Vào ngày 31/12/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 4405/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030.
Thực hiện các biện pháp, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan, trong lĩnh vực quản lý chất thải để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Kết quả kiểm kê khí nhà kính của lĩnh vực quản lý chất thải tăng đều qua các kỳ kiểm kê từ năm 2014 đến năm 2020, cụ thể: 21,51 triệu tấn CO2tđ vào năm 2014; 20,74 triệu tấn CO2tđ vào năm 2016; 30,47 triệu tấn CO2tđ vào năm 2018; 31,06 triệu tấn CO2tđ vào năm 2020.
Kết quả kiểm kê khí mê-tan của lĩnh vực quản lý chất thải tăng đều qua các kỳ kiểm kê từ năm 2014 đến năm 2020, cụ thể: 19,52 triệu tấn CO2tđ vào năm 2014; 17,95 triệu tấn CO2tđ vào năm 2016; 26,47 triệu tấn CO2tđ vào năm 2018; 26,44 triệu tấn CO2tđ vào năm 2020.
Từ đó, Bộ TN&MT đã xác định các mục tiêu cụ thể, đối với trường hợp thực hiện bằng nguồn lực trong nước giảm 18,3% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải so với Kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 8,46 triệu tấn CO2tđ; trong đó phát thải khí mê-tan giảm 7,28 triệu tấn CO2tđ và lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 40,98 triệu tấn CO2tđ.
Khi có sự hỗ trợ của quốc tế về tài chính, công nghệ phù hợp và đầy đủ, mức giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải có thể nâng lên đến 63,5% so với Kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 29,42 triệu tấn CO2tđ; trong đó phát thải khí mê-tan giảm 26,94 triệu tấn CO2tđ và lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 17,50 triệu tấn CO2tđ.
*Ghi chú:
Tổng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 theo Kịch bản phát triển thông thường của lĩnh vực quản lý chất thải được xác định trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 là 46,3 tấn CO2tđ
CO2tđ là gì? CO2tđ trong tiếng Anh là CO2e - có nghĩa "tương đương với CO2", là đơn vị đo tổng lượng khí nhà kính phát thải. Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) định lượng tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) của 7 loại khí nhà kính gồm: carbon dioxide (CO2), metan (CH4), oxit nitơ (N2O), perfluorocarbons (PFC), hydrofluorocarbons (HFC), nitơ triflorua (NF3) và lưu huỳnh hexafluoride (SF6). Do CO2 phổ biến nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 75-80% tổng lượng khí nhà kính nên được lấy làm chuẩn.
Lộ trình dự kiến thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 do quốc gia tự thực hiện
Nguồn: Môi Trường Á Châu