhiều giá trị địa chất được phát hiện; lĩnh vực khai khoáng đã phục hồi và đóng góp cho tăng trưởng.

Đáng chú ý, Bộ TN&MT đã thiết lập được hệ thống kiểm soát môi trường tự động với 600 trạm quan trắc, kết nối trực tuyến với 50 Sở TN&MT.

Bộ TN&MT cũng đã rà soát, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn, phát triển mô hình tái chế, đốt rác phát điện thay cho chôn lấp để trình Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội trong giảm thiểu rác thải nhựa. Tỷ lệ khu công nghiệp có khu xử lý chất thải tập trung đạt 89%. Số sự cố môi trường giảm 50% so với năm 2018. Các vụ việc vi phạm bị xử lý nghiêm minh.

Năm 2019, công tác dự báo cũng bám sát tình hình khí tượng thủy văn dài hạn  và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Ứng phó với biến đổi khí hậu đã huy động được sự chung tay của hệ thống chính trị nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nhìn thẳng vào những thách thức

Cùng với kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức đặt ra trong công tác quản lý TN&MT, trong đó nổi lên một số vấn đề cụ thể.

Tình trạng sợ trách nhiệm, để ách tắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất còn xảy ra. Nhiều địa phương chưa tính toán cân đối quỹ đất cho các nhu cầu phát triển trong quy hoạch sử dụng đất. Số vụ việc khiếu kiện về đất đai phải giải quyết có giảm nhưng chủ yếu là các vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, đã qua nhiều cấp giải quyết, hồ sơ, giấy tờ tài liệu không đầy đủ khó khăn cho công tác giải quyết dẫn đến tình hình phức tạp ở một số địa phương.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ tài nguyên nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Chất lượng môi trường nước tại một số đoạn trên các lưu vực sông lớn vẫn bị ô nhiễm, tập trung ở khu vực đô thị, khu dân cư, làng nghề. Các vấn đề mang tính liên ngành trong quản lý nước như: Quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp.

Một thách thức lớn nữa là lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng trung bình mỗi năm từ 10 - 16% (lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh 70 nghìn tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp khoảng 25 triệu tấn/năm). Tỉ lệ rác thải sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế còn thấp việc phân loại rác thải tại nguồn theo phương thức 3R chưa được triển khai rộng rãi trong toàn dân.

Cùng với đó, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng; sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số tỉnh ĐBSCL, miền Trung ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Bứt phá thực hiện các mục tiêu

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, năm 2020, Bộ TN&MT sẽ tạo đột phá trong thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện phương châm “hướng về địa phương cơ sở, người dân, doanh nghiệp” để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết kịp thời các điểm nghẽn, các vấn đề phức tạp phát sinh.

Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ thực hiện theo phương châm có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết cơ bản các điểm nóng phát sinh về khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận. Trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm: Các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, các tổ chức sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; việc giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện các dự án...

Một nhiệm vụ lớn sẽ được Bộ TN&MT chú trọng triển khai trong năm 2020 là tập trung thực hiện các giải pháp để nguồn lực tài nguyên được giải phóng tối đa, phân bổ và sử dụng hiệu quả cho trước mắt và lâu dài. Trong đó, chú trọng các mục tiêu: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phân bổ quỹ đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài; phát huy giá trị địa chất, nguồn lực khoáng sản cho phát triển kinh tế đất nước; triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển, tăng cường nghiên cứu khoa học về biển để từng bước làm chủ biển khơi

Năm 2020, Bộ TN&MT cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/9/ 2019 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường điều phối liên vùng trong  đầu tư, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện một số dự án cấp bách về phòng chống sạt lở đê sông, đê biển và tạo sinh kế bền vững; triển khai chương trình đánh giá liên ngành để có giải pháp tổng thể công trình và phi công trình phòng chống sạt lở, sụt lún. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất quy mô lớn ở các vùng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu như ĐBSCL, Duyên hải Nam Trung bộ... để chủ động thích ứng, chuyển hóa các thách thức thành lợi thế cho phát triển, đảm bảo sinh kế bền vững cho nhân dân.

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc